Làm gì khi thời tiết cực đoan?

Thế Tuấn 07/09/2021 07:47

Bão Ida đổ bộ vào các bang New York, New Jersey, Pennsylvania và Connecticut của Mỹ khiến ít nhất 43 người thiệt mạng. Riêng tại bang New Jersey có 23 người chết. Nói với Hãng tin AFP, Thống đốc bang, ông Phil Murphy cho biết phần lớn những trường hợp thiệt mạng là người bị mắc kẹt trong xe.

Thảm họa thời tiết đang tấn công thế giới

Metodija Mihajlov, một người dân New York nói với CNN rằng “tôi đã 50 tuổi mà chưa từng thấy mưa lớn như vậy. Giống như đang sống trong rừng và nó như cơn mưa nhiệt đới. Thật không thể tin nổi, mọi chuyện quá kỳ lạ trong năm nay”.

Trong khi đó, Reuters dẫn lời Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 3/9 trước khi đi thị sát ở Louisiana rằng những thiệt hại do bão Ida cho thấy khủng hoảng khí hậu và những cơn bão cực đoan chính là một trong những thách thức lớn nhất hiện nay.

Tuy nhiên, bão Ida cũng chỉ củng cố thêm những ý kiến của giới khoa học khí tượng và môi trường cho rằng biến đổi khí hậu đang ngày càng dữ dội và sẽ càng gây thiệt hại nặng cho thế giới. “Mùa hè năm nay là một mùa hè kỳ lạ khi mưa như trút ở Tây Âu và một phần châu Á gây ra những trận lũ lụt kinh hoàng, trong khi nắng nóng lại đổ lửa xuống không ít nơi ở Bắc Mỹ và kể cả Bắc Âu” - Giáo sư Marine Coffied, chuyên gia khí tượng học nói với AP.

Trong khi đó, đầu tháng 9 này, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) của Liên hợp quốc cho rằng, thảm họa thời tiết đang tấn công thế giới với tần suất cao gấp 4-5 lần và gây thiệt hại kinh tế cao gấp 7 lần so với những năm 1970. “Tuy nhiên, tin tốt là chúng ta có thể giảm thiểu thương vong khi thảm họa thời tiết bắt đầu gia tăng: nắng nóng, lũ lụt, hạn hán và đặc biệt là… những cơn bão nhiệt đới dữ dội như Ida mới hoành hành tại Mỹ” - Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas nhận định. Phân tích hơn 11.000 thảm họa thời tiết trong 50 năm trở lại đây, báo cáo của WMO cho biết số người tử vong từ những thảm họa này đã giảm mạnh nhờ khả năng dự đoán và chuẩn bị tốt hơn. Trong những năm 1970 và 1980, thế giới mỗi ngày ghi nhận khoảng 170 người thiệt mạng vì thiên tai, cao hơn nhiều so với con số 40 trong những năm 2010.

Dù vậy, theo ông Taalas, tin xấu là tổn thất kinh tế từ thảm họa thời tiết đang tăng nhanh và xu hướng này nhiều khả năng tiếp diễn, đặc biệt là khi biến đổi khí hậu đang khiến các sự kiện thời tiết cực đoan diễn ra thường xuyên hơn.

Báo cáo của WMO cũng cho biết, trong 50 năm qua, phần lớn thiệt hại (cả về người và của) do thiên tai gây ra đến từ bão, lũ lụt và hạn hán. Hơn 90% trong tổng số hơn 2 triệu người thiệt mạng đến từ các quốc gia đang phát triển trong khi gần 60% tổn thất kinh tế xảy ra ở các nước giàu hơn.

Tại báo cáo được Hội đồng Đại Tây dương (trụ sở ở Washington) công bố, được Reuters trích dẫn thì riêng nước Mỹ có thể phải gánh chịu tới 59.000 ca tử vong/năm và 500 tỉ USD/năm liên quan tới nắng nóng vào năm 2050 nếu không có hành động mạnh mẽ chống lại biến đổi khí hậu từ lúc này.

