Lừa đảo qua điện thoại: Thủ đoạn cũ, nhiều người vẫn mất bạc tỷ
Giả danh cán bộ cơ quan điều tra gọi điện thoại cho bị hại đe dọa có liên quan đến vụ án đang điều tra, “đẩy” bị hại rơi vào tình thế sợ hãi. Sau đó, “người lạ” yêu cầu bị hại chuyển toàn bộ số tiền vào tài khoản ngân hàng mà đối tượng có sẵn với lý do “phục vụ công tác điều tra”… Thủ đoạn lừa đảo không mới, nhưng vẫn có nhiều người tiếp tục “sập bẫy”, mất cả tiền tỷ.
Nghe điện thoại lạ… “bạc tỷ” bốc hơi
Báo chí liên tục đưa tin về việc mạo danh cơ quan pháp luật để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của giới tội phạm công nghệ cao. Tuy nhiên, thời gian gần đây vẫn có một số người dân, doanh nghiệp tiếp tục “sập bẫy”.
Đây là hình thức lừa đảo rất tinh vi, ít để lại dấu vết do tội phạm sử dụng công nghệ cao, khiến cho công tác điều tra phát hiện, ngăn chặn gặp không ít khó khăn. Mặt khác, loại hình tội phạm này có cả đường dây trong và ngoài nước, phối hợp với nhau rất chặt chẽ, nhắm tới những người nhẹ dạ, cả tin, ít hiểu biết pháp luật.
Một vụ việc điển hình về mất “bạc tỷ” sau cuộc điện thoại lạ là của chị T. (42 tuổi) trú tại phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội. Ngày 22/8/2021, chị T. đã đến cơ quan công an trình báo về việc bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Theo trình báo của chị T., gần đây, chị nhận được một cuộc điện thoại từ đối tượng tự xưng là cán bộ điện lực. Người này thông báo thẻ căn cước công dân của chị T. có đăng ký dịch vụ điện tại TP Hồ Chí Minh và đang nợ tiền.
Sau đó, người này tiếp tục nói căn cước công dân của chị T. có đứng tên một tài khoản ngân hàng liên quan đến một vụ buôn bán ma túy và yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản để xác minh.
Nhẹ dạ, cả tin, cộng với sự hoảng sợ, chị T. đã cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng và mã OTP cho đối tượng. Sau đó, chị kiểm tra lại tài khoản thì mới tá hỏa phát hiện tài khoản bị “bốc hơi” 520 triệu đồng. Lúc này, chị T. biết mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.
Tương tự, ngày 8/6/2021 chị Trần Thị N. (trú tại xã Long Tiên, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) nhận điện thoại của một đối tượng tự xưng là nhân viên tổng đài bưu điện. Người này thông báo chị N. đang nợ tiền cước điện thoại hơn 8 triệu đồng, đồng thời dọa nếu không thanh toán nhà mạng sẽ cắt số điện thoại đang sử dụng và trong 2 giờ tới sẽ trừ tiền vào tài khoản.
Ngoài cuộc gọi trên, sau đó có đối tượng giả danh Công an quận Đống Đa (TP Hà Nội), thông báo rằng tài khoản của chị N. liên quan đến việc rửa tiền và ma túy. Chúng dọa sẽ khóa tài khoản của chị N. trước 17h ngày 8/6. Sau đó, chị N. được hướng dẫn mở tài khoản và chuyển vào 200 triệu đồng để chứng minh không liên quan đến vụ án. Chị N. đã đến ngân hàng ở Thị xã Cai Lậy mở tài khoản, nạp vào 200 triệu đồng.
Các đối tượng lừa đảo còn yêu cầu chị N. mở thêm hai tài khoản ngân hàng và chuyển vào hơn 900 triệu đồng. Sau khi chuyển tiền xong, chị N. nghi ngờ lừa đảo nên đến ngân hàng kiểm tra thì phát hiện số tiền trong tài khoản đã “bốc hơi”.
