Dạy chữ tiếng Việt cho đồng bào dân tộc
Với mong muốn giúp đồng bào dân tộc thiểu số thuận tiện trong giao tiếp cũng như quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc mình tới du khách, Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã tổ chức mở lớp dạy chữ tiếng Việt ngay tại khuôn viên của làng.
Đoàn kết vượt qua đại dịch
Những ngày này, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, không gian Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (gọi tắt là Làng) tại Đồng Mô (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) vắng vẻ hơn rất nhiều. Tuy nhiên, hoạt động đời thường của bà con đồng bào đến từ nhiều vùng dân tộc khác nhau, đã tạo cho nơi đây trở thành một không gian văn hóa đa dạng và đặc sắc. Những âm thanh cuộc sống của cộng đồng các dân tộc vẫn rộn ràng, lan tỏa khắp vùng.
Khi được hỏi thăm về cuộc sống của bà con đồng bào đang sinh hoạt tại Làng trong thời gian dịch bệnh Covid-19, ai cũng buồn. Buồn vì không thể đón khách tham quan như trước, không có cơ hội được quảng bá và giới thiệu nét đẹp văn hóa của dân tộc tới mọi người. Cùng với đó là thu nhập cũng bị ảnh hưởng vì không bán được sản vật của dân tộc mình.
Bà con đồng bào các dân tộc cũng nhận thấy được đây là khó khăn tình hình chung. Vì thế họ chủ động, chung tay cùng cán bộ của Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam chống dịch.
Một thoáng trầm ngâm, không gian như lắng xuống khi nói về những khó khăn, nhưng không khí rộn ràng đã nhanh chóng trở lại bởi những âm thanh của nhạc cụ. Dưới mái nhà Rông của người dân tộc Xơ Đăng (tỉnh Kon Tum), nghệ nhân Y Sinh kể: Khó khăn thì cũng là tình hình chung. Nhưng ở đây, chúng tôi được cán bộ của Ban Quản lý Làng thường xuyên quan tâm. Vì thế, mọi người ở đây ai cũng yên tâm và cố gắng cùng cán bộ của Làng chung tay vượt qua khó khăn này.
Trang bị kiến thức cho đồng bào
Không chỉ chăm lo cuộc sống của bà con, Ban Quản lý Làng còn tổ chức “lớp dạy chữ” dành cho một số đồng bào chưa biết tiếng Việt. Đây là một lớp học đặc biệt vì người học đủ mọi lứa tuổi và việc dạy chữ sẽ do cán bộ của Làng phụ trách.
Bà Nguyễn Thị Xuyến, dân tộc Tày (Thái Nguyên) nhận thấy việc mở lớp dạy chữ tiếng Việt, bồi dưỡng kiến thức là một việc làm hết sức có ý nghĩa nhằm phục vụ tốt hơn cho cuộc sống và hoạt động của đồng bào.
“Lớp học này đã được mở vài tháng nay, tổ chức vào những buổi tối cuối tuần. Bên cạnh sự hướng dẫn của cán bộ ở Làng thì những bà con biết chữ cũng sẽ tham gia dạy cho những người chưa biết. Tôi cũng rất vui khi được tham gia dạy chữ cho những người chưa biết. Từ những buổi học đó, bà con ở các khu làng đến từ nhiều dân tộc khác nhau được gặp gỡ, giao lưu và hiểu về văn hóa nhau nhiều hơn. Từ đó tạo nên sự đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng” - bà Xuyến chia sẻ.
Theo Ban Quản lý Làng Văn hóa: Lớp học chữ tại Làng được mở ra với mục đích nâng cao chất lượng hoạt động của bà con, tăng tính chủ động và sự tự tin trong quá trình giao tiếp giới thiệu những giá trị văn hóa của chính dân tộc mình đến với du khách. Đồng thời nâng cao hàm lượng giá trị văn hóa đến cho các du khách khi đến Làng Văn hóa.
Trong thời gian giãn cách xã hội, Làng không tổ chức đón khách, chính vì thế đồng bào sẽ có thời gian để chú tâm cho con chữ nhiều hơn. Vào những buổi tối, sau một ngày lao động tăng gia sản xuất, tập các tiết mục văn nghệ thì bà con đồng bào lại lên lớp học con chữ dưới sự hướng dẫn cán bộ của Làng. Những ngày không lên lớp, bà con đã tranh thủ thời gian mang sách ra tự học.
Theo lời kể của nghệ nhân Y Sinh, tổ trưởng cộng đồng các dân tộc tại Làng Văn hóa thì ban đầu một số bà con cũng muốn học được cái chữ nhưng lại e ngại. Phần vì đã lớn tuổi. Nhưng sau khi được sự vận động của cán bộ và các trưởng làng thì bà con đã tự tin hơn. Giờ đây bà con còn tranh thủ cả những lúc rảnh, những buổi sáng để học.
Ông Trịnh Ngọc Chung - quyền Trưởng Ban Quản lý Làng cho biết: Bên cạnh việc mở lớp dạy chữ tiếng Việt cho những bà con đồng bào dân tộc, chúng tôi sẽ mở thêm các lớp tập huấn nâng cao mời các chuyên gia về nghiên cứu và quản ý văn hóa tham gia trao đổi với bà con. Từ đó cung cấp cho bà con những giá trị văn hóa không chỉ của dân tộc mình mà còn cả những dân tộc khác. Cùng với đó là những lớp tập huấn nâng cao, nhận thức cho bà con đối với những hoạt động của Làng Văn hóa như hiện nay. Từ đó trang bị cho bà con những kỹ năng làm du lịch cộng đồng để sau này về với địa phương, bản làng của mình thì chính bà con là những người tham gia vào công cuộc xóa đói giảm nghèo.
Bắt đầu từ việc biết đọc, biết viết chữ tiếng Việt, bà con đồng bào tại Làng sẽ có cơ hội học hỏi nhiều hơn về cách làm cũng như làm sao để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của chính dân tộc mình. Từ đó sẽ tự tin hơn khi tiếp xúc với khách du lịch và quan trọng nhất là khi trở về với bản làng, bà con sẽ là nguồn nhân lực trong mục tiêu phát triển kinh tế địa phương và góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.