Rà soát danh sách các nghệ sĩ được hỗ trợ do ảnh hưởng của Covid-19
Bộ VHTTDL vừa có văn bản gửi Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh thành phố; các đơn vị nghệ thuật biểu diễn, Trung tâm VHNT các tỉnh, thành phố về việc rà soát thực hiện chính sách hỗ trợ đối với nghệ sĩ, diễn viên theo Quyết định 23/2021/QĐ-TTg.
Văn bản do Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông ký cho biết, thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid -19, trong đó có đối tượng là nghệ sĩ, diễn viên đang giữ ngạch viên chức hạng IV, để chính sách trên được triển khai kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, Bộ VHTTDL đề nghị các đơn vị thực hiện một số nội dung.
Cụ thể, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi, chính xác nội dung Nghị quyết số 68/NQCP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg để các tổ chức, cá nhân nhận thức đầy đủ về chính sách của Nhà nước nhằm hỗ trợ lực lượng nghệ sĩ, diễn viên đang gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, qua đó kịp thời động viên, khích lệ lực lượng nghệ sĩ, diễn viên tiếp tục cống hiến, lao động sáng tạo, biểu diễn nghệ thuật.
Văn bản cũng nhấn mạnh, trong quá trình rà soát các đối tượng để thực hiện hỗ trợ, các cơ quan, đơn vị cần thực hiện công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận của tập thể đơn vị và không áp dụng một cách cứng nhắc, dập khuôn để việc hỗ trợ được kịp thời, đúng đối tượng, phù hợp hoàn cảnh của từng nghệ sĩ, diễn viên và không làm phát sinh thủ tục hành chính. “Bộ VHTTDL đề nghị các đơn vị phối hợp thực hiện đúng quy định”, văn bản nhấn mạnh.
Trước đó, xung quanh việc hỗ trợ cho nghệ sĩ gặp khó khăn ảnh hưởng của dịch Covid-19 của Sở VHTT Hà Nội đã tạo ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Theo danh sách có 99 viên chức hạng IV là đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ thuộc 6 nhà hát trực thuộc Sở VHTT Hà Nội.
Tổng số tiền hỗ trợ là hơn 367 triệu đồng chia cho nghệ sĩ của Nhà hát: Ca múa nhạc Thăng Long (11 người), Kịch Hà Nội (23 người), Chèo Hà Nội (21 người), Cải lương Hà Nội (27 người), Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội (12 người), Múa rối Thăng Long (5 người). Mỗi nghệ sĩ nhận được 3.710.000 đồng. Tuy nhiên, trong danh sách nghệ sĩ nhận gói hỗ trợ lại có tên một số diễn viên đang khá đắt show truyền hình, quảng cáo như Hồng Đăng, Thanh Hương, Mạnh Quỳnh…
Thậm chí, chính các nghệ sĩ này cũng rất bất ngờ khi có tên được nhận khoản trợ cấp. Trong khi đó, nhiều nghệ sĩ là các công tác hậu đài như: thiết kế, âm thanh, ánh sáng, phục trang, bảo vệ, hành chính… có đời sống khó khăn hơn thì lại không thuộc diện được nhận hỗ trợ. Đặc biệt, các lĩnh vực nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương... thời gian qua đa số các nghệ sĩ đang rất khó có cơ hội kiếm thêm thu nhập. Dịch bệnh hoành hành, nhà hát đóng cửa, hoạt động biểu diễn bị “đóng băng” thu nhập nghệ sĩ gần như bằng 0.
Về vấn đề này, theo NSƯT Tấn Minh, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long cho biết, nếu Bộ VHTTDL khi đề xuất chính sách tham khảo ý kiến của các nhà hát, để chính các nhà hát đưa danh sách lên thì sẽ không xảy ra bất cập như hiện nay. Tôi cho rằng, lúc này Bộ VHTTDL cần có một cuộc rà soát lại và hỗ trợ cho những người thực sự cần thiết. Bộ có thể để các nhà hát tự đề xuất.
Bởi bản thân các nhà hát sẽ phải chọn lọc, công khai danh sách và được sự đồng thuận của cả nhà hát, đảm bảo sự minh bạch, hoặc Bộ VHTTDL hỗ trợ theo mức lương chính được nhận hàng tháng chứ không chỉ theo ngạch diễn viên. “Có những người lương rất thấp, không có trợ cấp, rất khó khăn để chi tiêu trong thời gian dịch các nhà hát phải đóng cửa này. Họ mới là những người thực sự cần hỗ trợ”, NSƯT Tấn Minh bày tỏ.