Mới đây nhất, ngày 26/8/2021, ông T. (65 tuổi, trú tại phường Liễu Giai, quận Ba Đình, TP Hà Nội) nhận cuộc gọi từ một người tự xưng là cán bộ điều tra, nói rằng tài khoản của ông liên quan tới một vụ án ma túy. Người này yêu cầu ông T. chuyển tiền vào tài khoản được cung cấp để kiểm tra. Sau khi thực hiện theo yêu cầu, ông T. phát hiện mình bị chiếm đoạt 1,6 tỷ đồng nên tới cơ quan công an để trình báo về hành vi bị lừa đảo.
Tại Hà Nội, từ đầu năm 2021 đến nay, đã có rất nhiều người dân “sập bẫy” của tội phạm lừa đảo quan điện thoại. Sau khi bị lừa, nhiều bị hại chia sẻ do nhẹ dạ, cả tin, ít cập nhật tình hình tội phạm cũng như các chiêu thức hoạt động của tội phạm nên mới bị lừa. Hơn nữa, chúng biến hóa kịch bản, lời nói rất kịp thời theo lời phản biện, thanh minh của nạn nhân nên nạn nhân mới dễ dàng bị mắc lừa.
Cũng theo nhiều bị hại chia sẻ, các đối tượng luôn dọa để đảm bảo bí mật điều tra, nạn nhân không được phép nói thông tin này với bất cứ ai, kể cả người thân trong nhà, nếu không nghe sẽ bị xử lý thích đáng.
Có sự câu kết giữa tội phạm trong nước và nước ngoài
Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết về chiêu thức của loại tội phạm trên, Trung tá Đào Trung Hiếu- Chuyên gia Tội phạm học (Bộ Công an) biết, trong các vụ án qua điện thoại, đều có sự câu kết trong nước và ngoài nước.
Theo Trung tá Hiếu, các đối tượng chủ mưu cầm đầu thường là tội phạm quốc tế. Chúng câu kết với các nhóm tội phạm trong nước, trong đó, một nhóm đối tượng có trách nhiệm đi thu mua Chứng minh nhân dân (CMND) tại các điểm cầm đồ, khách sạn, nhà nghỉ.
Sau đó, các đối tượng bóc ảnh trong CMND ra và dán ảnh của chúng vào. Tiếp đến, chúng mang CMND đến ngân hàng để đăng ký mở tài khoản thẻ tín dụng. Mỗi 1 CMND, chúng mở được nhiều tài khoản khác nhau. Sau khi mở tài khoản xong, chúng sẽ chuyển tài khoản cho các đối tượng cầm đầu ở nước ngoài.
Các đối tượng cầm đầu chủ yếu hoạt động ở khu vực giáp ranh với biên giới với Việt Nam, điều hành các đối tượng tội phạm ở trong nước. Chúng thực hiện những cuộc gọi lừa đảo, dọa dẫm người dân yêu cầu chuyển tiền. Khi lừa được tiền rồi lập tức chuyển cho đối tượng khác rút tiền từ ngân hàng và cuối cùng là chuyển qua đối tượng bên ngoài hoặc báo cho các đối tượng nước ngoài để thực hiện các giao dịch qua hình thức Internet Banking chuyển tiền từ tài khoản của các đối tượng trong nước ra tài khoản của các đối tượng ở nước ngoài.
Trung tá Đào Trung Hiếu lưu ý, các cuộc gọi lừa đảo đều yêu cầu bị hại chuyển tiền vào chiều thứ 6. Đây là mấu chốt của kế hoạch lừa đảo. Vì các ngân hàng thường nghỉ làm việc vào Thứ 7, Chủ nhật. Chiều thứ 6, sau khi bị các đối tượng dọa, bị hại sợ và mang tiền đến ngân hàng chuyển tiền. Khi bị hại có tỉnh ngộ quay lại đề nghị ngân hàng phong tỏa, dừng dòng tiền thì ngân hàng cũng nghỉ làm việc vào thứ 7, Chủ nhật. Đến ngày thứ 2 thì các đối tượng đã chuyển tiền đi xong xuôi.
Thời gian gần đây, Công an Thành phố Hà Nội nhận được nhiều thông tin phản ánh của người dân về việc bị một số người gọi điện thoại tự xưng nhân viên bưu điện, điều tra viên, cán bộ công an, Viện kiểm sát hoặc Tòa án đe dọa để chiếm đoạt tài sản.
