TP Hồ Chí Minh: Đi chợ online nhộn nhịp trở lại

Thanh Giang 07/09/2021 15:16

Sau nhiều ngày bất cập trong việc mua thực phẩm trong thời gian giãn cách, mấy ngày nay người dân ở “vùng đỏ”, “vùng cam” tại TP HCM phấn chấn trở lại vì một số ứng dụng đi chợ online đã hoạt động trở lại.

Nhộn nhịp đi chợ online

“Khi biết Grabmart mở cửa trở lại tôi liền vào điện thoại đặt hàng ngay lập tức. Đi chợ online hoạt động trở lại thì nhanh, gọn lắm”, bà Mai Thị Hoa (Phạm Thế Hiển, Quận 8) vui vẻ kể. Bà Mai Thị Hoa cho rằng, cửa hàng bán online chưa thật nhiều và sản phẩm không phong phú song có phần tốt hơn trước.

Nhiều bà nội trợ từng than phiền khi liên tục vào Bách Hóa Xanh, Vinmart+, Coop Food đặt hàng nhưng các hệ thống đều báo quá tải. Thậm chí, 4 – 5 ngày khách hàng không có một đơn hàng nào. Sau khi nhiều nền tảng mua sắm được kích hoạt trở lại việc mua sắm thực phẩm nhanh chóng hơn hẳn.

Mua hàng hóa qua mạng lại nở rộ.
Mua hàng hóa qua mạng lại nở rộ.

Bà Nguyễn Nga (nội trợ thành phố Thủ Đức) cho biết, chị đặt thịt gà, thịt bò và một số loại rau củ, do một shop online trên ShopeeFood cung cấp. Nhìn chung sản phẩm cũng tươi ngon. Tuy nhiên, do còn thực hiện giãn cách xã hội và số lượng shipper chưa nhiều vì vậy giá cả vận chuyển có phần tăng cao hơn bình thường.

Ngay sau khi TP.HCM cho phép các đơn vị giao hàng hoạt động trở lại, Viettel Post và sàn thương mại điện tử Vỏ Sò đã mở gian hàng “đi chợ online” để cung ứng thực phẩm, hàng thiết yếu cho người dân toàn thành phố.

Gian hàng “đi chợ online” dành riêng cho người dân TP.HCM trên sàn Vỏ Sò có các loại combo rau xanh, hoa quả với nhiều mức giá chỉ từ 109.000 đồng, bao gồm mướp, bí xanh, cà tím, dưa leo, bí đỏ hồ lô, cam, khóm...

Ông Trần Trung Kiên, Giám đốc sàn thương mại điện tử Vỏ Sò chia sẻ: “Thực hiện chỉ đạo của Sở Công Thương TP.HCM, chúng tôi đặt mục tiêu tối ưu giá bán lẫn chi phí vận chuyển cho người tiêu dùng. Sàn Vỏ Sò cam kết giữ giá bán thấp hơn giá thị trường nhưng vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt nhất để phục vụ tất cả người dân”.

Do lượng shipper còn hạn chế nên phí giao hàng có phần tăng cao.
Do lượng shipper còn hạn chế nên phí giao hàng có phần tăng cao.

Đại diện các nền tảng mua sắm khẳng định, trong vài ngày qua đơn hàng online cho địa bàn TP HCM liên tục tăng cao. Các đơn vị phải tăng cường hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm hàng hóa cho khách hàng, đặc biệt là mặt hàng thực phẩm.

Chưa mở cửa chợ truyền thống

Đề cập đến việc cung ứng hàng hóa cho người dân, Sở Công thương TP HCM cho biết, người dân đã mua sắm hàng hóa tốt qua phương thức đặt hàng linh hoạt qua điện thoại, nhắn tin đặt hàng qua hotline, group Zalo,… đến các đường link ứng dụng mua hàng trực tuyến.

Theo khảo sát của Sở Công Thương, tổng nhu cầu đặt hàng “đi chợ hộ” trong 2 tuần (từ ngày 23/8 đến ngày 06/9) là: 1.943.679 hộ, chiếm 77,24% tổng số hộ dân trên địa bàn thành phố.

Hoạt động đi chợ hộ tại thành phố tăng tốc hơn trước.
Hoạt động đi chợ hộ tại thành phố tăng tốc hơn trước.

Mặc dù đẩy mạnh hoạt động mua bán online, song thành phố vẫn chưa có quyết định mở rộng hoạt động kinh doanh của các chợ truyền thống. Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công thương TP HCM cho biết, đến nay, hầu hết các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố đang tạm ngưng hoạt động để phòng chống dịch.

Ngoài ra, do nguồn cung hàng hóa cho các chợ truyền thống chủ yếu là từ 3 chợ đầu mối hiện cũng đã ngừng hoạt động. Hiện các chợ còn đang hoạt động chủ yếu là vùng ven, ngoại thành, nhưng số này rất ít.

“Thành phố chưa bao giờ có chủ trương đóng cửa, ngưng hoạt động hệ thống phân phối nhất là chợ truyền thống. Việc tạm ngưng là do yêu cầu phòng chống dịch và điều kiện thực tế của các địa phương”, ông Nguyễn Nguyên Phương nhấn mạnh.

TP HCM chưa mở lại các chợ truyền thống.
TP HCM chưa mở lại các chợ truyền thống.

Theo lãnh đạo Sở Công thương TP HCM, hôm nay thành phố sẽ mở lại điểm trung chuyển hàng hóa tại chợ đầu mối Bình Điền chứ không phải mởi lại hoạt động của chợ này. Việc mở lại điểm trung chuyển hàng hóa này nhằm giúp đưa nguồn hàng của các địa phương về thành phố đến được các nơi như bếp ăn tập thể, cửa hàng kinh doanh thực phẩm và một số nhà bán lẻ…

Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền cũng thông tin, đơn vị sẽ đưa vào sử dụng khoảng sân giữa hai nhà lồng B-D và D-F chia làm 20 ô với 720m2/ô làm khu tập kết, trung chuyển hàng cho các ngành hàng thủy hải sản, rau củ quả, lợn, gà, nghêu, trái cây… Nguồn hàng tập kết về đây đến từ nhiều nơi, như các tỉnh miền Đông, miền Tây, Đà Lạt… với khả năng cung ứng từ 100 đến 150 tấn/đêm.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có hơn 2.700 điểm cung ứng hàng hóa đang hoạt động, bao gồm 92 siêu thị, 2.100 cửa hàng tiện ích và 522 cửa hàng tạp hóa, cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân nên người dân không cần quá lo lắng vì thiếu hàng hóa.

Thanh Giang