Đầu tư tiền ảo, mất tiền thật
Một số người dân vừa có đơn trình báo tới cơ quan bảo vệ pháp luật TP Hải Phòng việc bị một nhóm người trên sàn giao dich tiền kỹ thuật số lừa đảo, chiếm đoạt số tiền lớn. Theo một cán bộ an ninh, Công an TP Hải Phòng, những đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tiền trên các sàn giao dịch tiền kỹ thuật số không phải hiếm…Vậy thủ đoạn của chúng như thế nào?
Mặc dù các cơ quan bảo vệ pháp luật liên tiếp đưa ra những cảnh báo việc người dân bị mất tiền khi tham gia đầu tư kinh doanh tiền kỹ thuật số (tiền ảo) trên một số sàn giao dịch ngoại hối nhưng nhiều người dân vẫn đầu tư và hậu quả là mất tiền thật.
Đầu tư tiền thật mua tiền ảo
Anh Trần Văn T. (36 tuổi, trú tại TP Hà Nội) vừa có đơn trình báo tới cơ quan bảo vệ pháp luật TP Hải Phòng việc bị một nhóm người trên sàn giao dich tiền kỹ thuật số lừa đảo, chiếm đoạt gần 200 triệu đồng. Theo đó, đầu tháng 8/2021, qua nhóm chat Telegram về ngoại hối, anh được một người sử dụng tài khoản Whatapp tự xưng P.T. mời đầu tư tiền kỹ thuật số.
Người này rủ đầu tư trên sàn ngoại hối forex (sàn giao dịch tiền kỹ thuật số) và được hướng dẫn mở tài khoản giao dịch ngoại hối, nạp tiền đầu tư. Qua 2 lần nộp hơn 63 triệu đồng vào tài khoản cá nhân của P.T., người nhận là nhân viên chăm sóc khách hàng của sàn giao dịch này tại một ngân hàng thương mại. Thời gian ngắn, mã tiền kỹ thuật số anh T. đầu tư được sàn giao dịch thông báo có tốc độ tăng trưởng cao, lợi nhuận tới 3.000 USD. Người này tiếp tục đề nghị đầu tư thêm bằng cách để cả vốn, cả lãi, tiếp tục đầu tư thêm hàng trăm triệu đồng để hưởng lợi nhuận.
Cả tin, anh T. tiếp tục “đầu tư” thêm 185 triệu đồng vào tài khoản nhân viên chăm sóc khách hàng. Tuy nhiên, đến khi thực hiện lệnh rút tiền qua dịch vụ chăm sóc khách hàng của whatapp thì sàn giao dịch xóa lệnh, không rút được tiền.
Anh Nguyễn Văn H. (trú tại phường Đằng Lâm, quận Hải An, TP Hải Phòng) được giới thiệu đầu tư tiền kỹ thuật số, nhân viên chăm sóc khách hàng của sàn giao dịch yêu cầu phải mở tài khoản chuyển tiền tại ngân hàng do sàn giao dịch chỉ định. AFG là “mã” tiền ảo được nhân viên chăm sóc khách hàng của sàn giao dịch giới thiệu anh H. đầu tư. Theo quảng bá, AFG mới gia nhập thị trường tiền kỹ thuật số, có đà tăng trưởng cao. Sau thời gian ngắn, đồng tiền số này được quy đổi sang đồng tiền kỹ thuật số TRX - loại tiền kỹ thuật số có thể mua bán, quy đổi sang tiền Việt Nam đồng.
Anh H. nộp 25 triệu vào tài khoản của nhân viên chăm sóc khách hàng sàn giao dịch tiền ảo, được thông báo 1 đồng AFG tương đương 0,004,5 USD, khoản đầu tư của anh Hải tương ứng với 278 AFG. 3 tháng đầu, sàn tiền kỹ thuật số liên tục thông báo thị giá đồng tiền kỹ thuật số AFG tăng trưởng theo chiều mũi tên thẳng đứng, anh H. được sàn giao dịch trả lãi 108 AFG vào tài khoản “ảo”, được các thành viên trong diễn đàn inbox với nhau khoản đầu tư này đã trở thành 100 triệu VNĐ. Tuy nhiên, sau 5 tháng, đồng tiền kỹ thuật số AFG không chuyển đổi được về đồng TRX, người chơi cũng không rút được vốn ra khỏi “ví điện tử” đã mở tại ngân hàng thương mại.
