Đồng Nai: Người lao động trong doanh nghiệp ‘3 tại chỗ’ gặp khó
Nhiều lao động trong doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” tại tỉnh Đồng Nai có mong muốn về địa phương, tuy nhiên, một số nơi vẫn chưa chấp thuận.
Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai (DIZA), hiện nay nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp xin dừng thực hiện phương án “3 tại chỗ”. DIZA cũng đã có có văn bản gửi UBND tỉnh trình bày về những khó khăn của doanh nghiệp và người lao động khi thực hiện phương án “3 tại chỗ”.
Hai nguyên nhân khiến các doanh nghiệp muốn dừng “3 tại chỗ” là do hết đơn hàng hoặc qua kiểm tra doanh nghiệp không đủ điều kiện để tiếp tục hoạt động, người lao động rơi vào thế ngưng việc làm. Điều đó dẫn đến việc doanh nghiệp tạm dừng sản xuất nhưng vẫn phải “nuôi” người lao động ở tại chỗ. Doanh nghiệp vừa chịu một khoản chi phí lớn mà nguy cơ dịch bệnh cũng rất cao.
Giám đốc một doanh nghiệp ở Biên Hòa cho biết, “Công ty bị Đoàn liên ngành yêu cầu tạm dừng sản xuất do không đáp ứng yêu cầu hoạt động 3 tại chỗ, trong khi đó, gần 1 tuần nay, số tiền để duy trì cho gần 400 công nhân ở lại là rất lớn. Nếu kéo dài như này, e rằng công ty không thể “gồng” nổi. Việc quản lý cũng khó khăn. Người lao động cũng không muốn ở lại”.
Có một thực tế là sau thời gian dài thực hiện phương án “3 tại chỗ”, người lao động tại các doanh nghiệp tỏ ra mệt mỏi, lo lắng cho gia đình, mong muốn được trở về nhà. Một số doanh nghiệp đã vận động, thuyết phục, tăng tiền lương để người lao động ở lại, nhưng vẫn có nhiều người cương quyết ngưng việc và muốn được về nhà.
Chia sẻ với phóng viên qua điện thoại, anh Nguyễn Thành Đ., công nhân công ty CP Taekwang Vina Industrial (TP Biên Hòa) bày tỏ, “mặc dù công ty có chế độ tốt, tuy nhiên việc ở quá lâu trong một môi trường làm việc “kín”, xa gia đình khiến tinh thần tôi đi xuống. Tôi chấp nhận ngưng việc và mong muốn về nhà càng sớm càng tốt”.
Tuy nhiên, hiện nay, có một số địa phương vẫn chưa chấp thuận tiếp nhận người lao động trong doanh nghiệp “3 tại chỗ” trở về địa phương. Chưa có văn bản nào hướng dẫn doanh nghiệp về việc nếu lao động không muốn làm việc trong đơn vị “3 tại chỗ” thì sẽ thế nào? Địa phương tiếp nhận ra làm sao? Vì vậy, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc giữ người lao động ở lại, nhất là những doanh nghiệp đã dừng hoạt động “3 tại chỗ”, người lao động không phải làm việc và cũng không thể trở về nhà.
Thiết nghĩ, UBND tỉnh Đồng Nai cần sớm xem xét và có ý kiến chỉ đạo các địa phương tiếp nhận người lao động trở về từ các doanh nghiệp “3 tại chỗ”. Cùng với đó là xây dựng các biện pháp quản lý người lao động trở về phù hợp với yêu cầu phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại địa phương. Như vậy sẽ vừa giải được bài toán giảm chi phí cho doanh nghiệp và “cứu” người lao động khỏi nhiều nguy cơ, trong đó có nguy cơ mắc Covid-19 khi ở tập trung dài ngày.