Doanh nghiệp nhỏ và vừa: Mong được hỗ trợ đến cuối 2023
Theo Tổng cục Thống kê, 8 tháng đầu năm đã có 85,5 nghìn doanh nghiệp (DN) rút lui khỏi thị trường, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trước những khó khăn kéo dài trong thời gian vừa qua, cộng đồng DN nhỏ và vừa cho biết, họ mong muốn được hỗ trợ đến năm 2023 vì khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.
Đề nghị 3 nhóm chính sách hỗ trợ
Năm 2021, kinh tế Việt Nam và thế giới tiếp tục chịu tác động nghiêm trọng bởi dịch Covid-19. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi làn sóng dịch thứ tư bùng phát ở nhiều khu công nghiệp trên cả nước, rất nhiều nhà máy trong các khu công nghiệp, DN logistics và vận tải đối diện nguy cơ đứt gãy và bị gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa.
Tổng cục Thống kê cho rằng, sự bùng phát mạnh của làn sóng Covid-19 lần thứ tư cùng với các đợt giãn cách liên tiếp đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là các địa phương phía Nam. Đến thời điểm hiện tại đã có hơn 5.000 DN vừa và nhỏ TP HCM kiến nghị 3 nhóm giải pháp giải cứu DN gồm: Miễn 100% phí BHXH cho các DN và người lao động; miễn thuế VAT năm 2021, giảm 50% 2 năm tiếp theo; giảm 50% thuế thu nhập DN và giảm tiếp 30% cho 3 năm tiếp theo; Cho phép tính các chi phí chống dịch vào chi phí hợp lý hợp lệ; Hỗ trợ gói ưu đãi 4% trong đại dịch và kéo dài 12 tháng kể từ khi sau khi tuyên bố hết dịch, giãn nợ (gốc và lãi), giảm nợ cũ 2-3%, trong 6 tháng.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme) cho biết, các ngành sản xuất ở Việt Nam đều chịu tổn thương do chuỗi cung ứng bị đứt đoạn, một số chính sách hỗ trợ người lao động, đa phần DN không được hưởng lợi vì các điều kiện hỗ trợ đi kèm khó thực hiện.
Ông Mạc Quốc Anh cũng khẳng định, cái khó nhất của DN là không lưu thông được hàng hoá, không có doanh thu, dòng tiền không quay vòng được nên DN cũng không thiết tha vay ngân hàng, việc giảm thuế phí cũng không mấy quan trọng. DN cần một giải pháp để đẩy được hàng hoá đi.
Chính sách phải tăng khả năng tiếp cận
Thực tế cho thấy các DN tại Việt Nam đang ngày càng khó khăn do dịch Covid-19 diễn biến phúc tạp và khó lường. Khó khăn trong việc duy trì sản xuất kinh doanh, nguồn thu hạn hẹp trong khi tất cả các chi phí về tiền lương trả cho người lao động, hoặc chi phí về khấu hao máy móc, trang thiết bị, tiền thuê mặt bằng... DN vẫn phải chi trả. Nếu DN nào trước đó có nguồn lực về tài chính thì có thể cầm cự được, nhưng đa phần DN hiện nay đang lỗ rất nặng.
Cộng đồng DN trong nước và DN nước ngoài tại Việt Nam ghi nhận, đánh giá cao nhiều quyết sách từ Quốc hội và Chính phủ hỗ trợ DN kịp thời trong thời gian gần đây, đơn cử việc cắt giảm 30% thuế thu nhập DN cho các DN chủ yếu thuộc quy mô vừa và nhỏ, có doanh số dưới 200 tỷ đồng/năm; kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp từ 1/1/2021 tới năm 2025 (miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm); giãn, hoãn thuế giá trị gia tăng, tiền thuê đất và các chính sách nới lỏng về tín dụng của các ngân hàng… Tuy nhiên khả năng tiếp cận của DN vẫn khó.
Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, những quyết sách của Chính phủ giúp DN củng cố niềm tin và có động lực mạnh mẽ hơn nhằm khắc phục thiệt hại, vực dậy sản xuất kinh doanh, đồng hành cùng Chính phủ trong thực hiện mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”. Cụ thể, các ngân hàng thương mại nỗ lực giảm lãi suất là sự chia sẻ đáng ghi nhận. Dù vậy, Chủ tịch VCCI cho biết, số DN thật sự tiếp cận được lãi suất giảm còn ít so với kỳ vọng, DN vẫn còn “kêu nhiều”, đặc biệt là các DN nhỏ vì khó tiếp cận vốn vay ưu đãi.