Nan giải bài toán xử lý rác thải nông thôn

Ngọc Anh 06/09/2021 06:35

Năm 2010, TP Hải Phòng đặt mục tiêu đến năm 2020, 90% lượng chất thải rắn phát sinh tại khu vực nông thôn được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường, thực hiện đóng cửa bãi rác tạm của xã. Tuy nhiên, đến nay, việc xử lý rác thải ở các khu vực nông thôn vẫn đang là bài toán khó.

Ra đường gặp bãi rác tạm

Trên tuyến đường liên thôn xã Cấp Tiến (huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) có bãi rác rộng hàng nghìn m2. Bãi rác được đắp gia cố bằng đất, nằm tụt xuống phía dưới ruộng, không thấy có hệ thống xử lý nước thải từ bãi rác ra môi trường. Phía trong, rác tập kết từ nhiều năm trước chiếm gần 3/4 bãi rác được san gạt, phủ lên lớp đất mỏng, cỏ mọc che bớt sự “nhếch nhác” bãi rác nằm ngay bên đường.

Cách khu vực này khoảng 2 km, cạnh ngôi chùa cổ trên địa bàn xã Kiến Thiết (huyện Tiên Lãng), 1 trong số 8 xã của Hải Phòng được thành phố đầu tư xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, một bãi rác có quy mô lớn cũng trong tình trạng tương tự. Ông Nguyễn Văn An - người dân xã Cấp Tiến cho hay, mỗi khi có việc đi ngang qua khu vực bãi rác đều cố nín thở, phóng thật nhanh.

Một vị công chức phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Tiên Lãng bộc bạch, do huyện chưa lập được quy hoạch khu xử lý chất thải cấp huyện nên các xã được lập các bãi chôn lấp tạm thời, tình trạng kéo dài nhiều năm cũng khiến người dân bức xúc.

Người dân thị trấn Cát Hải (huyện đảo Cát Hải) phản ánh, bãi rác tạm Đồng Sam, bãi rác tạm nằm gần khu dân cư đã được lãnh đạo thành phố chỉ đạo di dời từ nhiều năm trước. Đến nay, UBND huyện Cát Hải vẫn chưa xây dựng lộ trình di chuyển, người dân vẫn chịu cảnh ô nhiễm mỗi khi nắng nóng.

Được biết, năm 2020, tổng số 144 xã của Hải Phòng cơ bản hoàn thành Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong đó, có việc đánh giá hoàn thành tiêu chí về thu gom, xử lý chất thải rắn theo quy chuẩn bào vệ môi trường. Tuy nhiên, rác thải nông thôn chưa được xử lý đúng quy định và việc được chôn lấp tạm như trên không phải cá biệt.

UBND TP Hải Phòng cho biết, hiện mới có 42 xã, thị trấn và 2 huyện Thủy Nguyên, An Dương thực hiện thu gom, đưa rác thải sinh hoạt nông thôn về xử lý tại các khu xử lý chất thải thành phố, đồng thời được chôn lấp hợp vệ sinh. Còn lại, 17 xã, thị trấn (chiếm 11% số, xã, thị trấn của Hải Phòng) tại các huyện Tiên Lãng, Cát Hải vẫn đang thực hiện chôn lấp rác tại các bãi rác tạm cấp huyện. Đặc biệt, có tới 87 xã, chiếm tới 57% số xã của Hải Phòng đang sử dụng chôn lấp tạm thời rác thải tại 137 bãi chôn lấp tạm trên địa bàn các xã.

Ngoài ra, Hải Phòng cũng ghi nhận, bên cạnh các bãi chôn lấp tạm, người dân còn đổ rác thải ra tới 48 “điểm” tự phát khác tại các khu vực trên mặt đê, bãi sông ….

Bãi rác tạm quá tải

Theo đánh giá của thành phố Hải Phòng, đối với những bãi rác tạm cấp xã, cấp huyện, chính quyền địa phương chưa thực hiện đúng quy trình chôn lấp rác hợp vệ sinh; không có kế hoạch định kỳ xử lý vấn đề vệ sinh môi trường dẫn tới tình trạng các bãi rác tạm cũng bị quá tải, người dân lại đổ rác ra các bãi rác tự phát, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Tại khu vực nông thôn, hiệu quả thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt vẫn chưa cao dẫn đến tình trạng một số khu vực chôn lấp rác tạm để rác thải tồn đọng dọc đường, tràn ra nơi công cộng, ảnh hưởng xấu đến môi trường, gây mất mỹ quan nông thôn.

Được biết, từ năm 2010, sau khi có Nghị quyết số: 09/2010/NQ-HĐND về nhiệm vụ, giải pháp thu gom xử lý chất thải rắn ở nông thôn trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2010-2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Phòng được giao là cơ quan thường trực thực hiện chương trình này. Tuy nhiên, sau nhiều năm thực hiện chương trình, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chưa có bộ phận chuyên trách, chưa có cán bộ chuyên sâu và có kiến thức am hiểu về lĩnh vực môi trường để chuyên trách xử lý nhiệm vụ được giao. Những hoạt động như tham mưu, đề xuất về các giải pháp kỹ thuật, công nghệ đối với việc xử lý chất thải rắn, sở này đều trông cậy vào sự “giúp đỡ” từ các Sở Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ.

Tại các huyện cũng có tình trạng không thống nhất cơ quan quản lý về việc xử lý chất thải rắn, có huyện giao cho Phòng Tài nguyên và Môi trường, có huyện lại giao cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn quản lý nhà nước về lĩnh vực thu gom, xử lý chất thải rắn.

Sau gần 10 năm thực hiện việc xử lý chất thải rắn khu vực nông thôn, nguồn kinh phí thành phố hỗ trợ cho hoạt động xử lý chất thải này khá khiêm tốn, chỉ hơn 307 tỷ đồng. Một vị lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đánh giá. Mấy năm gần đây, mỗi năm ngân sách dành gần nghìn tỷ đồng cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nhưng nguồn kinh phí xuất cấp để xử lý chất rắn khu vực nông thôn lại thấp khiến việc xử lý rác thải nông thôn của Hải Phòng vẫn tồn tại nhiều vấn đề như chưa có đủ trang thiết bị thu gom, vận chuyển, rác thải vẫn tập kết tại các bãi chứa tạm không phù hợp quy hoạch, không đảm bảo xử lý bảo vệ môi trường.

Tại Nghị quyết 09/2010 của HĐND TP Hải Phòng khóa XIII đặt mục tiêu đến năm 2020, 90% lượng chất thải rắn phát sinh tại khu vực nông thôn được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường, thực hiện đóng cửa bãi rác tạm của xã. Tuy nhiên, đến nay, sau hơn 10 năm thực hiện nghị quyết này, Hải Phòng vẫn còn 137 bãi rác tạm (giảm được 21 bãi rác so với trước năm 2010) nằm rải rác trên địa bàn 87 xã. Những bãi rác tạm vẫn đang ngày đêm thực hiện việc tiếp nhận, chôn lấp tạm thời, chưa được xử lý đúng quy trình. Việc ngoại thành thiếu bãi xử lý chất thải rắn được đầu tư đúng quy trình về chôn lấp rác hợp vệ sinh là vấn đề nan giải trong bài toán xử lý rác thải nông thôn.

Ngọc Anh