Giải bài toán tiêu thụ nông sản: Phải hội tụ được 3 đỉnh tam giác phát triển
Ngành nông sản đang đối diện với nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu sản xuất do tác động của dịch Covid-19. Giới chuyên gia nhận định, chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản nếu không sớm phục hồi sẽ bị đứt gãy, các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần tính toán để đưa ra một chiến lược dài hơi.
Nông thủy sản gặp khó
Đợt dịch Covid-19 lần 4 đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thu hoạch, sản xuất và tiêu thụ nông sản ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nhiều nông sản ùn ứ, giá thành giảm mạnh khiến người dân lo lắng, nguy cơ đứt gãy chuỗi liên kết đang hiện hữu.
Tại tỉnh Bạc Liêu, ông Long Văn Nghĩa, Giám đốc Công ty Long Mạnh (xã Vĩnh Hậu A, huyện Hoà Bình, Bạc Liêu) cho biết, hiện công ty đang có khoảng 20 ao tôm thẻ công nghệ cao. Tuy nhiên thời điểm này, giá tôm hạ thấp, loại tôm 100 con/1kg giá chỉ khoảng 50 – 55.000 đồng/kg, loại 30 con/kg giá chỉ dao động 100 – 110.000 đồng/kg.
Theo ông Nghĩa, hiện nay việc vận chuyển gặp nhiều khó khăn, do đó mong muốn của bà con huyện Hoà Bình là sớm được tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 để các hoạt động giao thương được hồi phục. “Việc vận chuyển hàng hoá sang các địa bàn khác trong tỉnh phải sang xe nên hạn chế đi lại. Cần phải có đội xe vận tải ưu tiên đi lại giữa các địa bàn trong huyện. Các mặt hàng khác có thể sang xe được, còn tôm hay thuỷ sản có nước, có đá thì không thể sang xe được” – ông Nghĩa đề xuất .
Ở ĐBSCL, TP Cần Thơ vẫn là trung tâm đầu mối sản xuất thủy sản (chủ yếu là cá tra) và chế biến lúa gạo xuất khẩu của các địa phương trong vùng. Theo ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, tình hình sản xuất, phân phối lưu thông nông sản của Cần Thơ đang gặp nhiều khó khăn. “Từ tháng 7 đến nay, Sở đã chủ động kết nối nông dân, HTX với Sở Công thương để tiêu thụ nông sản ở hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi và đăng bán trên các sàn thương mại điện tử” – ông Sử cho biết.
Những khó khăn trong tiêu thụ nông sản ở ĐBSCL là rất rõ ràng. Giới chuyên gia nhìn nhận, trong bối cảnh hiện nay, thực trạng “trồng – chặt”, “giải cứu” nông sản vẫn sẽ tái diễn. Thực tế cho thấy, không chỉ cơ quan chức năng nỗ lực, bản thân người nông dân cần phải hình thành thói quen canh tác sản phẩm đặc thù, tạo thương hiệu để đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Lộ trình 3 bước để gỡ bỏ giãn cách
Trao đổi với Đại Đoàn Kết về việc phục hồi sản xuất và tiêu thụ nông sản cho vùng ĐBSCL thời gian tới, ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Chi nhánh Cần Thơ cho rằng, các địa phương cần tính toán thực hiện lộ trình từng bước gỡ bỏ giãn cách với những ngành nghề theo lộ trình 3 bước (trong tỉnh, nội vùng và liên kết vùng với TP HCM– PV) với 3 mốc thời gian cụ thể: Một là mở cửa nội tỉnh từ nay đến 15/9; hai là 15/9 đến 30/9 kết nối được các DN trong vùng với nhau. Thứ ba là sau 30/9, phải làm sao kết nối được với TP HCM. Phải thực hiện được lộ trình này, câu chuyện phục hồi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm mới có giá trị.
Về mô hình sản xuất ông Nguyễn Phương Lam cho rằng: Nếu các địa phương không sớm mở lại việc kết nối thì nguy cơ đứt gãy là rất lớn. Và khi đứt gãy thì rất khó kết nối lại với khách hàng và thị trường, nhất là thị trường nước ngoài. Lúc này chúng ta phải mở cửa càng sớm càng tốt, nhưng phải đảm bảo vừa sản xuất vừa chống dịch.
“Đầu tiên phải ưu tiên cho người lao động đã tiêm đủ 2 mũi vaccine được tự do đi lại để làm việc. Các địa phương cần phải thống nhất với nhau về các thủ tục, quy định để mở rộng giao thương sau 15/9 nhằm đẩy mạnh việc lưu chuyển hàng hoá, có như vậy mới giải quyết được bài toán chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông sản” – ông Lam nhấn mạnh.
Mới đây tại cuộc họp bàn giải pháp tiêu thụ nông sản, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng đang có những tư duy cắt khúc trong quản lý. Phải khắc phục tư duy này thì ngành nông nghiệp mới có thể giảm thiểu được các rủi ro, bất trắc.
“Nông nghiệp sẽ khó phát triển nếu nông dân vẫn mang tư duy mùa vụ, DN tư duy thương vụ và chính quyền tư duy nhiệm kỳ. Cả DN, nông dân lẫn ngành nông nghiệp phải thay đổi. Khi nào tam giác phát triển là “nhà nước - thị trường - xã hội” có 3 đỉnh hội tụ vào nhau, khoảng giao thoa lớn thì ngành nông nghiệp mới bớt rủi ro” - ông Hoan nêu quan điểm.
Thúc đẩy sản xuất vụ Đông để đảm bảo nhu cầu lương thực
Sáng 8/9, Tại hội nghị trực tuyến “Đánh giá kết quả sản xuất vụ Đông 2020 và triển khai kế hoạch vụ Đông 2021 các tỉnh phía Bắc” Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết, diện tích sản xuất vụ Đông các tỉnh phía Bắc trong những năm gần đây không tăng mà có xu hướng ổn định, nhưng giá trị sản xuất của vụ này vẫn tăng đều. Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn nan giải, các địa phương cần tiếp tục thúc đẩy sản xuất để giữ vững an ninh lương thực, nhất là đáp ứng tốt nhu cầu lương thực thời điểm cuối năm.
Theo Bộ NN&PTNT, phát triển vụ Đông 2021 sẽ theo chủ trương tái cơ cấu ngành trồng trọt, hướng sản xuất hàng hóa, chất lượng, hiệu quả, nâng cao chuỗi giá trị. Mục tiêu vụ Đông 2021 là giữ ổn định diện tích khoảng 400 nghìn ha và sản lượng 4,6 triệu tấn. Tổng giá trị sản xuất vụ Đông 2021 cả nước phấn đấu đạt khoảng 34-35 nghìn tỷ đồng. Trung bình giá trị sản xuất đạt khoảng 85 triệu đồng/ha.
P.Vân