Biến đổi khí hậu và hoạt động của con người

Các hiện tượng thời tiết cực đoan tăng dần theo thời gian, đó là điều đã và đang diễn ra trong thực tế. Chính điều đó đã buộc giới chức chính quyền cũng như người dân phải chuẩn bị tốt hơn cho các thảm họa. Susan Cutter - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về mối nguy hiểm (Đại học South Carolina, Mỹ) nói với Fox News rằng “người dân ở nhiều khu vực trên thế giới đã học được cách thích ứng và sống chung với thiên tai” và “đây là một điều đáng mừng trong khi thảm họa luôn rình rập”.

Ý kiến của S.Cutter đã nhận được sự chỉ trích từ những nhà bảo vệ môi trường, lý do được cho là không thể bắt con người phải “làm quen với thảm họa thiên nhiên” mà phải hành động để không phá hủy thiên nhiên. “Nếu chúng ta cứ mặc nhiên chấp nhận hỏa hoạn, hạn hán, lũ lụt... thì cũng có nghĩa là sẽ không có hành động nào bảo vệ môi trường sống. Và rồi chúng ta sẽ “bàn giao” cho con cháu chúng ta một Trái Đất đầy bất trắc” - AP dẫn ý kiến của nhà bảo vệ môi trường Raoul Michalett.

Vị chuyên gia này cũng đưa ra dẫn chứng mang tính cảnh báo, đó là mùa hè năm nay ngay tại nước nước Mỹ thì khi vực Đông Nam phải hứng chịu siêu bão Ida trong khi miền Tây lại trải qua các trận cháy rừng lớn và dai dẳng do hạn hán. Trận cháy rừng có tên Caldor bùng phát từ giữa tháng 8 ở vùng núi phía Đông thành phố Sacramento, bang California đã thiêu rụi hơn 77.300ha rừng khô hạn và khiến khoảng 50.000 người phải sơ tán.

Với châu Âu, theo kênh truyền hình France24 (Pháp) thì tần suất diễn ra lũ lụt ngày càng nghiêm trọng do biến đổi khí hậu và có thể tăng gấp 9 lần so với thời kỳ tiền công nghiệp. Ít nhất 190 người đã thiệt mạng trong trận lũ lụt nghiêm trọng xảy ra ở miền Tây nước Đức vào giữa tháng 7 và ít nhất 38 người tử vong sau trận mưa lớn ở vùng Wallonia, khu vực phía Nam của nước Bỉ.

“Ngày càng có nhiều mối liên hệ giữa tình trạng biến đổi khí hậu xuất phát từ những hoạt động của con người với các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Biến đổi khí hậu làm tăng khả năng xảy ra mưa lũ, đồng thời biến đổi khí hậu cũng làm tăng cường độ của những trận lũ lụt” - Tiến sĩ Frank Kreienkamp, Cơ quan Thời tiết Đức cảnh báo và cho rằng trong khi chúng ta đang “mải lo” chống dịch Covid-19 thì hình như có sự lãng quên rằng có một hiểm nguy khác đang ở ngay bên cạnh, đó là sự cực đoan của thời tiết.

Theo nghiên cứu của World Weather Attribution, được France24 dẫn lại thì những trận mưa lớn ở Đức và vùng Benelux (vùng trong châu Âu gồm 3 nước lân cận nhau là Bỉ, Hà Lan và Luxembourg) trong tháng 7 vừa qua bởi tình trạng Trái đất ấm lên do con người gây ra. Tiến sĩ Friederike Otto - Phó Giám đốc Viện Thay đổi môi trường (Đại học Oxford) cho rằng, thực trạng lũ lụt cho thấy “ngay cả các nước phát triển cũng không an toàn trước những tác động nghiêm trọng của hiện tượng thời tiết khắc nghiệt mà chúng ta đã chứng kiến và ngày càng trở nên tồi tệ hơn với biến đổi khí hậu. Đây là một thách thức toàn cầu cấp bách mà chúng ta cần phải vượt qua nó”.

Thế Tuấn