Đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine
Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất tại Việt Nam từ trước tới nay đang được thực hiện tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có các vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Mục đích là nhanh chóng phủ vaccine để đạt được miễn dịch cộng đồng, như thế mới có thể đẩy lùi đại dịch Covid-19. Muốn vậy, công tác tiêm chủng phải được đẩy nhanh và nguồn vaccine phải dồi dào.
Coi công tác tiêm chủng là nhiệm vụ ưu tiên, cấp bách
Ngày 2/8, Bộ Y tế đã có văn bản hỏa tốc gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng tốc độ và diện bao phủ tiêm vaccine phòng Covid-19. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tổ chức tiêm chủng cho tất cả các trường hợp từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn.
Bộ Y tế cho biết, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh trên toàn quốc, Chính phủ và Bộ Y tế đã có nhiều chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị trong công tác phòng chống dịch. Nhằm khống chế dịch nhanh chóng, việc đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức tiêm chủng cho tất cả các trường hợp từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn. Ưu tiên tiêm chủng cho lực lượng y tế tuyến đầu, người cao tuổi, các trường hợp có bệnh lý nền theo Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26/2/2021; các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 3355/QĐ-BYT ngày 8/7/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 và đẩy nhanh việc tăng độ bao phủ tiêm chủng.
Các địa phương huy động tối đa các lực lượng tham gia tiêm chủng bao gồm cả y tế Nhà nước và tư nhân, các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, y tế các ngành…; tổ chức tiêm tại các cơ sở cố định và nhiều điểm tiêm chủng lưu động tại các khu dân cư, cơ quan, đơn vị… Bố trí nhân lực tiêm chủng và các bộ phận hỗ trợ làm việc toàn thời gian trong suốt thời gian tổ chức chiến dịch tiêm chủng. Không giới hạn số lượng người tiêm trong mỗi buổi tiêm chủng, phát huy tối đa năng lực của các điểm tiêm chủng.
Bộ Y tế cũng lưu ý các địa phương hướng dẫn người dân điền phiếu đồng ý tham gia tiêm chủng, phiếu sàng lọc trên nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử hoặc trên bản giấy, thực hiện khai báo y tế; thông báo thời gian và địa điểm tiêm để người dân tham gia đầy đủ, đúng giờ và không tập trung đông người tại một thời điểm; sắp xếp thời gian theo dõi sau tiêm chủng phù hợp.
Những người thuộc nhóm trì hoãn tiêm chủng thì tiếp tục theo dõi và sắp xếp tiêm chủng trong thời gian sớm nhất khi có đủ điều kiện. Những người thuộc nhóm cần thận trọng khi tiêm chủng có thể được tiêm tại tất cả các cơ sở tiêm chủng cố định và lưu động, không bắt buộc tiêm tại các bệnh viện, cơ sở điều trị.
Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố xem xét quyết định hình thức tổ chức triển khai tiêm chủng phù hợp với tình hình dịch bệnh và coi công tác tiêm chủng là nhiệm vụ ưu tiên, cấp bách trong tình hình hiện nay.

TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh tiêm vaccine
Là địa bàn sinh sống của hơn 10 triệu dân, trong đó có bộ phận đồng bào dân tộc người Hoa sinh sống, TP HCM hiện nay đang bị Covid-19 bủa vây. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã kêu gọi tất cả các tỉnh, thành phố, trong thời điểm này, nhường một phần vaccine để TPHCM tiêm trước cho người dân nhằm đạt được miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất.
Ngày 3/8, Phó chủ tịch UBND TP HCM Dương Anh Đức cho biết, tính đến tối 2/8, theo thống kê chưa đầy đủ, TP HCM đã tiêm được 920.329 liều vaccine phòng Covid-19. Như vậy TP đã cơ bản hoàn thành đợt tiêm thứ 5 với mục tiêu trên 900.000 liều trong vòng 10 ngày tiêm (tính từ ngày 22/7).
Từ ngày 3/8, TP HCM bước vào đợt 6 tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân. Vaccine Sinopharm đang trong quá trình được Bộ Y tế kiểm định độ an toàn nên không đưa vào tiêm trong đợt này. Nếu kiểm định an toàn, sẽ tiến hành tiêm chủng theo đúng quy trình như các vaccine khác.
Nói cụ thể hơn về đợt 6 tiêm vaccine, ông Dương Anh Đức cho biết đợt tiêm thứ 6 sẽ rất đặc biệt, dự kiến sẽ kéo dài đến hết tháng 8/2021 với sự hỗ trợ của Chính phủ. Nếu như cung cấp vaccine đầy đủ và đúng tiến độ như đề xuất, TP HCM sẽ cố gắng đạt mục tiêu những người đủ 18 tuổi trở lên sẽ cơ bản được tiêm.
Theo ông Đức, những ngày qua ông nhận được tin nhắn hỏi về việc có bắt buộc người dân tiêm vaccine. Tại cuộc họp, ông Đức khẳng định chủ trương lâu nay của cả nước là tiêm miễn phí và tự nguyện cho toàn dân. TP HCM cũng tổ chức tiêm vaccine trên tinh thần tự nguyện, những người đồng ý tiêm sẽ được tiêm.
Ông Đức cho biết hiện nay Sở Y tế đã phối hợp với các địa phương huy động tất cả các nguồn lực, bao gồm y tế công lẫn tư, quân đội của các tỉnh hỗ trợ. Hiện riêng nguồn TP đảm bảo được 1.200 đội tiêm và với quy trình hiện nay công suất đạt 250 người/đội/ngày. Như vậy riêng các đội tiêm của TP sẽ đạt 300.000 mũi/ngày.
Bộ Y tế vừa có công văn khẩn gửi sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục Y tế (Bộ Công an), Cục Quân y (Bộ Quốc phòng), các viện vệ sinh dịch tễ, viện Pasteur, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và trường đại học, đề nghị báo cáo tiến độ tiếp nhận, phân bổ và tiêm chủng vaccine Covid-19.
Theo báo cáo của Tiểu ban Tiêm chủng, đến ngày 31/7, cả nước đã triển khai tiêm được hơn 6,2/10,7 triệu liều vaccine phân bổ từ đợt 1 đến 13, chiếm tỷ lệ 58%. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương, đơn vị chậm trễ trong việc tổ chức tiếp nhận, phân bổ và triển khai tiêm vaccine Covid-19.
Bộ Y tế cho biết, sẽ chủ động điều chuyển vaccine cho các tỉnh, thành phố, đơn vị khác, nếu kết quả tiêm tại các đơn vị, địa phương đạt tỷ lệ thấp đối với từng đợt phân bổ.