Hơn 2 nghìn tỷ đồng chi trả bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên
Dù đã có quy định “bắt buộc” tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), nhưng các cơ sở giáo dục vẫn chưa có biện pháp ràng buộc học sinh, sinh viên (HSSV) tham gia BHYT dẫn đến tỷ lệ tham gia BHYT còn chưa đồng đều tại một số địa phương. Đặc biệt, nhóm đối tượng SV các trường ĐH, CĐ từ năm thứ 2 trở đi tham gia BHYT chưa cao.
Theo BHXH Việt Nam, tỷ lệ bao phủ BHYT HSSV đã phát triển ổn định và tăng dần qua các năm. Nếu như năm 2016, cả nước đạt tỷ lệ hơn 92,5% HSSV tham gia BHYT thì đến năm 2017 chiếm hơn 93%. Đến hết năm học 2020-2021, cả nước đã có khoảng 18 triệu HSSV, chiếm khoảng 97% HSSV tham gia BHYT. Mặc dù vậy, theo đánh giá của BHXH Việt Nam, vẫn có không ít vướng mắc cần phải được tháo gỡ trong thực hiện. Nhất là với nhóm đối tượng sinh viên tại các trường ĐH, CĐ. Với tâm lý chủ quan về sức khỏe, hiện nhóm đối tượng SV, đặc biệt là SV các trường ĐH, CĐ từ năm thứ 2 trở đi tham gia BHYT chưa cao, chỉ chiếm khoảng 80% đến 85% tổng số SV. Ðây là điều trăn trở của các nhà quản lý để tìm giải pháp, bởi HSSV là một trong các nhóm đối tượng có mục tiêu phấn đấu phải đạt nhanh tỷ lệ bao phủ 100%.
Báo cáo của BHXH Việt cho thấy, mỗi năm kinh phí BHYT trích lại để thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV lên tới gần 1.000 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này được sử dụng mua thuốc thiết yếu, vật tư y tế tiêu hao, trang thiết bị và dụng cụ y tế thông thường… cho hệ thống y tế trường học, phục vụ công tác khám sức khỏe đầu năm học.
Bên cạnh đó, quỹ BHYT cũng góp phần giảm tối đa gánh nặng kinh tế cho gia đình HSSV trong việc chi trả chi phí khám chữa bệnh. Theo thống kê, trung bình mỗi năm có khoảng 8 triệu lượt HSSV được khám chữa bệnh BHYT, với tổng chi phí lên tới hơn 2.100 tỷ đồng... Chính vì vậy, việc hướng đến mục tiêu đạt độ bao phủ 100% HSSV tham gia BHYT có ý nghĩa rất quan trọng. Hiện nay, BHXH các địa phương đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền gián tiếp như gửi tin nhắn qua điện thoại, qua ứng dụng VssID, tương tác qua mạng xã hội Zalo, Facebook… nhằm tiếp tục tạo chuyển biến về nhận thức của các cấp, ngành, của phụ huynh và HSSV về BHYT. Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu này trong năm học 2021-2022, bên cạnh nỗ lực của ngành BHXH, rất cần sự quan tâm của các ngành, địa phương trong đó nòng cốt vẫn là ngành giáo dục.
Để đạt được mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT, ông Nguyễn Huy Nho- Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ GD&ĐT cho biết, sẽ đổi mới tuyên truyền trong đó phân loại nhóm chưa đóng BHYT, tìm nguyên nhân, tư vấn tuyên truyền trực tiếp qua hệ thống đoàn hội... Đồng thời, ngành Giáo dục và BHXH Việt Nam tăng cường kiểm tra, đánh giá công tác thực hiện BHYT ở các cơ sở trong thực hiện chính sách BHYT.