Làm sao để trường ngoài công lập hết cảnh 'chuột chạy cùng sào'?

Trung Minh 06/09/2021 07:30

Sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, hệ thống các trường ngoài công lập của tỉnh Quảng Ninh có bước phát triển mạnh về số lượng cũng như chất lượng. Mặc dù vậy thì hầu hết các trường ngoài công lập của tỉnh Quảng Ninh vẫn lựa chọn học sinh trong tình cảnh “chuột chạy cùng sào mới vào… dân lập”.

Đóng góp xã hội lớn

Kể từ năm 1999, khi trường ngoài công lập đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh là Trường THPT Lương Thế Vinh được thành lập tại TP Cẩm Phả, đến nay, sau hơn 20 năm hình thành và phát triển, toàn tỉnh đã có 28 trường mầm non và 23 trường THPT. Trong đó số lượng học sinh mầm non là gần 27.000 và THPT là hơn 13.000.

Trường THPT Trần Nhân Tông (TX Đông Triều) được thành lập từ năm 2000 là một trong những trường ngoài công lập đầu tiên được thành lập trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Theo tính toán chưa đầy đủ, trong hơn 20 năm qua, các trường ngoài công lập của tỉnh Quảng Ninh đã tiết kiệm cho nhà nước khoảng 1.500 tỷ đồng kinh phí đào tạo học sinh cấp THPT, tạo chỗ học cho hàng trăm ngàn học sinh.

Cũng trong khoảng thời gian đó, các trường ngoài công lập đã đào tạo được cho khoảng 100.000 học sinh tốt nghiệp THPT.

Trường TH,THCS & THPT Lê Thánh Tông là một trường nằm ở vị trí trung tâm của TP Hạ Long được đầu tư khang trang, hiện đại đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục toàn diện.

Bên cạnh đó, một nguồn lực cơ sở vật chất khổng lồ phục vụ đào tạo của các cấp học đã được đầu tư. Các trường dân lập đã chi hơn 2.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng hệ thống phòng học, cơ sở vật chất, hệ thống phòng chức năng phụ trợ, mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy học. Nhiều trường đã xây dựng đạt chuẩn quốc gia.

Các cô giáo trường THPT Hồng Đức (TP Uông Bí) duyên dáng trong tà áo dài truyền thống.

Song song với việc đầu tư cơ sở vật chất thì các trường ngoài công lập còn vô cùng quan tâm xây dựng và phát triển đội ngũ nhân lực. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cơ hữu đạt tỷ lệ cao và hầu hết đạt chuẩn và trên chuẩn.

Đa số các trường ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã vận dụng thang bảng lương của Nhà nước để làm căn cứ tính chế độ tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp khác cho cán bộ, giáo viên, nhân viên; quan tâm hỗ trợ giáo viên đi đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Nhiều trường có ưu đãi để thu hút cán bộ, giáo viên chất lượng cao bằng các hình thức như: Bỏ qua thời gian hưởng lương tập sự đối với sinh viên tốt nghiệp loại khá trở lên, giáo viên có trình độ thạc sỹ hưởng 1,5 lần lương, giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh hưởng 1,3 lần lương…

Đã có 12/23 trường vận dụng quy định về chế độ thâm niên để chi trả cho giáo viên của đơn vị. Những sự quan tâm của các chủ đầu tư đã bước đầu tạo sự yên tâm, gắn bó của đội ngũ cán bộ giáo viên đối với các trường ngoài công lập.

Đa số các trường đều đáp ứng tốt các yêu cầu cơ bản để tổ chức hoạt động giáo dục. Chất lượng giáo dục được chú trọng, từng bước nâng lên. Một số trường đã quan tâm triển khai đổi mới phương pháp dạy học, tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, liên kết với một số trường để mời giáo viên có năng lực tham gia đào tạo môn mũi nhọn, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục thể chất. Hiện nay, 10 trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia và 1 trường đạt chất lượng cao.

Cạnh tranh có công bằng?