Theo đó, người dân nhận được các thông báo giả từ những kẻ lừa đảo về việc đang nợ tiền cước điện thoại, có bưu phẩm gửi ở các bưu điện lâu ngày không đến nhận, thiếu nợ tiền ngân hàng do người khác lấy CMND, Căn cước công dân đăng ký mở tài khoản ngân hàng hoặc liên quan đến các vụ án đang điều tra như buôn bán ma túy, rửa tiền xuyên quốc gia và có lệnh bắt của cơ quan công an, tòa án, Viện kiểm sát, yêu cầu kê khai tài sản, số tiền hiện có trong các tài khoản ngân hàng.
Sau đó, những kẻ lừa đảo sẽ yêu cầu người bị hại phải nghe điện thoại, liên tục nói chuyện với nhiều người tự xưng là điều tra viên, cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án. Thậm chí, để tạo sự tin tưởng cho bị hại, những kẻ lừa đảo sử dụng phần mềm công nghệ để giả mạo số gọi đến là số điện thoại của Công an TP Hà Nội hoặc các Cơ quan của Nhà nước. Sau đó, chúng dùng lời lẽ đe dọa rồi yêu cầu bị hại chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng với lý do xác minh nguồn tiền, phục vụ điều tra rồi chiếm đoạt.
Cơ quan Công an cũng có khuyến cáo nhiều chiêu độc của các đối tượng. Các đối tượng chỉ cần nghe giọng nói là có thể “phân loại” từng trường hợp để hù dọa. Ví như khi gặp những người mất bình tĩnh, nói năng lắp bắp, chúng lập tức dò hỏi xem có đang ở cùng ai không rồi bắt đầu yêu cầu bị hại phải bí mật thực hiện mọi hoạt động...
Theo Trung tá Hiếu, về phía các cơ quan pháp luật nên có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông, báo chí để kịp thời cung cấp các thông tin phản ánh về thủ đoạn và tình hình hoạt động của loại tội phạm này, khuyến cáo để người dân phòng tránh. Công an các địa phương có thể hỗ trợ UBND cấp phường, tổ dân phố tổ chức tuyên truyền qua hệ thống loa phường về thủ đoạn của tội phạm lừa đảo qua điện thoại.
Ông Nguyễn Bá Sơn, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng: Cần thông tin về “thủ đoạn lừa đảo mới” để người dân tránh
Chúng ta không thiếu quy định pháp luật để xử lý, bao gồm hành chính và hình sự. Các quy định pháp luật về xử lý việc lừa đảo, sử dụng mạng viễn thông đều đã có. Do đó việc sử dụng điện thoại, đường truyền viễn thông vào mục đích lừa đảo là vi phạm pháp luật
Theo ông Nguyễn Bá Sơn, các đối tượng phạm tội như “tắc kè thay đổi màu sắc theo môi trường”; luôn dùng mọi thủ đoạn, “biến hình” để “né” sự phát hiện, trừng trị của pháp luật. Do đó trước tiên người dân cần đề cao cảnh giác. “Khi bị lừa đảo phải báo ngay với cơ quan có trách nhiệm để họ “cập nhật” thông tin về thủ đoạn của đối tượng lừa đảo. Qua đó cảnh báo cho những người khác biết để cùng cảnh giác, chống lại các hành vi lừa đảo như vậy. Thông tin từ phía người dân cung cấp sẽ giúp cho cơ quan điều tra cập nhật thêm thủ đoạn của các đối tượng phạm tội, để từ đó để thuận lợi hơn trong công tác điều tra phá án”-ông Sơn cho hay.
Về phía cơ quan chức năng, theo ông Sơn, pháp luật hiện nay đã đủ cơ sở để nghiêm trị những hành vi đó. Nhưng vì tội phạm thay đổi “muôn hình vạn trạng” nên bản thân các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng cần cập nhật hành vi, phương pháp, thủ đoạn để từ đó có phương án điều tra, truy tố cho phù hợp với tình hình mới.
