Hỗ trợ nghệ sĩ khó khăn do Covid-19: Bộc lộ sự bất cập
Một số nghệ sĩ cuộc sống khá giả nhưng lại có tên trong diện được hỗ trợ do ảnh hưởng Covid-19 đã thu hút sự quan tâm của dư luận những ngày qua. Nhiều ý kiến cho rằng cơ quan quản lý đã không bám sát thực tế để có thể triển khai tới đúng đối tượng.
“Cào bằng” đối tượng nghệ sĩ nhận trợ cấp
Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 21/7/2021, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3642/QĐ-UBND về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo Quyết định viên chức hoạt động nghệ thuật được thụ hưởng gói hỗ trợ là đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV (đây là nhóm nghệ sĩ có mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng). Gói hỗ trợ cho các viên chức hoạt động nghệ thuật bị ảnh hưởng mỗi người 3,7 triệu đồng.
Song trong danh sách được hỗ trợ đợt này có một số nghệ sĩ nổi tiếng cũng thuộc hạng IV nhưng có cuộc sống khá giả. Điều này đã khiến dư luận đặc biệt quan tâm và có những phản ứng trái chiều. Đó là những tên tuổi nghệ sĩ nổi tiếng trên truyền hình như: Hồng Đăng, Ngọc Quỳnh, Thanh Hương, Thiện Tùng, Mạnh Cường,…Nhìn danh sách này, nhiều ý kiến cho rằng không nên “cào bằng” các đối tượng nghệ sĩ. Bởi không chỉ có nghệ sĩ hạng IV mới thực sự khó khăn. Cũng có không ít nghệ sĩ thuộc hạng này có cuộc sống khá giả hơn so với nghệ sĩ ở các hạng khác.
Nói về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Tuấn - Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam chia sẻ, khi chưa xảy ra dịch bệnh, nghệ sĩ các bộ môn nghệ thuật truyền thống đã gặp nhiều khó khăn, kể cả về nguồn nhân lực. Trong đó, với nghệ thuật Tuồng, nhiều năm trở lại đây, để tìm được nghệ sĩ tài năng, chuyên tâm gắn bó lâu dài với nghề không dễ. Việc một số nghệ sĩ có cuộc sống khá giả được nhận trợ cấp đó chỉ là một con số nhỏ vì có thể khi trình danh sách cấp cơ sở đã dựa vào quy định được đưa ra.
Trả lời báo chí gần đây, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho rằng: Trong hơn 2.000 nghệ sĩ được hỗ trợ lần này, hầu hết là đúng đối tượng, vài cái tên nghệ sĩ khá giả nhận hỗ trợ chỉ là con số rất nhỏ. Việc hỗ trợ chưa đúng đối tượng này chủ yếu là do khâu thực hiện chính sách chưa được kỹ lưỡng từ phía cơ sở, chưa chú ý kỹ tới văn bản hướng dẫn thủ tục, chứ không phải nằm ở chính sách chung.
Hỗ trợ cần phù hợp, đúng thực tế
Sự việc này đã khiến chính những nghệ sĩ bất ngờ được nhận hỗ trợ bị dư luận đưa ra bình phẩm, xì xào trong những ngày đại dịch bùng phát, khó khăn chồng chất. Và rồi để sửa chữa cho sự nhầm lẫn của một bộ phận nào đó họ đã bất đắc dĩ phải lên tiếng giải thích.
Khi nhìn thẳng vào vấn đề, nhiều ý kiến cho rằng sự bất cập bắt đầu từ một văn bản không sát thực tế. Không phải diễn viên hạng IV nào cũng có hoàn cảnh khó khăn. Dẫu biết nghệ sĩ hạng IV là nhóm nghệ sĩ có mức lương thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Nhưng với đội ngũ diễn viên trẻ (lực lượng lòng cốt cho tương lai) hiện nay mới chỉ có hợp đồng và tiền lương không nằm trong ngân sách, phải từ nguồn thu của cơ quan thì còn khó khăn hơn nhiều. Vì dịch bệnh khiến các đơn vị, nhà hát không thể tổ chức biểu diễn, dẫn tới không có nguồn thu trả cho diễn viên. Đây là những đối tượng đang thực sự gặp phải khó khăn do tác động của dịch bệnh trong gần 2 năm qua.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, NSƯT Kiều Minh Hiếu - Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho rằng có sự bất cập trong việc xét duyệt đối tượng đủ điều kiện hỗ trợ vì diễn viên trẻ mới ra trường đang trong quá trình thử thách rất đông lại không được hưởng hỗ trợ: “Từ khi các nhà hát không được ký hợp đồng chuyên môn thì chỉ có viên chức và hợp đồng thuê vụ việc. Hợp đồng thuê vụ việc phía nhà hát sẽ tự trả lương theo tiết kiệm từ nguồn thu. Nghệ sĩ trẻ mới được tuyển dụng cuộc sống rất khó khăn. Diễn viên trẻ đang ở diện thử việc, tức là hợp đồng vụ việc thì chỉ khi luyện tập và biểu diễn mới có nguồn để trả lại càng khó khăn. Phía Ban Giám đốc cũng đang bàn, cân đối hỗ trợ đội ngũ trẻ để các bạn có tình yêu nghề, tiếp tục gắn bó”.
Như vậy với cách làm thiếu bám sát thực tế, máy móc của cơ quan quản lý đã tạo lên một câu chuyện bi hài giữa mùa dịch. Do đó, chính sách cần có những thay đổi cho phù hợp để những người lao động nói chung và những nghệ sĩ thực sự khó khăn nói riêng nhận được giúp đỡ.