Mặc dù vậy nhưng hầu hết các trường ngoài công lập của tỉnh Quảng Ninh đang đứng trước rất nhiều khó khăn trong việc thu hút học sinh. Tình trạng tuyển sinh “vớt“ là thực trạng của hầu hết các trường ngoài công lập trên địa bàn tỉnh. Những học sinh không đỗ vào hệ công lập thì mới lựa chọn vào học hệ ngoài công lập.

Hoạt động học tập, trải nghiệm của thầy và trò Trường THCS – THPT Chu Văn An (TP Móng Cái) nhân dịp đền Xã Tắc (phường Ka Long, TP Móng Cái) đón nhận bằng xếp hạng Di tích cấp Quốc gia vào tháng 4 năm 2021.

Qua thực tế tồn tại, phát triển của các trường ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh thời gian qua cho thấy, trở ngại lớn nhất đối với sự phát triển của loại hình này chính là “định kiến” giữa loại hình đào tạo công lập và ngoài công lập.

“Định kiến” đó được thể hiện qua việc xây dựng các cơ chế quản lý cũng như cơ chế hỗ trợ đối với loại hình này. Khác với các trường công lập được nhà nước đầu tư toàn bộ về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, trả lương giáo viên, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ,… thì trường ngoài công lập trong những năm qua cơ bản vẫn trông chờ vào sự quan tâm của các chủ đầu tư.

Ở nơi nào điều kiện thu hút học sinh được thuận lợi, có số học sinh đông và được chủ đầu tư quan tâm thì nơi đó trường có điều kiện phát triển cả về quy mô, chất lượng. Ngược lại, những trường ở các địa phương vùng khó, đặc biệt là ở khu vực miền Đông của tỉnh Quảng Ninh đều gặp rất nhiều khó khăn.

Ở những khu vực đó thì dù chủ đầu tư có quan tâm đầu tư cơ sở vật chất tốt, đội ngũ giáo viên tốt cũng khó có thể tuyển sinh được học sinh chất lượng cao dẫn đến tình trạng như trường THPT Nguyễn Trãi (huyện Tiên Yên) được đầu tư khang trang đạt chuẩn quốc gia nhưng lại bị lãng phí nguồn lực do chỉ tuyển sinh được số lượng học sinh rất thấp so với trường công lập đang khó khăn về cơ sở vật chất ở địa phương chỉ vì phân biệt giữa công lập và ngoài công lập.

Trường THPT Nguyễn Trãi (huyện Tiên Yên) được xây dựng khang trang với 30 phòng học, 8 phòng học chức năng, khu nhà hiệu bộ, sân chơi bãi tập, khu ký túc xá và nhà ở công vụ cho giáo viên nhưng mới chỉ khai thác được một phần rất nhỏ, gây lãng phí lớn nguồn lực đầu tư.

Cũng là nhiệm vụ đào tạo học sinh nhưng cơ chế ưu đãi đối với trường ngoài công lập lại rất khác nhau. Không chỉ phải cạnh tranh với những trường công lập được đầu tư, trang bị đầy đủ theo nhu cầu mà các trường ngoài công lập còn phải cạnh tranh học sinh với những trung tâm giáo dục thường xuyên tại địa phương.

Trước đây, các trung tâm giáo dục thường xuyên, đặc biệt là ở cấp huyện thường chỉ có ít học sinh và đào tạo hệ bổ túc vừa học vừa làm là chính nhưng những năm gần đây nhờ có “độc quyền” về định hướng phân luồng đào tạo và được những cơ chế ưu đãi như không phải đóng học phí và được hỗ trợ tiền học nên các trung tâm này đã thu hút được lượng lớn học sinh trên địa bàn.

Trong khi đó, cơ sở vật chất của các trung tâm giáo dục thường xuyên thường rất hạn chế, đội ngũ giáo viên thiếu và điều kiện dạy nghề lại không có hiệu quả. Do đó học sinh tốt nghiệp ra không đạt được mục tiêu về học văn hoá cũng chẳng đạt mục tiêu về tay nghề. Nhưng hàng năm do được “áp tỷ lệ” phân luồng nên các trung tâm giáo dục thường xuyên thường được phân chỉ tiêu tuyển sinh khá cao làm ảnh hưởng đến nguồn học sinh đầu vào của các trường ngoài công lập.

