Nhà văn Võ Thu Hương: Những điều xúc động trong tâm dịch

Việt Quỳnh (thực hiện) 09/09/2021 08:00

Gia đình nhà văn Võ Thu Hương sống tại một chung cư trên đường Bùi Văn Ba (Quận 7, TPHCM). Đây là một trong những “điểm nóng” của thành phố trong đợt bùng dịch thứ tư.

Nhà văn Võ Thu Hương.

Khi TPHCM áp dụng Chỉ thị 16, con đường Bùi Văn Ba đã bị lập chốt chặn phong tỏa trước đó một ngày.

Hàng chục nghìn người sống ở Bùi Văn Ba là công nhân, người dân lao động nghèo. Con đường nằm kế bên Khu chế xuất Tân Thuận, có khu lưu trú công nhân. Nhà văn Võ Thu Hương chia sẻ: “Vài ngày đầu, dân trong chung cư vẫn tương đối bình thường vì nhà ai cũng dự trữ đồ ăn khá cẩn thận. Nhưng từ ngày thứ tư, khi tủ lạnh không còn rau xanh, xuống cửa hàng thực phẩm gần nhà thì cửa hàng bên này không còn một cọng rau, cửa hàng bên kia còn đúng một nhúm rau cải bé tí vừa đủ để nấu mì ăn sáng. Bách Hóa Xanh - cửa hàng lương thực còn lại ở cách nhà 600m tình hình khá hơn nhưng phải xếp hàng cả tiếng, vào đến nơi thì… hên xui mới mua được rau. Vì khan hiếm nên chỉ qua một vài ngày, rau bỗng dưng đắt hơn thịt. Đó là tình trạng lần đầu tiên tôi gặp, sau 20 năm ở TPHCM”.

Thiếu lương thực, thực phẩm trong nhiều ngày trở thành vấn đề, thậm chí gây căng thẳng cho người dân sống trong khu vực, khi tại chốt chặn Bùi Văn Ba, đồ từ ngoài không được gửi vào, ngoại trừ đồ cứu trợ và các xe chở hàng của các siêu thị trong khu vực. “Căng thẳng nhất với chúng tôi thời điểm ấy là tiếng còi của xe cấp cứu. Nhiều đêm xe cấp cứu ra vào ngay dưới chung cư hụ còi liên tục từ hơn 6 giờ tối đến gần 10 giờ đêm. Có khi, đứng từ chung cư nhìn xuống là cảnh những nhóm người F0 lên xe đi cách ly... Trong đó có một bà mẹ trẻ gần như chỉ ở nhà chơi với con, đi ra cửa hàng mua thực phẩm một lần nhưng bị vô tình trở thành F0. Suy nghĩ thường xuyên nhất của chúng tôi lúc ấy, chắc hẳn cũng đầy sốt ruột như bao người trong khu phong tỏa: Bao giờ thì chốt được gỡ đây!”, nhà văn Võ Thu Hương kể lại.

Trước khi sống trong khu phong tỏa, nhà văn Võ Thu Hương không nghĩ tới việc sẽ kết nối viện trợ từ bạn bè. Nhà chị gồm trẻ nhỏ, bà thím già có bệnh nền nên chị rất ý thức việc giữ an toàn cho bản thân và đặc biệt là các thành viên trong gia đình. Chung cư tôi có group (nhóm) riêng trên mạng xã hội. Ở đó các thành viên chia sẻ với nhau đủ thứ chuyện. Rồi nhà văn kể lại chuyện một cô bé sinh viên nghèo mới ra trường, chưa có việc làm ở trọ chung cư nhà hết sạch thức ăn, gạo… phải tự ra đường hỏi về… gói cứu trợ khi nửa đêm nửa hôm với ánh mắt gần như sắp khóc.

Khi ấy, nhiều nhà văn, nhà báo, bạn của Võ Thu Hương có những mối quan hệ có thể chia sẻ gạo, rau, trứng, sữa... tới những khu vực phong tỏa. Chị đã hỏi thử vài người bạn về việc trợ giúp cho những công nhân, người dân trong khu phong tỏa, cách ly: “Tính đến giờ, tôi đã nhận được gần 4 tấn gạo, hơn 3 tấn rau, và nhiều nhu yếu phẩm khác để chia sẻ cùng bà con, công nhân khu Bùi Văn Ba. Tôi thấy được sự gần gũi, chia sẻ, yêu thương nhau giữa những người nơi mình sống rõ nhất chính là lúc này. Cách người dân chung cư chia nhau từng cọng hành, quả ớt, gói mì để ở sảnh. Cách họ nhắc nhau rằng công nhân bên ngoài thiếu thốn hơn mình nhiều, cùng cố gắng vượt qua thôi. Những xe rau, xe gạo về chung cư để hỗ trợ bà con, công nhân khó khăn có khi đến vào lúc nửa đêm vẫn luôn có đội bốc vác mà tôi hay nói đùa “nhiệt tình nhất Trái Đất” đứng đợi. Các anh em trong đội, có người là bảo vệ chung cư, người là lập trình viên, giám đốc doanh nghiệp… đều chia nhau từng bao gạo, bao rau cùng bốc vác”, nhà văn Võ Thu Hương chia sẻ.

Nhà văn cũng kể câu chuyện có lần, gần nửa đêm, anh bạn trong chung cư nhận tin bố mất ở Hải Phòng. Người góp đôi nến, bó hương, người góp trái cây, giấy tiền, tôi chạy qua nhà chị hàng xóm xin mấy bông hoa hồng khi biết chẳng thể tìm đâu ra hoa cúc hoa huệ ngoài những bông hồng nhà tự trồng trong giờ khắc này… Chúng tôi cùng nhau để lập một bàn thờ nho nhỏ, giản dị hết sức nhưng chân tình hết sức trước nửa đêm để anh bạn có thể cúng vọng bố.

Chị nói: Tôi không bị mất tinh thần nhiều ngoài mấy ngày đầu tiên liên tiếp nghe tiếng hụ còi xe cấp cứu. Về sau thì hình như xe cấp cứu cũng “hiểu” mà không hụ còi khiến người dân bớt hoang mang. Bởi vì, khi vừa làm việc online, vừa tham gia việc kêu gọi, chia sẻ với đồng bào mình, thời gian dư ra không nhiều. Thi thoảng cũng có thể viết lại những điều mình xúc động khi sống trong tâm dịch, quanh tôi ngày nào anh em, bạn bè cũng điện thoại, nhắn tin hỏi: “Hương ơi, cần gì không?” nên có thể vì thế tinh thần không bị dồn nén gì nhiều.

Với việc sáng tác, chị bày tỏ: Tôi không dám nói trước việc sáng tác sau này. Nhưng quả thực, với tôi, cũng như nhiều người viết, những ngày đang sống dù không ai muốn nhưng vẫn diễn ra, đã và đang là vốn quý cho công việc viết lách.

Việt Quỳnh (thực hiện)