Hà Nội: Cần nghiên cứu mô hình mới để ‘sống an toàn’ với dịch bệnh
PGS.TS Trần Đắc Phu nhận định, dịch còn diễn biến phức tạp nên cần tạo ra hành vi sống mới, phương thức sống mới, các cách quản lý mới để kiểm soát được dịch bệnh, hạn chế tối đa sự lây lan khi có một trường hợp F0 xuất hiện trong cộng đồng.
Nghiên cứu ‘mô hình mới’ trong kiểm soát dịch bệnh
Liên quan đến việc Hà Nội chuẩn bị nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch hoặc dừng giãn cách xã hội tại một số địa bàn quận, huyện không có dịch hoặc ít ca bệnh, trao đổi với phóng viên báo Đại Đoàn Kết Online, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, không chỉ căn cứ vào số ca bệnh mà phải dựa trên nhiều yếu tố để quyết định vấn đề này.
“Nguy cơ dịch bệnh bên trong, bên ngoài, song song với nhu cầu làm ăn kinh tế, nguy cơ dịch theo từng địa bàn. Vấn đề mấu chốt là khi nới lỏng cần kiểm soát được dịch bệnh bởi vì đảm bảo sức khỏe người dân vẫn là ưu tiên hàng đầu. Vậy nên có rất nhiều yếu tố, tiêu chí để quyết định dừng giãn cách xã hội, không chỉ căn cứ trên tiêu chí duy nhất là số ca mắc mới trong cộng đồng” - ông Phu phân tích.
Ông Phu cũng cho rằng, trong thời điểm này, Hà Nội cần đẩy mạnh tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho người dân. Lưu ý các đối tượng ưu tiên là những người mắc bệnh nền, người già, người tham gia chuỗi cung ứng. Đồng thời, Hà Nội cần chủ động bố trí cơ sở điều trị theo mô hình tháp 3 tầng để nếu dịch có diễn biến phức tạp thì chủ động trong công tác điều trị.
Đáng chú ý, ông Phu đề xuất Hà Nội cần nghiên cứu mô hình mới, cách thức sống mới để có thể “sống an toàn” với dịch bệnh. Ông Phu nói: “Tôi cho rằng hiện rất khó để có lại cuộc sống bình thường như lúc chưa có dịch. Dịch còn diễn biến phức tạp, khó lường vì vậy, ta cần tạo ra hành vi sống mới, phương thức sống mới, các cách quản lý mới để kiểm soát được dịch bệnh, hạn chế tối đa sự lây lan khi có một trường hợp F0 xuất hiện trong cộng đồng”.
Ba việc “cần làm ngay”
Ngoài một số các biện pháp phòng, chống dịch đã và đang được thực hiện hiện nay, về lâu dài, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Hà Nội cần tập trung vào 3 vấn đề trọng tâm. Theo đó, Hà Nội vẫn còn điều kiện truy vết, truy vết để bóc tách F0 do đó cần tìm kiếm ổ dịch phong tỏa dập tắt càng sớm càng tốt. Nhất là các ca bệnh trong cộng đồng có thể được phát hiện sớm hơn thông qua xét nghiệm khu vực nguy cơ, xét nghiệm những đối tượng nguy cơ hoặc xét nghiệm những người ho, sốt, khó thở.
Bên cạnh đó, ông Phu kiến nghị Hà Nội nên tiếp tục có kế hoạch xét nghiệm diện rộng có trọng tâm, trọng điểm để vừa phát hiện các trường hợp F0 lẩn khuất trong cộng đồng, vừa để đánh giá nguy cơ trên địa bàn.
Khi phát hiện F0 cần phải phong tỏa, truy vết càng sớm càng tốt. “Phải phong tỏa chặt chẽ ổ dịch mới kết hợp với việc giãn cách thật nghiêm, thực chất trong khu phong tỏa. Chỉ có giãn cách mới cách ly được người mắc bệnh với người bình thường, không để lây nhiễm chéo trong khu phong tỏa” – ông Phu nói.
PGS.TS Trần Đắc Phu cũng lưu ý rằng, cần giữ vững “vùng xanh”, khi phát hiện “vùng xanh” có ca mắc mới thì ngay lập tức phải tích cực truy vết. Nếu lơ là, chủ quan dễ dẫn đến việc “vùng xanh” thành “vùng đỏ”. Nếu “vùng xanh” có đặc điểm là nơi đông đúc, nhiều ngõ, ngách nhỏ và diện tích chật hẹp cùng với khả năng tiếp xúc lớn thì dịch rất nhanh bùng lên.
Quản lý khu ký túc xá phải chặt như khu cách ly
Liên quan đến những biện pháp lưu ý trong thời gian tới tại ổ dịch phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, PGS.TS Trần Đắc Phu đánh giá: “Hiện việc xử lý dịch tại khu vực Thanh Xuân đã hợp lý, khoanh chặt tại ngõ 328 và 330 và xét nghiệm xung quanh khu vực đó. Việc đã thực hiện xét nghiệm hơn 30.000 mẫu xung quanh khu vực đó nhưng không phát hiện ca dương tính. Như vậy có thể dịch chỉ xảy ra quanh 2 ngõ trên.
Đặc biệt đã xét nghiệm 3 ngày/lần để tiếp tục truy vết F0. Nhưng quan trọng cần phong tỏa chặt 2 đầu ngõ, đảm bảo an sinh xã hội bằng các túi an sinh”.
Đáng chú ý, do điều kiện sinh hoạt chật hẹp nên hiện một số người dân tại 2 ngõ trên đã được đưa ra khỏi khu vực này. Tuy nhiên, ông Phu khuyến cáo việc đưa người dân đến ký túc xá của Trường đại học FPT tại Hòa Lạc để giãn dân là hợp lý nhưng cũng cần hết sức cẩn thận.
Ông Phu lưu ý, sang ký túc xá, “nhà nào phải ở nhà đó”, tránh việc không quản lý tốt, các nhà vẫn đi lại với nhau, trong khi đó vẫn có thể còn những F0 trong đó nên có thể làm lây nhiễm. Vì vậy tại khu ký túc xá cũng cần quản lý chặt như khu cách ly.