Cần xoá bỏ rào cản về cơ chế

Vừa qua, tỉnh Quảng Ninh vừa thông qua Nghị quyết về miễn giảm 100% học phí năm học 2021-2022 đối với các cấp học từ mầm non đến THPT trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là tín hiệu tốt để các trường ngoài công lập giảm bớt khó khăn trong việc thu hút học sinh.

Tuy nhiên, để thúc đẩy các trường ngoài công lập phát triển, ngoài việc thu hút các trường được đầu tư theo hình thức trường chất lượng cao tại các địa phương có điều kiện kinh tế phát triển thì mấu chốt vấn đề là giải quyết “nút thắt” về cơ chế đang “bó” các trường ngoài công lập hiện nay.

Trường TH, THCS & THPT Văn Lang (TP Hạ Long) luôn đi đầu trong các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp với mỗi tháng 1 chủ đề giúp học sinh phát triển khả năng trên mọi phương diện.

Trong một cuộc họp mới đây của Câu lạc bộ các trường ngoài công lập tỉnh Quảng Ninh, đại diện chủ đầu tư và hiệu trưởng các trường đã bàn và thống nhất đề xuất tỉnh Quảng Ninh một số cơ chế hỗ trợ các trường ngoài công lập. Trong đó có việc đề nghị tỉnh xây dựng chỉ tiêu tuyển sinh đầu cấp THPT cần tính toán sát thực tế, đảm bảo sự hài hoà giữa các mô hình giáo dục (Công lập, Ngoài công lập và GDTX), giảm số học sinh/lớp của các trường công lập để hỗ trợ tuyển sinh các trường ngoài công lập. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần quan tâm, đầu tư trang thiết bị dạy học cho các trường khối ngoài công lập theo cơ chế quản lý giống như của các trường công lập. Các trường cũng mong muốn tỉnh và ngành Giáo dục tiếp tục có cơ chế hỗ trợ bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho nhà giáo, đội ngũ quản lý giáo dục.

Một tiết học bơi của học sinh trường TH, THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP Hạ Long) nhằm giúp các em được nâng cao giáo dục thể chất và phòng, tránh đuối nước.

Về vấn đề tài chính, các trường cũng thống nhất đề nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia cho các trường THPT ngoài công lập theo mức như các trường công lập; học sinh được hưởng hỗ trợ về kinh phí thi THPT Quốc gia và có cơ chế ưu đãi vay vốn cho các trường ngoài công lập theo Quyết định số 2433/2015/QĐ-UBND ngày 20/8/2015 của UBND tỉnh Quảng Ninh về một số chính sách khuyến khích, thúc đẩy xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, thể dục thể thao, môi trường, giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh. Mặc dù cơ chế đã có hiệu lực nhiều năm nhưng chưa có trường ngoài công lập nào tiếp cận được với việc hỗ trợ vốn vay ngân hàng thương mại để đầu tư cơ sở vật chất phục vụ dạy học.

Học sinh trường THPT Nguyễn Bình (TX Đông Triều) trong giờ học ngoại khoá.

Đặc biệt, các trường ngoài công lập cũng đề nghị được thí điểm công tác đào tạo nghề kết hợp với đào tạo văn hoá như hình thức của các trung tâm giáo dục thường xuyên. Đại diện các trường đều khẳng định nếu được giao nhiệm vụ đào tạo nghề theo phân luồng học sinh thì họ sẽ có điều kiện đầu tư về cơ sở vật chất và liên kết với các trường nghề có chất lượng để đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề đáp ứng tốt yêu cầu phát triển.

Cùng với đó, việc Bộ Giáo dục & Đào tạo lấy ý kiến vào dự thảo Thông tư ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường ngoài công lập cần làm rõ quy định về Hội đồng trường cũng như một số vấn đề về tổ chức nhà trường và tỉ lệ giáo viên cơ hữu cho phù hợp với từng cấp học.

Trung Minh