Cẩn trọng khi ký hợp đồng vay tiêu dùng
Thủ tục cho vay đơn giản, giải ngân nhanh, nhân viên tư vấn tận tình… Tuy nhiên, mặt trái của việc vay tiêu dùng tại các công ty tài chính là mức lãi suất “cắt cổ”, lên đến hàng trăm %/năm. Đáng sợ hơn là, tới hạn đóng tiền, phía công ty tài chính sử dụng các thông tin cá nhân của người vay để gọi điện cho bạn bè, người thân, gây áp lực thúc giục, thậm chí đe dọa “con nợ” trả tiền…
Đằng sau những hợp đồng chóng vánh
Kinh tế khó khăn vì dịch Covid-19 kéo dài, nhiều người dân rơi vào tình cảnh thiếu thốn khi thu nhập giảm. Trong bối cảnh đó, hình thức cho vay tiêu dùng ở Việt Nam đang có dấu hiệu phát triển mạnh mẽ. Tuy vậy, hình thức vay tiêu dùng này khiến không ít người đi vay lâm vào cảnh trớ trêu, thêm khốn khó.
Chia sẻ với PV báo Đại Đoàn Kết, anh Nguyễn Hồng L. (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Sau khi nhận được tin nhắn chào mời vay tiền với thủ tục nhanh gọn, tôi đã đăng ký vay số tiền 60 triệu đồng tại Công ty tài chính M.A. Với mức tiền mà tôi vay, phía công ty chỉ yêu cầu cung cấp số Căn cước công dân và một vài số điện thoại của người thân, bạn bè”. Yêu cầu vay vốn của anh L. được duyệt ngay trong ngày sau khi hoàn thành các thủ tục mà phía công ty đặt ra, tiền vay cũng về tài khoản chóng vánh.
Cũng từng vay tiền ở một công ty tài chính, chị Đặng Thanh G. (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, đây là “trải nghiệm” đáng sợ nhất từ trước đến nay của chị. Theo đó, để có vốn duy trì mặt bằng cửa hàng kinh doanh đồ lưu niệm, chị G. tìm đến công ty tài chính để vay số tiền 150 triệu đồng. Vì số tiền khá lớn nên ngoài những giấy tờ tùy thân, phía công ty yêu cầu chị cung cấp thêm một số giấy tờ thủ tục khác như: sao kê ngân hàng, bảng lương, địa chỉ cửa hàng,... và tiền về tài khoản ngay sau khi hoàn thành các thủ tục.
Tuy nhiên, mặt trái của việc vay tiêu dùng tại các công ty tài chính là mức lãi suất “cắt cổ”, lên đến hàng trăm %/năm. Điều đáng sợ hơn là, tới hạn đóng tiền, phía công ty tài chính còn sử dụng các thông tin cá nhân của người vay để gọi điện cho bạn bè, người thân, gây áp lực thúc giục, thậm chí đe dọa “con nợ” trả tiền.
“Tính cả gốc lẫn lãi trong vòng 3 năm tôi phải trả cho khoản vay 60 triệu đồng tại M.A. lên tới 132 triệu đồng. Dù biết là lãi cắt cổ nhưng trót vay rồi nên tôi cũng phải vay mượn của anh em trong gia đình để trả cho dứt điểm, nếu không phía công ty sẽ tiếp tục đe dọa người thân, bạn bè của tôi”. Anh Nguyễn Hồng L. chia sẻ.
Đồng cảnh ngộ, chị G. cũng cho biết gia đình chị bị “khủng bố” sau khi vay tiền của công ty tài chính: “Ngày nào tôi và người nhà cũng phải nghe đến hàng chục cuộc điện thoại đe nạt từ phía công ty tài chính khiến cả gia đình tôi rơi vào khủng hoảng” – chị G. cho biết.
Nắm rõ thông tin trước khi ký kết
Trong một thông báo phát đi mới đây, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã đưa ra những lưu ý, cảnh báo đối với người tiêu dùng liên quan đến vấn đề này. Cụ thể, Cục này lưu ý, khi nhận được dự thảo hợp đồng vay, người dân cần đọc, tìm hiểu và nghiên cứu thật kỹ toàn bộ nội dung trước khi quyết định giao kết, đặc biệt là những điều khoản có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của mình như thời hạn cho vay, thời hạn duy trì hạn mức, lãi suất cho vay, thời điểm xác định lãi suất, phương pháp tính lãi, các trường hợp áp dụng lãi phạt và cách tính, các loại phí khác mà người tiêu dùng phải trả (ngoài các khoản phí và lãi cố định). Theo quy định tại hợp đồng, người tiêu dùng nên xem xét việc có được gia hạn nợ hay không, cách thức gia hạn như thế nào, cách tính lãi và các khoản phí liên quan trong trường hợp này, quyền và nghĩa vụ của các bên có cân bằng hay không, có điều khoản nào gây bất lợi cho khách hàng hay không, chế tài xử lý vi phạm hợp đồng...
“Từ đó, dựa trên khả năng chi trả, người dân nên cân nhắc kỹ, không đăng ký khoản vay vượt quá tầm kiểm soát đồng thời có kế hoạch rõ ràng trong việc cân đối chi tiêu để thanh toán các khoản vay theo kỳ hạn, nghiêm túc sử dụng số tiền đúng mục đích, trả đúng hạn theo quy định tại hợp đồng giữa các bên” - Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo.
Trao đổi với PV báo Đại Đoàn Kết, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, theo quy định của pháp luật, công ty tài chính không được áp dụng biện pháp đe dọa khách hàng và chỉ được nhắc nợ tối đa 5 lần/ngày. Về hình thức và thời gian nhắc nợ, các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho vay tiêu dùng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7h đến 21h. “Ngoài ra, phía công ty tài chính không được đòi nợ hay gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng cho tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và phải bảo mật thông tin khách hàng” – Luật sư Tiền nói.
Vị luật sư cũng nhấn mạnh việc, người dân cần đặc biệt lưu ý các quy định về áp dụng lãi phạt trong hợp đồng vay tiêu dùng do tình trạng nhiều công ty tài chính đưa ra những trường hợp áp dụng lãi phạt bất hợp lý, mức lãi phạt quá cao, không tương ứng mức vi phạm trong hợp đồng. “Nhiều hợp đồng vay tiêu dùng không đưa ra cách tính lãi phạt cụ thể mà chỉ nêu chung chung, không có sự thỏa thuận, thống nhất cụ thể về cách tính lãi phạt dẫn đến nhiều trường hợp người dân bị áp dụng cách tính lãi phạt bất lợi, mức lãi phạt cao quá khả năng thanh toán” – Luật sư Tiền lưu ý.
Theo Luật sư Tiền, người dân cần nâng cao nhận thức và tìm hiểu rõ ràng, xác minh chính xác các khoản phí nêu trong hợp đồng hoặc do bên còn lại trong hợp đồng đưa ra. Trên thực tế đã có rất nhiều hợp đồng vay tiêu dùng do bên cho vay soạn thảo sẵn trong đó quy định các loại phí một cách vô lý, không có căn cứ rõ ràng nhằm trục lợi người vay như phí bảo hiểm khoản vay, phí gia hạn nợ, phí nhắc nợ,... và nhiều loại phí vô lý khác.