Thanh Hóa: Nông dân âm tính SARS-CoV-2 mới được đi gặt lúa
Sở NNPTNT Thanh Hóa vừa có văn bản yêu cầu thợ máy, phụ máy, lao động thủ công trong vùng cách ly, phong tỏa tham gia gặt lúa phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2.
Ngày 5/9, thông tin từ Sở NNPTNT Thanh Hóa cho biết, đơn vị vừa ban hành hướng dẫn các địa phương trên địa bàn tỉnh về điều kiện, cách thức thu hoạch lúa mùa đối với những nơi đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, sau khi tham vấn ý kiến từ Sở Y tế, Sở NNPTNT Thanh Hóa đã yêu cầu các địa phương tổ chức rà soát, đánh giá các trà lúa; xác định thời điểm cụ thể thu hoạch từng ruộng, từng vùng; khi lúa chín từ 80% trở lên là có thể thu hoạch, và ưu tiên thu hoạch trước những nơi lúa chín có nguy cơ cao ngập lụt, hoặc những hộ gia đình chính sách, neo đơn, gia đình ít lao động, gia đình trong vùng phong tỏa.
Chính quyền các địa phương đang bị phong tỏa, giãn cách theo Chỉ thị 15, 16 được yêu cầu làm việc trực tiếp với các chủ máy gặt để phân phối lịch gặt hợp lý.
Trường hợp không có máy gặt hoặc chưa sắp xếp được máy thì có thể huy động lao động tại doanh nghiệp, nhà máy đang tạm dừng sản xuất để giúp nông dân thu hoạch lúa bằng biện pháp thủ công.
Mỗi máy gặt chỉ bố trí một thợ máy và một người phụ giúp khi vận hành. Gia đình khi thu hoạch lúa chỉ bố trí một người ra đồng để hướng dẫn, nhận và vận chuyển lúa tại đầu bờ. Trường hợp gặt lúa thủ công thì mỗi gia đình được bố trí 2-3 người trong cùng một thời điểm.
Người dân ra đồng gặt lúa phải thực hiện đầy đủ biện pháp phòng chống Covid-19, luôn đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tối thiểu 2 m giữa người với người, hạn chế giao tiếp và không ăn uống tập trung.
Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, Sở NNPTNT Thanh Hóa yêu cầu những người ra đồng gặt lúa (thợ máy, phụ máy, lao động thủ công) phải có kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV. Các địa phương được khuyến nghị cân đối nguồn vaccine, ưu tiên tiêm sớm cho chủ máy gặt để đảm bảo hoạt động kịp mùa vụ, an toàn.
Ngành nông nghiệp cũng khuyến khích người dân tiêu thụ lúa tươi để doanh nghiệp thu mua tự phơi sấy, chế biến, không phơi lúa trên các trục đường, nơi công cộng...
Các tổ chức đoàn thể như phụ nữ, thanh niên được kêu gọi giúp nông dân, nhất là gia đình bị nhiễm bệnh hoặc phải đi cách ly tập trung, trong diện phong tỏa.
Vụ lúa mùa năm 2021, toàn tỉnh Thanh Hóa có hơn 200.000 ha gieo trồng. Thời điểm hiện tại, nhiều diện tích lúa đã đến kỳ thu hoạch, tuy nhiên, nhiều địa phương trong tỉnh đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 như: TP.Thanh Hóa, huyện Nông Cống, Nga Sơn Riêng huyện Hậu Lộc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15.
Ngoài ra, còn có một số các xã, phường, thị trấn, khu dân cư đang bị phong tỏa hoặc giãn cách xã hội, như ở huyện Mường Lát, Như Thanh, Hoằng Hóa, thị ã Nghi Sơn.
Được biết, từ ngày 27/4 đến nay, Thanh Hóa ghi nhận 380 ca Covid-19, hơn 220 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Phổi, gần 140 người ra viện, một ca tử vong.