Xây dựng quy chuẩn ứng xử cho nghệ sĩ
Thời gian qua đã có nhiều nghệ sĩ có những phát ngôn, ứng xử không phù hợp, tạo hình ảnh xấu trong lòng công chúng. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đang tiến hành xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử đối với những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật để giảm thiểu tình trạng này.
Thanh lọc ứng xử xấu
Dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử gồm 3 chương, 11 điều được xây dựng nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, chuẩn mực đạo đức của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Trong đó, phạm vi áp dụng là những người tham gia lĩnh vực nghệ thuật, bao gồm cả hoạt động tự do và biên chế ở các đơn vị nghệ thuật.
Cũng theo dự thảo sẽ có 5 quy định “cứng” để áp dụng với ứng xử của những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Ở đó, với ứng xử trong hoạt động nghề nghiệp có quy định, không sáng tạo, phổ biến, lưu hành, biểu diễn những sản phẩm có nội dung vi phạm các quy định pháp luật về lĩnh vực nghệ thuật. Sử dụng trang phục, hóa trang phù hợp với mục đích và nội dung hoạt động nghệ thuật… Với ứng xử đối với đồng nghiệp, cần tôn trọng, bảo vệ danh dự, uy tín của đồng nghiệp trước công chúng, khán giả và xã hội. Trung thực, có trách nhiệm trong phát ngôn, bày tỏ, chia sẻ quan điểm, không gây mâu thuẫn, cạnh tranh không lành mạnh, gây tổn hại đến uy tín, quyền lợi của đồng nghiệp… Ứng xử đối với công chúng, khán giả, cần tôn trọng, lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp để hoàn thiện bản thân và nâng cao chất lượng tác phẩm nghệ thuật. Trung thực, không lợi dụng hình ảnh để trục lợi cho cá nhân, làm tổn hại đến danh dự, uy tín của người hoạt động nghệ thuật. Ứng xử chân thành, đúng mực, lịch sự và thân thiện với công chúng, khán giả.
Đặc biệt, với quy tắc ứng xử trong công tác xã hội, dự thảo cũng nhấn mạnh việc công khai, minh bạch thông tin trong các hoạt động xã hội, tích cực đóng góp cho cộng đồng và tạo ấn tượng tốt đẹp trong nhân dân. Tham gia hoạt động quảng cáo phải đảm bảo truyền đạt thông tin trung thực, chính xác, rõ ràng về công dụng, tính năng của sản phẩm, hàng hoá đúng quy định của pháp luật về quảng cáo. Không thực hành, ủng hộ, các hoạt động mê tín dị đoan. Không tổ chức, tham gia, các hoạt động trái quy định của pháp luật, xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Còn với quy tắc ứng xử trên báo chí, truyền thông và mạng xã hội, những người tham gia hoạt động nghệ thuật cần có trách nhiệm, trung thực trong phát ngôn, bày tỏ và chia sẻ quan điểm; không sử dụng từ ngữ gây thù hận, phân biệt vùng, miền, giới tính, tôn giáo; không sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh phản cảm, trái thuần phong mỹ tục khi tham gia hoạt động báo chí, truyền thông và mạng xã hội. Không đăng tải, chia sẻ và lan truyền các nội dung vi phạm pháp luật, thông tin sai sự thật, thông tin chưa được kiểm chứng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân và ảnh hưởng tiêu cực, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. Không lôi kéo, xúi giục, kích động, tạo phe nhóm gây chia rẽ, mất đoàn kết, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, lợi ích quốc gia, dân tộc.
Lấy lại hình ảnh đẹp cho nghệ sĩ
Có thể nói, sau hàng loạt các “lùm xùm”, tai tiếng nhất là trong giới showbiz đang làm ảnh hưởng đến hình ảnh tốt đẹp vốn có của những nghệ sĩ. Đơn cử như chuyện “tranh cãi” về việc làm từ thiện của nghệ sĩ H.L, T.T. Các nghệ sĩ như H.V, N.T... với những phát ngôn, quảng cáo quá đà các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không đúng sự thật. Diễn viên K.M.T, ca sĩ C.T.S... đăng tải những bài viết có nội dung liên quan đến hoạt động đầu tư tiền ảo. Gần đây nhất là việc phát ngôn gây hoang mang dư luận về công tác hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 tại TPHCM hay chia sẻ về thông tin chữa bệnh Covid-19 bằng cách nuốt giun đất sống (địa long) của một số nghệ sĩ như T.T.M., P.T… Với hàng loạt những sai phạm trên, việc xây dựng và áp dụng Bộ Quy tắc ứng xử vào trong cuộc sống đang được kỳ vọng sẽ tạo “bức tường lửa” nhằm ngăn chặn những hành vi xấu, thiếu chuẩn mực của một số cá nhân tham gia lĩnh vực nghệ thuật.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn Trần Hướng Dương cho biết: Việc ban hành một Bộ Quy tắc ứng xử cho những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật là vô cùng cần thiết. Nhất là thời gian qua, làng giải trí Việt có quá nhiều sự việc lùm xùm, gây ảnh hưởng không nhỏ đến lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và gây xói mòn lòng tin của công chúng đối với nghệ sĩ. Bộ Quy tắc ứng xử này sẽ đưa ra những chuẩn mực để các hội chính trị, nghề nghiệp, xã hội... dựa vào đó mà đề ra các quy tắc riêng. Từ đó, sẽ có các biện pháp thanh lọc để nghệ sĩ biết nâng cao ý thức của mình trong hành xử hàng ngày và trong quá trình làm nghề.
Còn theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phân tích: Nghệ sĩ là người của công chúng nên những hành vi của họ trên mạng xã hội và cả ngoài đời thực có ảnh hưởng rất lớn đến suy nghĩ, lối sống của công chúng. Vì thế, xã hội trông chờ rất nhiều vào những hành vi đúng đắn, suy nghĩ cẩn trọng, chia sẻ có trách nhiệm của nghệ sĩ trên mạng và ngoài đời thực. Theo tôi, đó là một trong những lý do quan trọng nhất để chúng ta cần có một Bộ Quy tắc ứng xử cho nghệ sĩ, đặc biệt trong giai đoạn đất nước đang chịu nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Chúng ta đang rất cần những ứng xử có trách nhiệm của mỗi người, trong đó có các nghệ sĩ, đối với cộng đồng và xã hội.
Bộ Quy tắc ứng xử của những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật được Bộ VHTTDL biên soạn từ tháng 4/2021 và lấy ý kiến đóng góp từ các chuyên gia cũng như nhà quản lý từ tháng 8/2021. Mới đây, Bộ VHTTDL cũng đã gửi văn bản dự thảo cho 6 đơn vị gồm Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam để lấy ý kiến góp ý xây dựng.