GS Nguyễn Quang Riệu: Phiêu du trên dải Ngân Hà
Cuộc đời khoa học của GS Nguyễn Quang Riệu thật đặc biệt. Ông đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu dải Ngân Hà trong vũ trụ bao la. Sự kiện xác định khoảng cách 30.000 năm ánh sáng từ vị trí vụ nổ trên chòm sao Thiên Nga tới Trái Đất của ông năm 1972 khiến giới nghiên cứu ngạc nhiên.
1. GS Nguyễn Quang Riệu sinh ngày 15/6/1932 tại Hải Phòng, là người con của làng nhiếp ảnh Lai Xá (Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội). Cha ông là chủ của hiệu ảnh Phúc Lai, tức Central photo nổi tiếng tại Hà Nội và Hải Phòng những năm 1930. Tuổi thiếu thời, cậu bé Riệu thích được đến ngọn đồi có Đài Thiên văn Phủ Liễn (Kiến An, Hải Phòng) tham quan. Niềm đam mê với bầu trời, các chòm sao của ông bắt đầu được hình thành. Sau này, ông thừa nhận: “Hình ảnh Đài Phủ Liễn sau này vẫn in trong trí óc tôi và có lẽ đã thúc đẩy tôi chọn ngành thiên văn để khám phá vũ trụ”.
Yêu mê thiên văn từ nhỏ, ông luôn ước mơ được khám phá bí ẩn của vũ trụ. Năm 1950, khi mới 18 tuổi, ông rời Hà Nội đi du học ở Đại học Sorbonne, Pháp. Vì sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề ảnh nên gia đình khuyến khích ông theo ngành hóa học để sau này chế ra phim và giấy ảnh phục vụ cho nghề truyền thống của dòng họ. Song niềm ham mê khám phá các vì sao đã thôi thúc ông đi theo con đường nghiên cứu thiên văn học.
Kể từ đó, dấu ấn khoa học của GS Nguyễn Quang Riệu bắt đầu để lại trên những công trình nghiên cứu ở lĩnh vực đầy mới lạ, đó là thiên văn học. Tại Pháp, ông lấy bằng Tiến sĩ và làm Giáo sư tại Đại học Sorbonne. GS Nguyễn Quang Riệu được ghi nhận là người Lai Xá thứ hai bảo vệ thành công luận án tiến sĩ năm 1968 rồi trở thành giáo sư, sau GS Nguyễn Văn Huyên.
Giới thiên văn học đến nay vẫn còn kể lại câu chuyện năm 1972, khi đó đã xảy ra một vụ nổ từ hướng thiên thể Cygnus X3 trong chòm sao Thiên Nga. Thiên thể Cygnus X3 khi nổ đã phát ra bức xạ vô tuyến rất mạnh. Vụ nổ được các nhà khoa học xác định xảy ra trên bầu trời, nhưng chưa rõ ở trong hay ngoài dải Ngân Hà. Hiện tượng hiếm có này được giới thiên văn toàn cầu tập trung theo dõi. GS Nguyễn Quang Riệu là một trong những nhà thiên văn đầu tiên trên thế giới theo sát diễn biến để kiểm chứng vụ nổ. Ông sử dụng chiếc kính thiên văn vô tuyến khổng lồ của Đài Thiên văn Paris để xác định khoảng cách từ vị trí vụ nổ đến Trái Đất. Kết quả quan sát là vụ nổ trong một thiên thể ở rìa dải Ngân Hà, với khoảng cách chính xác là 30.000 năm ánh sáng.
Một số nhà thiên văn Mỹ khi đó xác định khoảng cách chỉ 15.000 năm ánh sáng. Sau khi được các hội đồng, tổ chức đánh giá, kết quả của GS Nguyễn Quang Riệu được công nhận là chính xác hơn. Phát hiện quan trọng này sau đó được tạp chí khoa học nổi tiếng Nature dành trọn một số để đề cập. Năm 1973, ông được Viện Hàn lâm Khoa học Pháp trao tặng Giải thưởng Janssen trong lĩnh vực vật lý thiên văn.
Sau ngày đất nước thống nhất, ông thường xuyên về nước tham gia phát triển và phổ biến ngành vật lý thiên văn và vật lý môi trường - 2 lĩnh vực nghiên cứu còn non trẻ ở Việt Nam. Dấu ấn của ông còn để lại thông qua những chuyến về nước và dành thời gian giảng dạy cho sinh viên về môn vật lý vũ trụ và vật lý môi trường tại ĐHQG Hà Nội, vận động nhiều nhà khoa học nước ngoài cùng về thỉnh giảng.
GS Nguyễn Quang Riệu là một trong số rất ít nhà khoa học ngành thiên văn học gốc Việt được biết tới rộng rãi trên thế giới. Ông đã công bố trên 150 công trình khoa học về vật lý thiên văn trên các tạp chí nổi tiếng, được trao giải thưởng của Viện hàn lâm Khoa học Pháp năm 1973 sau khi phát hiện và xác định chính xác vị trí xảy ra vụ nổ trong chòm sao Thiên Nga (Cygnus X3).
Với nỗ lực không ngừng, ông trở thành Giám đốc Nghiên cứu của Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học Pháp (Centre national de la recherche scientifique - CNRS) và Giám đốc Nghiên cứu Danh dự (Emeritus) công tác tại Đài Thiên văn Paris, thành viên Hội Thiên Văn Quốc tế (IAU), thành viên ủy ban Quốc tế thực hiện đề án của Cơ quan Vũ trụ châu âu (ESA).
