Cá nhân kêu gọi từ thiện: Cần có khung pháp lý rõ ràng
Gần đây dư luận xã hội đặc biệt quan tâm việc nhiều cá nhân, nghệ sĩ kêu gọi từ thiện, tuy nhiên cách thức thực hiện mỗi người một kiểu.
Thiện nguyện tích cực
Nhiều năm qua ở Việt Nam, hoạt động từ thiện đã trở thành một phong trào phổ biến trong xã hội, thu hút sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân nhằm kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ, động viên những hoàn cảnh khó khăn. Việc quyên góp làm từ thiện về cơ bản là rất nhân văn, phù hợp với truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của dân tộc ta.
Đáng chú ý, sự góp mặt của một số nghệ sĩ nổi tiếng đã tạo nên những hiệu ứng tích cực trong hoạt động thiện nguyện. Việc người nổi tiếng thể hiện trách nhiệm đối với xã hội, tinh thần chia sẻ, tương thân tương ái đã có tác động tích cực đến công chúng, góp phần làm cho phong trào thiện nguyện thêm lan tỏa rộng rãi hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh các cá nhân, đơn vị, tổ chức làm thiện nguyện xuất phát từ mục đích trong sáng, nhân văn, có không ít người lợi dụng từ thiện để trục lợi, đánh bóng tên tuổi, làm từ thiện không đúng cách, thậm chí còn có hành vi tiêu cực, phản cảm,... gây bức xúc trong dư luận và tạo ra không ít hệ lụy.
Mới đây, việc nghệ sỹ L. giữ số tiền hơn 13 tỷ đồng do nhiều cá nhân, tổ chức quyên góp nhằm giúp đỡ đồng bào miền Trung chịu ảnh hưởng nặng nề bởi lũ lụt nhưng sau hơn nửa năm vẫn chưa chuyển đến tay người nhận đã gây xôn xao dư luận. Theo nghệ sĩ này, tổng số tiền mà anh kêu gọi quyên góp được vẫn nằm trong tài khoản và khẳng định sẽ đến miền Trung trao tận tay bà con.
Tuy nhiên, nhiều người không đồng tình với cách giải thích trên bởi việc quyên góp ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung được thực hiện lúc người dân thiếu thốn, khó khăn nhất, cần sự chung tay hỗ trợ của cộng đồng để sớm ổn định cuộc sống. Sự giúp đỡ đồng bào lúc đó mới thật sự đúng thời điểm và có ý nghĩa. Hơn 6 tháng trôi qua và cũng đã qua đi thời gian mà người dân vùng lũ cần nhất số tiền đó thì việc giúp đỡ muộn màng này chẳng còn nhiều ý nghĩa như lúc ban đầu.
Không những vậy, một số cư dân mạng cho rằng, trong trường hợp chưa thể trao số tiền kêu gọi ủng hộ người dân miền Trung, nghệ sĩ L. cũng phải có giải trình minh bạch cụ thể về việc tổng số tiền quyên góp là bao nhiêu, được giữ trong tài khoản nào, kế hoạch sử dụng ra sao,…Thế nhưng, chỉ đến khi có người đứng ra chỉ đích danh, nam nghệ sĩ mới lên tiếng giải trình khiến cho không ít người mất lòng tin.
Hay như trường hợp của ca sĩ T. cũng tốn không ít giấy mực của báo giới. Nữ ca sĩ không chỉ kêu gọi được hơn trăm tỷ đồng mà còn không ngại vất vả, nguy hiểm để đem những khoản đóng góp đến miền Trung vào đợt lũ lụt năm 2020. Những gì ca sĩ T. đã làm nhận được ghi sự nhận của cộng đồng. Tuy nhiên, vẫn còn không ít người băn khoăn về sự minh bạch đối với số tiền mà người hâm mộ, mạnh thường quân đã đóng góp cho đồng bào miền Trung bị lũ lụt thông qua ca sĩ T.
Một tờ “sao kê” viết tay và một số “thư cảm ơn” của địa phương đã nhận được sự hỗ trợ từ nguồn từ thiện của ca sĩ T. không đủ “thỏa mãn” dư luận. Không ít người cho rằng, nữ ca sĩ có nghĩa vụ phải minh bạch sao kê đầu vào những khoản quyên góp được, cũng như các chi tiêu, cứu trợ, ủng hộ… Trước những “ồn ào” này, chồng ca sĩ T. cho biết hiện đang phải ở nhà thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19. Sau khi hết giãn cách, vợ chồng anh sẽ ra ngân hàng sao kê đầy đủ và livestream cho tất cả mọi người cùng theo dõi.
