Để xã, phường thực sự là ‘pháo đài’ chống dịch
Những chuyến kiểm tra của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại các tỉnh phía Nam và Hà Nội, đã cho thấy những điểm yếu tại cơ sở. Theo ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa: Nếu coi mỗi xã, phường là một “pháo đài” chống dịch thì cần phải tăng cường trách nhiệm của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở.
PV: Thưa ông, thực tế vừa qua tại một số nơi đã bộc lộ sự lơi lỏng trong công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là cán bộ ở cấp cơ sở. Phải chăng vẫn có tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”?
Ông Lê Văn Cuông: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ đã vào cuộc quyết liệt trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, số ca bệnh tăng nhanh, xảy ra ở nhiều địa phương. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của các lãnh đạo rất nhanh chóng, kịp thời, hàng ngày. Có rất nhiều địa phương đã vào cuộc quyết liệt, song cũng có một số nơi chưa tập trung ngăn chặn dịch bệnh. Vừa qua Thủ tướng đã đi kiểm tra tại một số tỉnh. Qua đó thấy được “lỗ hổng” ở dưới cơ sở trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Từ cấp quận huyện, đặc biệt là cấp cơ sở xã, phường vẫn đang còn chủ quan, lúng túng trong cách thức thực hiện. Ý thức tự giác của cán bộ cấp cơ sở chưa nghiêm, vào cuộc chưa quyết liệt.
Tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” như ông nói phải chăng do chưa tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện?
Đúng là từ tình hình thực tế tại cấp cơ sở cũng cho thấy công tác kiểm tra, giám sát của cấp trên cơ sở chưa triệt để. Sự quan liêu của chính quyền cấp trên cơ sở vẫn còn tồn tại, nghĩ rằng “trên nghiêm thì dưới sẽ nghiêm” cho nên chưa tập trung đi kiểm tra, đôn đốc xử lý những trường hợp vi phạm. Ngay trong xử lý trách nhiệm đã nêu rõ người đứng đầu phải chịu trách nhiệm khi cấp dưới xảy ra những vi phạm nhưng việc xử lý chưa tương xứng.
Để xảy ra những lỗ hổng tại cấp cơ sở theo tôi thứ nhất do kiểm tra, giám sát nắm tình hình của cấp trên còn chưa thường xuyên sâu sát. Thứ hai việc xử lý chưa kiên quyết nên để xảy ra tình trạng “bên ngoài chặt bên trong lỏng”. Ngay trong công tác phòng, chống dịch ở các cửa ngõ nhiều khi kiểm soát quá chặt, làm ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Trong khi đó ở nội đô thì lại lỏng, người dân ra đường quá đông và có sự tiếp xúc với nhau, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm tại cộng đồng.
Có thể một số người dân chưa nghiêm túc chấp hành, vẫn ra đường song nếu như chính quyền cấp cơ sở quản lý chặt chẽ ngay từ khu dân cư, không “bỏ trống trận địa” thì chắc chắn không xảy ra hiện tượng nhiều người ra đường trong thời điểm giãn cách.
Chúng ta đã xác định mỗi xã, phường là một “pháo đài” chống dịch. Nếu quản chặt ở cơ sở thì sẽ ngăn chặn được dịch vì thế cần củng cố đội ngũ chống dịch ở cơ sở trước tiên, thưa ông?
Dịch không đơn thuần nằm ở nơi cách ly, nơi chốt chặn tại mỗi cửa ngõ mà nguồn gốc lây lan dịch nằm ở cộng đồng, nó gắn với công tác quản lý ở cấp xã phường, tổ dân phố, khu dân cư. Việc quản chặt ngay từ cộng đồng chính là “nắm từ gốc”. Do đó, hệ thống chính trị từ cơ sở, tổ dân phố, xã phường phải quản lý tốt, trong đó gắn với năng lực, trình độ, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhất là cấp cơ sở càng cần phải được quan tâm. Còn cấp trên cơ sở cần tăng cường kiểm tra để giám sát, phát hiện những trường hợp vi phạm, và xử lý nghiêm.
Ngăn chặn F0 trong cộng đồng chính là ngăn chặn ở khu dân cư, ở xã phường. “Nhà cách ly với nhà”, “phường cách ly với phường”, xã, phường là “pháo đài” thì đây chính là trách nhiệm của cấp cơ sở. Chủ trương ở trên đã “đúng” và “trúng”, nhưng phải có cán bộ để thực hiện. Không ai sát dân bằng đội ngũ này. Kinh nghiệm cho thấy ở đâu đội ngũ cán bộ làm quyết liệt, “đến nơi đến chốn”, chăm lo chu đáo cho người dân thì nơi đó dịch bệnh được kiểm soát, ngăn chặn. Chủ trương là áp dụng chung cho cả nước, nhưng ở đâu cán bộ nêu cao tinh thần trách nhiệm và ý thức thì nơi đó mọi việc tốt. Còn nơi nào đội ngũ thiếu tinh thần trách nhiệm, ngại va chạm, vất vả thì xảy ra hậu quả là người dân không chấp hành nghiêm và dịch bệnh phát sinh.
Ông có nghĩ trong lúc này cần tăng cường điều động cán bộ có trình độ từ cấp quận, huyện xuống giúp cơ sở?
Nơi nào đội ngũ cán bộ thực hiện tốt nhiệm vụ, là “vùng xanh” thì không cần tăng cường. Nếu như chỗ nào yếu kém, có những lỗ hổng, là “vùng đỏ” thì phải tăng cường. Cấp quận, huyện quản lý trực tiếp cơ sở phải nắm tình hình, nơi nào cán bộ yếu kém dứt khoát phải điều động tăng cường cán bộ, và có sự giám sát đôn đốc thường xuyên. Nếu như thấy điểm nghẽn không thực hiện được, để xảy ra nguy cơ xảy ra hậu quả cần xử lý kịp thời. Nơi nào yếu kém cần tăng cường cán bộ để làm gương cho nơi khác, tránh việc không quản lý giám sát chặt chẽ để xảy ra hậu quả đáng tiếc.
Trân trọng cảm ơn ông!