Theo anh H., tiền kỹ thuật số AFG thực chất do một nhóm người trên lãnh thổ Việt Nam tạo ra nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tiền người chơi dưới hình thức kinh doanh đa cấp, những người chơi trước giới thiệu người chơi sau để hưởng hoa hồng. Sau thời gian, nhiều người nộp tiền đầu tư, đồng tiền kỹ thuật số AFG vẫn tồn tại trên sàn giao dịch nhưng lúc này, người chơi tiền kỹ thuật số muốn rút tiền không thực hiện được lệnh, chịu mất tiền thật.
Tiền ảo không được pháp luật Việt Nam công nhận
Theo một cán bộ an ninh, Công an TP Hải Phòng (người tham gia chuyên án của Công an TP Hải Phòng vào tháng 4/2021 triệt phá sàn giao dịch tiền ảo Hitoption, xin được giấu tên), những người như anh T. bị đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tiền trên các sàn giao dịch tiền kỹ thuật số không phải hiếm.
Tháng 8/2021, Công an TP Hải Phòng cũng đã cảnh báo những người đầu tư tiền kỹ thuật số chịu rủi ro rất lớn mỗi khi xảy ra tranh chấp do những quan hệ tiền, tài chính này không được pháp luật bảo hộ. Công an TP Hải Phòng cũng nêu thủ đoạn chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư như để che dấu vết lừa đảo, những đối tượng này yêu cầu người chơi chuyển tiền vảo tài khoản cá nhân, không biết tài khoản đó của ai, tài khoản không công bố trên trang mạng đầu tư tiền ảo để người dân biết, cảnh giác với hoạt động lừa đảo trên không gian mạng.
Vị cán bộ an ninh Công an TP Hải Phòng tiếp tục phân tích, đối với trường hợp của anh H., tháng 8/2021, Bộ Công an đã có cảnh báo về việc các sàn giao dịch quyền chọn nhị phân (Binary Option - BO) tiền kỹ thuật số có dấu hiệu tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép, có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản nhà đầu tư tài chính. Các sàn giao dịch này đều do các tổ chức, cá nhân tại Việt Nam lập, được quảng bá là sản phẩm công nghệ tài chính nước ngoài, gắn mác ứng dụng công nghệ Blockchain - một nền tảng phổ biến tiền kỹ thuật số làm nhà đầu tư lầm tưởng các sàn này đã được cấp phép tại Việt Nam.
Những đối tượng này thường cam kết với nhà đầu tư lợi nhuận cao, được chia hoa hồng khi lôi kéo được nhà đầu tư mới. Thu hút được nhiều người chơi với số tiền đủ lớn, những “chủ sàn” sẽ can thiệp giá, điều chỉnh thắng, thua nhằm mục đích chiếm đoạt tiền nhà đầu tư. Thậm chí, có nhóm đối tượng còn chủ động đánh sập sàn giao dịch tiền kỹ thuật số để chiếm đoạt toàn bộ tiền của nhà đầu tư.
Theo thông báo từ Bộ Công an, các sàn nhị phân kinh doanh theo hình thức đa cấp, có dấu hiệu lừa đảo là các sàn đầu tư tài chính Wefinex, Raidenbo, Bitono, Pocinex, Deniex, Remitex, Ares BO, Binanex, Fxtradingmarket, GardenBO, Hitoption ...
Được biết, từ năm 2017, khi việc đầu tư, đào tiền ảo mới manh nha tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản 5747/NHNN-PC khẳng định “Tiền ảo nói chung không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm”.