Từ những ví dụ trên có thể thấy, do hoạt động từ thiện còn thiếu những quy định, ràng buộc chặt chẽ về mặt tổ chức, pháp luật nên đã gây ra khá nhiều bất cập.
Để việc làm từ thiện minh bạch, hiệu quả
Lâu nay phần lớn việc làm từ thiện của một số tổ chức, cá nhân còn có tính tự phát, mạnh ai nấy làm, nên đôi khi chưa phát huy hết được hiệu quả như mong muốn. Vì thế, để các hoạt động thiện nguyện đạt được hiệu quả cao nhất và tuân thủ đúng luật pháp, phù hợp với các quy tắc về văn hóa, đạo đức, thiết nghĩ cần có cơ chế giám sát chặt chẽ, minh bạch.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Tô Văn Tám- Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum cho biết, hiện nay việc cá nhân kêu gọi tiền từ thiện theo pháp luật hiện hành thì chưa có. Việc kêu gọi từ thiện phải thông qua các tổ chức theo Nghị định 64/2008/NĐ-CP về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Vì vậy, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 64, sao cho vừa huy động được nhiều nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân tham gia, vừa bảo đảm việc quản lý, giám sát các hoạt động theo đúng quy định pháp luật, tránh việc lợi dụng vận động quyên góp, phân phối, cứu trợ để trục lợi hoặc thực hiện các mục đích khác gây mất an ninh, trật tự ở địa phương.
Theo ông Tám, trong thời điểm chưa có khung pháp lý rõ ràng, các cá nhân có điều kiện kêu gọi từ thiện nên phối hợp với Ủy ban MTTQ ở địa phương, phối hợp với ngân hàng chi tiết các khoản thu chi để có cơ sở chứng minh số tiền thu chi cho các nhà hảo tâm và công chúng.
Đồng quan điểm, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết hoạt động từ thiện được quy định tại Nghị định 64/2008/NĐ-CP. Trong đó, có thể thấy quy định về cá nhân kêu gọi quyên góp, việc giám sát các hoạt động từ thiện của cá nhân còn đang bỏ ngỏ.
Tuy nhiên, cá nhân thực hiện hoạt động từ thiện nếu không minh bạch, sử dụng sai mục đích có nghĩa vụ hoàn trả lại số tiền quyên góp theo yêu cầu người đóng góp. Đồng thời nếu gây ra thiệt hại, cá nhân làm từ thiện có thể bị kiện ra tòa và bị xử lý theo Bộ luật Dân sự 2015. Nếu hành vi có yếu tố cấu thành tội phạm, cá nhân đó sẽ bị xử lý hình sự theo Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự hoặc lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản theo Điều 175 Bộ luật Hình sự 2015.
Ông Lưu Bình Nhưỡng, Đại biểu Quốc hội khóa XIV: Cần có các quy định rõ ràng hơn về từ thiện
“Luật pháp không cấm ai kêu gọi từ thiện, cũng không cấm ai đóng góp tiền cho ai đi từ thiện thay mình. Đó là một “hợp đồng” dân sự. Nhưng nếu lợi dụng việc làm từ thiện để trục lợi hoặc sử dụng không đúng mục đích, chiếm đoạt nó thì có thể quy vào tội lừa đảo, lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản…Việc kết luận là của các cơ quan điều tra.
Vấn đề từ thiện là tùy tâm nên việc xây dựng các khung pháp lý quy định việc kêu gọi từ thiện ra sao là rất khó. Thay vào đó, để tránh tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, nên thiết kế các cơ chế để phòng chống việc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Trước hết, cần cho phép những người kêu gọi và tham gia làm từ thiện tự thiết kế cơ chế kiểm soát của mình, trong trường hợp vi phạm thì có cơ sở để xử lí theo quy định.
Vậy nên những người có tiền và mang tiền đi quyên góp cho các cá nhân kêu gọi từ thiện trước hết cũng phải biết kiểm soát và tự đặt cơ chế kiểm soát cho khoản tiền đóng góp của mình. Những người đứng ra kêu gọi từ thiện cũng phải công khai, minh bạch các hoạt động”.