Bất động sản lo đứt gãy dòng tiền
Người dân vay tiền mua nhà, đầu tư đất bắt đầu bước vào giai đoạn mắc kẹt vì không thu xếp được tiền để trả nợ. Trong khi đó các chủ đầu tư dự án nhà đất cũng đang đau đầu về chuyện người mua nhà nộp tiền chậm.
Người mua nhà loay hoay với nợ
Hơn 3 tháng nay, anh Nguyễn Quang làm ở một công ty bảo hiểm tại Hà Nội khốn khổ vì nợ nần liên quan đến đất đai, nhà cửa. Theo anh Quang, dịch Covid-19 khiến thu nhập của cả hai vợ chồng giảm nặng, từ chỗ 22 triệu đồng/ tháng nay chỉ còn hơn 11 triệu đồng/tháng. Trong khi đó khoản nợ 500 triệu vay ngân hàng để mua nhà vẫn phải trả lãi hàng tháng. “Mỗi tháng chúng tôi phải trả 7,2 triệu đồng cả tiền gốc và lãi cho ngân hàng. Tháng 6 vừa qua tôi phải vay 50 triệu từ bạn bè để trả nợ, giờ không thể hỏi vay nữa rồi” – anh Quang chua chát nói.
Theo tìm hiểu của PV, trong đợt dịch lần thứ tư, nhiều trường hợp cá nhân vay tiền ngân hàng để mua nhà đã rơi vào cảnh kiệt quệ. Không ít người mua nhà chung cư đóng tiền theo đợt cũng “dở khóc dở cười” khi cho biết, họ mua dự án chung cư đóng theo tiến độ, khi dịch bệnh bùng phát thu nhập giảm sút, đến thời hạn phải thanh toán, họ đã phải vay tiền của ngân hàng để nộp cho chủ đầu tư, giờ đang “nợ ngập đầu”. Anh T.T.T. (thuê nhà tại quận Thủ Đức, TP HCM) chia sẻ, anh đầu tư mua căn hộ 2 phòng ngủ tại quận Thủ Đức từ năm 2020 và đã hoàn thành 2 đợt đóng với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Đầu tháng 6, chủ đầu tư dự án thông báo đóng tiền đợt 3, số tiền xấp xỉ 400 triệu đồng. Nhưng đến nay anh T. vẫn chưa thu xếp được nguồn tiền dù chủ đầu tư đã hai lần gửi thư nhắc nợ.
Khối môi giới bất động sản phía Nam vừa triển khai một khảo sát, kết quả cho thấy, khó khăn lớn của các doanh nghiệp (DN) bất động sản hiện nay là thu hồi công nợ, kẹt vốn. Đáng chú ý có không ít chủ đầu tư cho biết rất “đau đầu” về chuyện người mua nhà nộp tiền chậm, nếu kéo dài lâu hiện trạng này thì những công trình đang triển khai đều bị ảnh hưởng tiến độ. Trong khi đó, giá cả nguyên vật liệu tăng, làm chi phí đầu vào cho các công trình tăng. Chưa kể, dịch bệnh cũng gây biến động về nguồn lao động phục vụ công trường.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land cho biết, trong điều kiện bình thường với nguồn thu ổn định, các chủ đầu tư thường có hoạch định dài hơi nên nguồn lực dự phòng ổn định cho đầu tư phát triển dự án. Hiện nay các chủ đầu tư dự án không có nguồn thu mà dùng nguồn lực dự phòng để đầu tư, do vậy nếu kéo dài hiện trạng đứt gãy dòng tiền, DN sẽ rất khó khăn.
Không có chuyện“bán cắt lỗ”
Vướng vào bất động sản đúng lúc dịch Covid-19 diễn biến căng thẳng, nhiều nhà đầu tư “đánh vật” với đất và tiền. Ông Trần Xuân Dũng - một nhà đầu tư đất nền tại thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) đã vay ngân hàng 5 tỷ đồng để đầu tư đất nền dự án ở khu vực này. Hồi tháng 3/2021, ông Dũng đã trả nợ ngân hàng do lúc đó đất đang ở trong giai đoạn sốt nóng. Hai tuần sau, ông Dũng lại tiếp tục vay 5 tỷ đồng đầu tư 2 lô đất gần KCN VSIP Từ Sơn. Thế nhưng, cơn sốt đất hạ nhiệt, tiền lãi và gốc trả ngân hàng 1 tháng lên tới 50 triệu đồng khiến ông Dũng phải rao bán cắt lỗ 300 triệu đồng/lô.
Thời điểm này, trên các trang mạng xã hội cũng tràn lan thông tin các cá nhân rao bán nhà cắt lỗ.
Tuy nhiên thực hư chuyện cắt lỗ bất động sản trong bối cảnh dịch bệnh ra sao? chị Đinh Thu Hương (Gia Quất, quận Long Biên), một nhà đầu tư cho biết, kiểu rao bán “cắt lỗ” hay “giá rẻ” chỉ là một cách để dụ khách. Hơn một tháng nay, chị Hương tìm mua nhà chung cư song không tìm được một căn hộ giá rẻ nào. Chị chủ động liên lạc với 2 chủ nhà đăng tin bán nhà vì khó khăn do dịch tại toà nhà Capital Life (Tố Hữu, Hà Đông, Hà Nội) cũng không thể nào liên lạc được. “Tôi còn được các môi giới cho biết, có người dân chuyển nhượng lại nhưng giá khá cao, hầu như không có chuyện bán lỗ ” – chị Hương kể.
Về vấn đề này, giới chuyên gia phân tích, đối với người mua căn hộ đang xây đóng tiền theo tiến độ, nguyên nhân rao bán phổ biến là mất khả năng thanh toán. Những trường hợp này sử dụng đòn bẩy tài chính để đầu tư bất động sản, trong đó thường là đi vay nợ từ 40- 50%. Bên cạnh đó còn có trường hợp thu nhập sụt giảm mạnh vì dịch bệnh nên không muốn đầu tư dài hơi, tìm cách rút tiền về. Các trường hợp này đều cố rao bán giá nhỉnh hơn, không có chuyện chịu lỗ.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh khuyến cáo, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, khách hàng không nên dùng đòn bẩy tài chính để đầu tư bất động sản vì đó là “con dao hai lưỡi”. Giữa bối cảnh dịch bệnh đang tác động mạnh đến kinh tế nhiều gia đình, dòng tiền bị đứt đoạn, đầu tư nhà đất bằng cách vay nợ, xoay vòng vốn sẽ khó trụ được lâu.