‘Gieo chữ’ ở bản Mống
Nhiều trẻ em ở điểm trường bản Mống, xã Mỹ Tân, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa) có hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ phải li hương mưu sinh, trăm bề đều phó mặc cho ông bà và các thầy cô cắm bản.
Vượt lên trở ngại ấy, những người mang trọng trách “gieo chữ” ở đây luôn dốc lòng, miệt mài với công việc và hi vọng vào “vụ mùa bội thu”!
Cách trung tâm xã Mỹ Tân chừng 7-8km, điểm trường bản Mống nằm chơ vơ bên sườn đồi, với 2 phòng học là những căn nhà tranh tre, khu bếp được dựng tạm bợ. “Cũ kỹ là vậy nhưng đây là nơi dạy và học, cũng là nơi sinh hoạt trong suốt nhiều năm của cô trò khu Mống chúng tôi đấy”, cô Phạm Thị Giáp - người có thâm niên gắn bó trên 20 năm với điểm trường nói như để phân bua cho những gì mà cô trò đang có ở đây.
Sự đơn sơ ấy có thể nói là vượt quá so với yêu cầu mà ngành giáo dục đặt ra. Những bộ bàn ghế cũ, trang thiết bị dạy học cũng thiếu thốn, bếp ăn tạm bợ… Giữa những sơ sài ấy là sự ngăn nắp, sạch sẽ và ấm cúng của các đồ dùng. Có lẽ các cô giáo công tác ở đây đã phải nỗ lực rất nhiều để chăm sóc cho mái trường của lũ trẻ được ấm cúng, chỉn chu hơn, để mỗi ngày các con đến trường sẽ là một ngày vui trọn vẹn.
Cô Giáp cho biết: Hiện điểm trường đang có hơn 100 cháu thuộc các nhóm trẻ mầm non theo học, hơn 99% là con em của người dân tộc Mường thuộc diện đặc biệt khó khăn, điều kiện chăm sóc các con đang còn thiếu thốn đủ bề. Một khó khăn “đặc trưng” của các cháu ở đây là đa phần cha mẹ của đều đi làm ăn xa, gửi gắm các con nhỏ cho ông, bà, nhà trường chăm sóc.
“Phần đa các con đều phải sống xa cha mẹ nên mọi sinh hoạt ban ngày đều do các cô giáo đảm trách, săn sóc, chăm nom nên tình cảm cô trò gắn bó như ruột thịt. Thậm chí có cháu đến cuối ngày vẫn không muốn về nhà vì muốn được ở cùng các cô: Thương lắm!”, cô Giáp xúc động nói.
Sự lem luốc, thiếu thốn của những đứa trẻ vùng cao đã khiến cho những cô giáo mầm non nơi đây xót lòng mà chia sẻ yêu thương, đùm bọc, chăm sóc các con bằng tâm huyết của những người mẹ. Có thể nói mỗi cô giáo nơi vùng sâu, vùng xa này là một người mẹ dìu dắt, dẫn các em đến với con chữ, tìm niềm vui với hy vọng có thể thay đổi được cái nghèo khó, mang đến những mầm xanh hi vọng cho vùng núi rừng miền Tây Thanh Hóa.
Cô Giáp còn cho biết thêm: Đối với công tác giáo dục ở đây, nhà trường đã đặc biệt quan tâm, làm tốt các chuyên đề “Xây dựng môi trường lấy trẻ làm trung tâm”, “tăng cường tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số”... Bởi vậy, những đứa trẻ ở bản Mống khi đến với lớp học mầm non, các con còn được các cô hướng dẫn để tiếp cận với những trò chơi, những bài học, và tiếp cận tiếng Việt phổ thông, để bắt đầu hình thành những kỹ năng đầu đời, chuẩn bị cho hành trang sau này mà các con sẽ đi tiếp.
Ông Nguyễn Tài Toàn, Trưởng phòng Giáo dục huyện Ngọc Lặc cho biết: Đời sống của đồng bào dân tộc Mường ở bản Mống còn gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là về vấn đề nước sinh hoạt và sản xuất. Trung bình, mỗi năm bà con ở đây thiếu nước từ 3-6 tháng. Điều này kéo theo chất lượng cuộc sống, giáo dục của con em bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mới đây, thông qua chương trình xã hội hóa giáo dục, các nhà hảo tâm đã chung tay quyên góp và xây dựng được 1 dãy phòng học kiên cố để thay thế cho khu lớp học tranh tre, tạm bợ lâu nay.
Bà Bùi Thị Hà, Hiệu trưởng Trường mầm non Mỹ Tân tâm sự: Đây là niềm mơ ước qua bao thế hệ giáo viên và phụ huynh tại bản Mống. Dãy phòng học dù còn ngổn ngang chưa hoàn thiện, nhưng chúng tôi vô cùng cảm kích trước tấm lòng vì sự nghiệp giáo dục của các mạnh thường quân đã chung tay, chung sức để các em học sinh nơi đây được đến trường.