Từ kinh nghiệm trong lĩnh vực thanh tra và tư pháp nhiều năm, ông Sơn cho rằng: Các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan chức năng của nhà nước phải chủ động tuyên truyền để người dân hiểu và đề cao cảnh giác. Về phía người dân, khi phát hiện bị lừa đảo, cần báo ngay cho ngân hàng và cơ quan Cảnh sát điều tra để kịp thời phong tỏa tài khoản, ngăn ngừa đối tượng rút tiền, tẩu tán, đồng thời xác minh, làm rõ hành vi của kẻ lừa đảo.
Ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: Người dân cảnh giác trước số điện thoại lạ
Hành vi lừa đảo qua điện thoại là vi phạm pháp luật cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, muốn xử lý trách nhiệm hình sự thì cơ quan quản lý về viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông phải có trách nhiệm cùng cơ quan an ninh mạng, Bộ Công an vào cuộc truy tìm với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Theo ông Hòa, ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan chức năng cần chủ động thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu và phòng tránh. Còn người dân cũng cần cảnh giác, thận trọng trước các số điện thoại lạ, ngoài vùng gọi đến.
“Nhiều người đã bị lừa đảo, tiền mất, tật mang. Do đó ngành viễn thông phải có trách nhiệm. Vì người dân thuê bao, trả tiền dùng mạng của anh nhưng anh lại để cho kẻ xấu lợi dụng mạng viễn thông để lừa đảo mà không biết? Không chịu trách nhiệm là không được. Phải có trách nhiệm với nhau mới ngăn chặn được hành vi lừa đảo qua sử dụng mạng viễn thông”-ông Hòa nêu rõ.
Khung hình phạt cao nhất có thể lên đến tù chung thân
Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Hà Nội) cho biết, hiện nay, các thủ đoạn giả danh các cơ quan pháp luật gọi điện thoại đe dọa, lừa đảo, yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản để chiếm đoạt xuất hiện rất nhiều, với các thủ đoạn tinh vi.
Hành vi của các đối tượng này đã có dấu hiệu của “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (Điều 174 Bộ luật Hình sự) hoặc Tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” (Điều 290 Bộ luật Hình sự), với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.
Theo quy định của pháp luật, các cơ quan pháp luật không được phép làm viêc qua điện thoại, yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản cá nhân như vậy. Khi cần xác minh, điều tra làm rõ các vụ việc, vụ án, các hành vi phạm tội hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác thì các cơ quan có thẩm quyền phải có giấy mời hoặc giấy triệu tập công dân đến làm việc tại trụ sở cơ quan.
Việc yêu cầu người dân nộp tiền phạt, hoặc khắc phục hậu quả hành vi vi phạm pháp luật phải được thể hiện bằng văn bản (dựa trên kết quả điều tra xác minh về vụ việc trong đó, có làm việc trực tiếp với các cá nhân có liên quan), và phải được nộp tiền vào tài khoản tạm giữ của cơ quan điều tra, kho bạc Nhà nước hoặc cơ quan thi hành án, không thể có việc nộp tiền vào tài khoản cá nhân hay bất kỳ tài sản nào khác.
Do đó, để phòng tránh việc bị lừa đảo, người dân cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác, không tin và thực hiện theo yêu cầu của các đối tượng, không cung cấp các thông tin cá nhân và thông tin về tài khoản của mình cho các đối tượng lạ. Không chuyển tiền cho bất cứ ai, theo bất cứ yêu cầu nào khi không có căn cứ cụ thể, rõ ràng bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền.
Trong mọi trường hợp, không cho mượn, cho thuê các giấy tờ cá nhân như: Căn cước công dân, giấy CMND, sổ hộ khẩu hoặc thẻ ngân hàng, không nhận chuyển khoản ngân hàng hay nhận tiền chuyển khoản của ngân hàng cho người không quen biết.
Cũng như kịp thời trình báo sự việc bất thường với các cơ quan công an, để kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi lừa đảo nêu trên, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho mình theo đúng quy định của pháp luật.
Mặt khác, các cơ quan chức năng cũng phải tăng cường hơn nữa công tác điều tra, xác minh và xử lý nghiêm minh các hành vi lừa đảo này, để kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các nạn nhân, cũng như nâng cao tính răn đe, phòng ngừa vi phạm.
H.Vũ - Đức Sơn(ghi)