Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: 'Chúng tôi chưa có kế hoạch rút quân khỏi TP HCM'
Chiều 9/9, Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP HCM tổ chức họp báo thông tin về công tác chống dịch trên địa bàn, với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn và Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM Phan Nguyễn Như Khuê.
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thông tin việc thời gian qua, một số đơn vị y tế có hiện tượng từ chối bệnh nhân, xảy ra tổn thất sinh mạng, có nơi, có lúc y bác sĩ bỏ việc. “Chúng tôi ra công văn chỉ có tính khuyến cáo, trước mắt không phải để kỷ luật”. Tuy nhiên, cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế, công văn 7330 ngày 4/9 của Bộ Y tế quy định sẽ kỷ luật y bác sĩ nếu “tự ý bỏ việc hoặc vi phạm quy định về đạo đức hành nghề”.
Trong điều kiện hiện nay, ông Nguyễn Trường Sơn yêu cầu cán bộ ngành y tế không thể bỏ rơi bệnh nhân. “Chúng tôi nâng cao truyền thông ý thức trách nhiệm nghề nghiệp của y bác sĩ.”.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, tình hình dịch bệnh đang rất phức tạp, khiến lực lượng y tế TP HCM đã phải huy động gần 20.000 nhân sự trong đợt đầu chống dịch.
Khi số ca bệnh tăng lên, thành phố tiếp tục phải huy động các lực lượng từ trung ương và các tỉnh, thành khác. Thời gian qua, các lực lượng y tế đã tham gia vào tất cả các tầng điều trị, tiêm chủng vắc xin và xét nghiệm. Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, đây là sự huy động lớn nhất từ trước đến nay, đồng thời khẳng định: "Chúng tôi chưa có kế hoạch rút quân khỏi TP HCM nên người dân yên tâm, lực lượng y tế đã vào, đã làm thì sẽ làm hết trách nhiệm".
Về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết, chính sách chăm lo cho tuyến đầu chống dịch luôn được TP HCM và trung ương quan tâm. Cụ thể, khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 37, về một số chế độ đặc thù, các đối tượng được hưởng tiền ăn là 80.000 đồng/người/ngày. Thời điểm đó, TP HCM cũng có Nghị quyết 02 về việc nâng mức tiền ăn của lực lượng tham gia chống dịch lên 120.000 đồng/người/ngày.
Đối với Nghị quyết 16 về chi phí cách ly y tế và một số chế độ đặc thù, nghị quyết cũng quy định các đối tượng được hưởng tiền ăn 80.000 đồng/ngày. Sau đó, TP HCM cũng đã tiếp tục ban hành Nghị quyết 09, mở rộng thêm một số đối tượng được nhận hỗ trợ, đồng thời nâng mức hỗ trợ tiền ăn lên 120.000 đồng/người/ngày.
Ngoài vấn đề trên, hiện nay tiêm vắc xin phòng Covid-19 là ưu tiên lớn nhất của TP HCM. Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc HCDC cho biết, vắc xin Vero cell đã được phê duyệt do đó người dân không nên lo lắng hoặc băn khoăn. Ông Tâm nói thêm, đây là loại vắc xin do Sinopharm sản xuất, được Tổ chức Y tế thế giới phê duyệt và Việt Nam cũng phê duyệt.
Vừa qua, thành phố đã tiếp nhận 5 triệu liều từ nhà tài trợ và nguồn của Bộ Y tế để chuẩn bị tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên. "Bà con nên hiểu là vắc xin tốt nhất là vắc xin tiêm sớm nhất", ông Tâm chia sẻ.
Trước đó, Chủ tịch UBND TP HCM đã báo cáo với Trung ương tại cuộc họp với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về khả năng sử dụng "thẻ xanh vắc xin" để nới lỏng giãn cách. Tuy nhiên, việc sử dụng thẻ này với các tiêu chí cụ thể chưa được đề cập.
Theo Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TP HCM, từ 9/9 là ngày đầu thực hiện cho phép một số dịch vụ mở bán mang đi. Cụ thể, thành phố cho phép hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm; đội ngũ giao nhận hàng hóa (shipper) trong phạm vi một số quận, huyện, TP Thủ Đức;...Riêng quận 7 và huyện Củ Chi căn cứ tình hình thực tế tại địa phương để xây dựng kế hoạch, phương án triển khai thực hiện cho phép người dân có thể đi chợ 1 tuần/1 lần.
Kèm theo việc mở lại dịch vụ kinh doanh bán hàng mang đi, TP HCM yêu cầu bắt buộc nhân viên cửa hàng phải tiêm ngừa ít nhất 1 mũi vắc xin và thực hiện xét nghiệm nhanh âm tính trong 2 ngày/1 lần theo mẫu đơn hoặc mẫu gộp (3 người).
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP HCM cho biết, về nguồn cung và hệ thống phân phối của thành phố thời gian qua chủ yếu là hàng hóa, thực phẩm tươi sống nên tới khi nguồn cung thực phẩm tươi sống tương đối ổn thì nguồn cung và phân phối thực phẩm chế biến lại khó khăn.
Theo ông Phương, lý do là nhà cung cấp, kho trung chuyển gặp khó khăn trong việc thực hiện "3 tại chỗ" kéo dài, dẫn đến năng suất giảm, ngoài ra là các khó khăn về hạn chế giấy đi đường đối với lực lượng cung ứng,...
Về thời hạn Giấy đi đường do Công an TP HCM đã cấp, được TP HCM cho phép hiệu lực kéo dài đến ngày 15/9. Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng tham mưu Công an TP HCM, thời gian qua vẫn còn tồn tại tình trạng xe núp bóng chở người về các tỉnh khác. Vì vậy, Công an TP đang xây dựng kế hoạch và phương án kiểm soát.
Trong đó, đối với xe luồng xanh, thành phố chỉ kiểm tra một điểm dừng, không kiểm soát khi xe lưu thông. Do đó, đây là kẽ hở để một số đối tượng lợi dụng để hoạt động "chui". Thời gian qua, công an đã xử lý nhiều vụ xe núp bóng đưa người về các tỉnh, thành khác.