Tận dụng lợi ích vaccine
Những tháng qua, tình hình đại dịch Covid-19 tại nhiều tỉnh, thành phố diễn biến phức tạp khiến các địa phương phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian dài. Điều đó khiến nền kinh tế bị đình trệ, nhiều người dân gặp khó khăn trong cuộc sống do không có thu nhập…
Đáng nói, trong số những người phải “nằm nhà” do giãn cách xã hội, có người đã tiêm một, thậm chí hai mũi vaccine phòng Covid-19. Vì thế, có luồng ý kiến cho rằng, các cơ quan chức năng, nhất là Bộ Y tế cần tham mưu và đề xuất với Chính phủ cho phép những người đã tiêm đủ hai mũi vaccine phòng Covid-19 được phép ra ngoài sản xuất, kinh doanh.
Luồng ý kiến này không phải là không có lý, bởi bản chất của việc tiêm vaccine chính là để tạo miễn dịch cộng đồng. Nếu tiêm xong mà vẫn phải “cửa đóng, then cài” thì thật uổng phí nguồn vaccine quý giá mà phải rất khó khăn mới có được. Để tránh lãng phí, cần cho người đã tiêm đủ hai liều vaccine được phép làm việc trở lại để phát triển kinh tế.
Thời gian qua, dù gặp khó khăn do nguồn cung khan hiếm, Chính phủ vẫn rất cố gắng, nỗ lực ngoại giao để có được những liều vaccine quý báu. Do vậy, chúng ta cần phải biết tận dụng lợi thế mà vaccine mang lại, để đảm bảo thực hiện thắng lợi mục tiêu kép: Vừa phòng chống dịch hiệu quả mà vẫn đảm bảo phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Các chuyên gia y tế khẳng định, thông thường thời gian sinh kháng thể miễn dịch sau tiêm là khoảng 15 ngày. Đó là lý do một số ý kiến cho rằng, với những người đã tiêm đủ hai mũi vaccine phòng Covid-19, đảm bảo qua thời gian sinh kháng thể thì về cơ bản là đã có khả năng miễn dịch, nên có thể cho phép ra ngoài lao động, làm việc bình thường.
Một số bác sĩ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Covid-19 cho rằng, những người đã tiêm đủ hai mũi vaccine có mức độ bảo vệ vững chắc hơn hẳn những người từng mắc bệnh được chữa khỏi. Với những người đã tiêm đủ hai mũi vaccine phòng Covid-19, kháng thể liên tục sản sinh và duy trì nên tương đối an toàn phòng bệnh, khó lây nhiễm hơn chưa tiêm.
Một chuyên gia y tế còn ví von một cách hình tượng rằng, người được tiêm đủ hai mũi vaccine phòng Covid-19 giống như đã được mặc một chiếc áo giáp, có thể bảo vệ một cách tương đối cho con người trước sức “sát thương” của “kẻ địch”. Vị chuyên gia khuyến cáo nên cho người tiêm đủ hai mũi làm việc trở lại.
Tất nhiên, theo phân tích của PGS.TS Trần Đắc Phu (cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam), không có loại vaccine nào có hiệu quả 100% phòng bệnh. Trên thực tế, có loại vaccine hiệu lực bảo vệ con người tới 90%, nhưng có vaccine lại chỉ có hiệu lực bảo vệ khoảng 50%-60%, nên dù tiêm vaccine vẫn có thể nhiễm bệnh. Riêng đối với vaccine phòng Covid-19, do thời gian nghiên cứu chưa nhiều, lại phải đưa ra ứng phó khẩn cấp với dịch bệnh nên chưa có thời gian để đánh giá rõ ràng được hiệu quả của nó trong phòng bệnh. Đó là lý do mà một số người đã tiêm phòng vaccine vẫn bị nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, những người đã tiêm vaccine không bị trở bệnh nặng.
Với các lý do trên, khá nhiều ý kiến cho rằng Bộ Y tế nên cân nhắc việc kiến nghị Chính phủ cho phép những người đã tiêm đủ hai mũi vaccine phòng Covid-19 được lao động sản xuất, kinh doanh. Song, các chuyên gia ty tế cũng khuyến cáo, dẫu đã được tiêm đủ hai liều vaccine phòng dịch, mỗi cá nhân khi được phép hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại vẫn cần phải tuân thủ biện pháp 5K để đảm bảo an toàn phòng dịch cho bản thân và cộng đồng xã hội. Như vậy có thể tận dụng được lợi ích của vaccine không bị lãng phí.