TP HCM: Nở rộ hình thức mua thực phẩm chung hoặc theo combo

Thanh Giang 05/09/2021 08:08

TP HCM thực hiện siết chặt giãn cách xã hội bằng cách hạn chế tối đa người dân đi ra đường, vì vậy thị trường tiêu dùng đang nở rộ hình thức mua chung, bán hàng theo combo.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP HCM cho biết, thành phố hiện có 2.714 điểm cung ứng hàng hóa đang hoạt động với 92 siêu thị, 2.100 cửa hàng tiện ích và 522 cửa hàng tạp hóa.

Số điểm cung ứng hàng hóa nêu trên cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Hoạt động đi chợ hộ cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ đi chợ hộ theo ngày luôn đạt ở mức cao (trên 80%). Đặc biệt đã không còn đơn hàng tồn đọng trong ngày.

Một số đơn vị ở các tỉnh tổ chức bán hàng theo combo cho người dân thành phố
Một số đơn vị ở các tỉnh tổ chức bán hàng theo combo cho người dân thành phố.

Để người dân dễ dàng tiếp cận thực phẩm, nhiều đơn vị tổ chức mua hàng theo combo, mua chung hàng hóa.

Thông tin về gói combo 100k từ đề xuất của Tổ công tác 970 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó giám đốc Sở Công thương thành phố Nguyễn Nguyên Phương cho biết, mỗi combo đảm bảo tối thiểu có 10kg rau, củ, quả cơ bản hoặc các loại lương thực thiết yếu như gạo, thủy hải sản, thịt… phục vụ nhu cầu của người dân theo nhiều mức khác nhau.

Tại TP HCM đã có 2 địa phương là thành phố Thủ Đức và quận Bình Thạnh triển khai combo nông sản này. Trong đó, thành Thủ Đức triển khai bán được 3.400 combo, quận Bình Thạnh bán được 452 combo.

Hệ thống siêu thị đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa cho người dân.
Hệ thống siêu thị đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa cho người dân.

Trước đó, nhiều hệ thống siêu thị trên địa bàn thành phố cũng tổ chức mua hàng theo combo nhằm tạo thuận tiện cho đơn vị bán lẻ và người đi chợ hộ.

Liên quan đến vấn đề thực phẩm, đại diện SaiGon Coop cho biết, chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi Co.op Food vừa đưa vào vận hành hàng loạt xe buýt “Chuyến xe mua chung - Bình ổn giá”. Chuyến xe này kịp thời giao hàng cho các đầu mối mua chung, nhằm giảm tải đáng kể cho công tác đi chợ giúp dân đang quá tải hiện nay.

Theo mô hình mới này, các cơ quan chức năng chỉ cần cử đầu mối tổng hợp thông tin và chuyển đơn hàng cho Co.op Food. Sau khi nhận được đơn hàng, Co.op Food sẽ soạn và hẹn giao hàng tận nơi, các lực lượng chức năng chỉ cần tổ chức phân phối đến các hộ dân trong khu vực.

Mô hình mua chung hàng hóa được nhiều đơn vị áp dụng.
Mô hình mua chung hàng hóa được nhiều đơn vị áp dụng.

Bà Võ Thị Ngọc Hường, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Co.op Food cho biết, mục tiêu lớn nhất của Co.op Food thực hiện chương trình này là giúp người dân tiếp cận nguồn thực phẩm an toàn, tiết kiệm càng nhanh càng tốt để yên tâm ở nhà chống dịch. Đồng thời, mong muốn giảm áp lực việc đi chợ hộ của các lực lượng hỗ trợ hiện hữu.

“Chuyến xe mua chung - Bình ổn giá” sẽ ưu tiên cho các khu vực có siêu thị, cửa hàng thực phẩm tạm đóng cửa do F0 hoặc chưa có hệ thống phân phối hàng thực phẩm.

Chương trình này sẽ được chuỗi Co.op Food thực hiện khắp các địa phương TP HCM và trước mắt đã nhận được đơn đặt hàng của một số đầu mối tại các quận 5, 7, 8, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Bình Chánh, huyện Hóc Môn và TP Thủ Đức với số lượng mỗi điểm từ 200 đến 400 đơn hàng.

Thanh Giang