2. GS Nguyễn Quang Riệu là con đầu trong gia đình có 3 anh em. Một điều đặc biệt là cả ba anh em GS Nguyễn Quang Riệu đều là những nhà khoa học xuất sắc. Hai em trai ông là giáo sư, nhà giải phẫu học, nhân chủng học và nhân trắc học Nguyễn Quang Quyền và giáo sư, tiến sĩ hóa lý Nguyễn Quý Đạo.
Vậy điều gì đã thôi thúc GS Nguyễn Quang Riệu đến với thiên văn học? Trong một cuộc trò chuyện với Thạc sĩ Nguyễn Đức Phường trêntạp chí Khoa học ĐHQG Hà Nội, GS Nguyễn Quang Riệu đã chia sẻ: Thoạt đầu, vốn là một nhà vật lý trong ngành vật lý plasma nên đối với tôi, vũ trụ là một đối tượng nghiên cứu lý tưởng. Vũ trụ là một phòng thí nghiệm trong đó những ngôi sao và những thiên hà là những lò phản ứng nhiệt hạch thiên nhiên khổng lồ. Kỹ thuật làm kính thiên văn quang học và vô tuyến để quan sát thiên thể đơn giản hơn kỹ thuật xây lò tổng hợp hạt nhân.
Cũng trong cuộc trò chuyện này, ông quả quyết rằng, muốn nghiên cứu vũ trụ, các nhà thiên văn phải quan sát trên nhiều miền sóng trong phổ điện từ, từ bước sóng gamma, X, quang học, hồng ngoại đến bước sóng vô tuyến. Vì khí quyển Trái Đất hấp thụ bức xạ gamma, X và hồng ngoại, nên muốn quan sát trên những miền phổ này, các nhà thiên văn phải phóng kính thiên văn bằng tên lửa ra hẳn ngoài khí quyển. Bức xạ khả kiến (ánh sáng) và bức xạ vô tuyến truyền qua tầng khí quyển, nên thu được trên mặt đất. Mỗi môi trường trong vũ trụ phát ra bức xạ trên những bước sóng khác nhau, tùy theo điều kiện lý-hóa. Chẳng hạn, môi trường xung quanh những lỗ đen rất nóng nên phát ra bức xạ X có năng lượng cao, còn môi trường giữa những ngôi sao rất lạnh nên phát ra bức xạ vô tuyến có năng lượng thấp.
Cùng với GS Trịnh Xuân Thuận, GS Nguyễn Quang Riệu là một trong số rất ít nhà khoa học gốc Việt trên thế giới không ngại dấn thân và đạt được những thành công trong ngành thiên văn học, một ngành khoa học đến giờ vẫn được coi là non trẻ và ít có điều kiện phát triển tại Việt Nam. Ông là một trong những nhà khoa học đi tiên phong trong việc phổ biến cũng như vun đắp tình yêu của nhiều bạn trẻ Việt Nam đối với môn thiên văn học. Còn nhớ khi ngày 25/10/1995 xảy ra hiện tượng nhật thực toàn phần tại Việt Nam, thì trước đó, GS Nguyễn Quang Riệu được Bộ Ngoại giao Pháp cấp kinh phí để xây và mua thiết bị thiên văn mang về Việt Nam. Ông đề nghị để lại thiết bị tại ĐHQG Hà Nội và Đài Thiên văn Phù Liễn, giúp sinh viên thực tập quan sát bầu trời.
Không chỉ vậy, ông còn thường xuyên tác động, thúc đẩy tổ chức và tham gia các hội thảo về thiên văn ở trong nước, với mục đích giải thích các hiện tượng vũ trụ, những thành tựu mới đạt được trong ngành thiên văn. Mỗi năm, ông đều dành thời gian về nước tổ chức lớp học về vật lý vũ trụ, vật lý môi trường, vận động nhiều nhà khoa học nước ngoài cùng về thỉnh giảng. Bên cạnh đó, ông cũng là người đứng ra xin tài trợ học bổng của Chính phủ Pháp cho sinh viên Việt Nam và hướng dẫn làm luận án tiến sĩ ngành vật lý thiên văn tại Pháp.
Song song với đó, là việc xuất bản các cuốn sách về thiên văn học của GS Nguyễn Quang Riệu bằng tiếng Việt. Trong thời gian nghiên cứu và làm việc tại Pháp, ông đã viết và xuất bản nhiều cuốn sách về thiên văn học bằng tiếng Pháp. Nay, với mục tiêu phổ biến khoa học cho người Việt, ông đã kết hợp với nhiều nhà xuất bản tại Việt Nam để xuất bản bằng tiếng Việt. Những cuốn sách của giáo sư như "Vũ trụ phòng thí nghiệm", "Lang thang trên dải Ngân Hà", "Sông Ngân khi mờ khi tỏ", "Bầu trời tuổi thơ"... đã khơi dậy niềm đam mê thiên văn vũ trụ cho thế hệ trẻ Việt Nam. “Một trong những nhiệm vụ của nhà thiên văn là phổ biến những kiến thức về vũ trụ để mọi người thưởng thức được vẻ đẹp của bầu trời. Phổ biến khoa học là tham gia vào công việc nâng cao trình độ hiểu biết của nhân dân”, GS Nguyễn Quang Riệu tâm niệm như vậy, khi ông ra mắt bản tiếng Việt cuốn “Bầu trời tuổi thơ”.
Với những đóng góp ý nghĩa cho nền khoa học tại quê nhà, ông đã được trao tặng Giải thưởng Vinh danh nước Việt (2004) và Kỷ niệm chương của UBTƯ MTTQ Việt Nam (2006).
Nhà thiên văn học nổi tiếng thế giới - GS Nguyễn Quang Riệu đã qua đời lúc 23h15 ngày 5/1 theo giờ Pháp, tức rạng sáng 6/1/2021 giờ Việt Nam. Ông mất vì Covid-19, hưởng thọ 89 tuổi.