Một thoáng Lý Sơn
Trong những chuyến rong ruổi trên mọi nẻo đường đất nước, thật may tôi đã một lần được đặt chân tới đảo Lý Sơn - hòn đảo thiêng liêng, thuộc tỉnh Quảng Ngãi.
1. Đảo Lý Sơn cách đất liền 25 hải lý (khoảng 50 km). Cách duy nhất để ra đảo Lý Sơn là đi tàu cao tốc từ cảng Sa Kỳ (Quảng Ngãi). Vào những ngày bình thường trước khi dịch bệnh bủa vây, hàng ngày có 6 chuyến đi và 6 chuyến về. Theo đó, du khách đến với huyện đảo Lý Sơn ngày nào cũng có, nhưng đông nhất vào những kỳ nghỉ lễ. Nơi đây, đặc biệt hấp dẫn những người trẻ bởi vẻ đẹp nguyên sơ của hòn đảo này. Cả đảo rất ít khách sạn, nhà nghỉ, nhưng bạn có thể xin ngủ nhờ trong bất cứ gia đình ngư dân Lý Sơn nào. Đến đây, họ được sống với người dân, được trải nghiệm về cả sự đơn sơ của dịch vụ lẫn các hình thức du lịch.
Diện tích của huyện Lý Sơn là 10,39 km², theo thống kê dân số năm 2019 nơi đây có 22.174 người, mật độ dân số đạt 2.134 người/km².
Sau gần 1 tiếng lênh đênh trên biển, tàu đưa du khách cập bến đảo Lý Sơn.
Đảo Lý Sơn có đảo Lớn và đảo Bé. Đảo Lớn còn có tên Cù lao Ré giờ đang khoác lên mình bộ áo mới. Hành, tỏi - nông sản đặc trưng của vùng núi lửa đã tắt Lý Sơn vốn phục vụ cho dân cư trên đảo và cư dân tình Quảng Ngãi giờ đã trở thành những món quà đặc sản mà bất cứ du khách nào khi dời đảo cũng mang về. Trung bình, mỗi ngày hàng tạ hành, tỏi đã theo chân du khách về với các vùng, miền Tổ quốc.
Ở đảo lớn Lý Sơn có chợ đêm, nhưng chợ đêm nơi đây rất khác. Bởi chợ đêm được họp ngay ở khu vực cổng chào huyện đảo, nơi đông vui nhất đảo về đêm. Đến đây, du khách được thưởng thức hải sản vừa được ngư dân khai thác. Nhum (cầu gai, nhím biển), một sản vật đặc trưng của Lý Sơn, hầu như du khách nào đặt chân đến đây cũng thưởng thức sản vật này. Bên cạnh hải sản, chợ đêm Lý Sơn còn bày bán nhiều mặt hàng khác như: hành, tỏi, đồ lưu niệm làm từ vỏ sò, ốc…
2. Được đặt chân tới Lý Sơn là một niềm tự hào của nhiều người. Nếu đến đây vào tháng 3 âm lịch, du khách còn được tham dự Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa - di sản Văn hoá phi vật thể quốc gia, là lễ hội khẳng định chủ quyền của nước ta đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thiêng liêng của Việt Nam.
Hàng năm, tại Di tích quốc gia Đình làng An Hải (huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), Ban Khánh tiết Đình làng An Hải cùng các tộc họ trên đảo đều tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa nhằm tỏ lòng tưởng nhớ, tri ân công đức đội Hùng binh Hoàng Sa năm xưa đã vượt sóng ra Biển Đông để cắm mốc, xác lập và bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trên 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; thể hiện ý chí, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của đất nước.
Nếu không gặp dịp này, du khách có thể đến thăm Nhà trưng bày hải đội Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa. Đây là công trình được xây dựng vào năm 2010, nơi đây trưng bày hơn 100 hiện vật của người lính Hoàng Sa cùng nhiều bản đồ và tư liệu cổ để chứng minh Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.
Toàn bộ hình ảnh, tư liệu tại Nhà trưng bày được chia làm 3 nội dung chính: Lý Sơn - Tịnh Kỳ - Quảng Ngãi quê hương của đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa; hoạt động của đội hùng binh Hoàng Sa, Trường Sa - sự tôn vinh của nhân dân huyện đảo Lý Sơn nói riêng, nhân dân cả nước nói chung đối với những hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Trường Sa; và nhân dân Việt Nam thực hiện chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.
Nhà trưng bày nằm trên khuôn viên thoáng đãng có sân rộng, phía trước nổi bật là cụm tượng đài được làm bằng chất liệu đá xanh đứng hiên ngang, sừng sững. Cụm tượng đài cao 4,5m phát họa hình ảnh 3 tráng sĩ, đứng giữa cai đội trưởng mặc quân phục triều đình 1 tay chỉ thẳng ra biển hướng về Hoàng Sa còn tay kia đặt lên cột mốc có khắc dòng chữ “Vạn lý Hoàng Sa”.
3. Đến đảo Lý Sơn, du khách nên sắp xếp thời gian đi thăm chùa Hang nằm ở phía Bắc núi Thới Lới, nơi có miệng núi lửa trước đây tạo thành hồ nước lớn, khiến cảnh quan giữ được vẻ đẹp hoang sơ. Chùa Hang có tên chữ là “Thiên Khổng Thạch Tự” (Chùa đá trời sinh) được lập ra dưới triều vua Lê Kính Tông (1599-1618).
Sau đó, du khách nhớ đặt lịch tới cổng Tò vò. Đây là một địa danh nổi tiếng, thường được các nhiếp ảnh gia và giới trẻ tìm đến và được coi là một điểm “check in” độc đáo. Đặc biệt, nhiều người dậy thật sớm để đón ánh bình minh ở cổng Tò vò, hoặc nán lại thật muộn để đợi hoàng hôn dần tắt.
Cổng Tò vò là một vòm bằng đá cao khoảng 2,5m, có hình thù ngoạn mục, và hoàn toàn không có sự tác động nào của bàn tay con người. Đây được xem là cổng vòm đá tự nhiên đẹp nhất Việt Nam.
Theo các nhà địa chất, cổng Tò vò được hình thành từ nham thạch núi lửa, là kết quả của hàng triệu năm núi lửa hoạt động tại đây. Quanh cổng Tò vò là những bãi đá nham thạch đen bóng, hình thù kỳ lạ nhấp nhô trên làn nước trong veo của đảo Lý Sơn. Khung cảnh tuyệt vời khiến cổng Tò vò còn được gọi bằng một cái tên khác là cổng Thiên đường.
Rời đảo Lý Sơn, du khách đừng quên mua những món quà lưu niệm nhỏ xinh mang hồn đất hồn người nơi đây. Và hành, tỏi - những đặc sản nổi tiếng ở Lý Sơn, thơm ngon không nơi nào sánh được.