Giá tôm lao dốc

QUỐC ĐỊNH 10/09/2021 06:11

Tác động của dịch Covid-19 đợt 4 khiến giá tôm lao dốc, nhà máy chế biến giảm công suất, người nuôi tôm bất an, chậm thả tôm giống. Ngành tôm đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu. Thực tế này đòi hỏi chuỗi sản xuất ngành tôm cần sớm được  gỡ khó.

Nông dân ngừng thả giống

Ông Hà Thanh Ngọc, người nuôi tôm ở xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau cho biết, từ đầu tháng 7/2021, giá tôm có xu hướng giảm. Cụ thể, tôm thẻ chân trắng tới nhà máy từ mức giá 120 ngàn đồng/kg loại 40 con/kg giảm còn 110 ngàn đồng/kg.

“Giá giảm sâu vì khâu vận chuyển gặp khó, thương lái trả giá bao nhiêu phải bán bấy nhiêu, người nuôi không có cơ hội thỏa thuận giá. Đó còn là tôm khỏe, còn với ao nào chẳng may tôm nhiễm bệnh là lỗ nặng”, ông Ngọc cho biết.

Tuần cuối tháng 8/2021, giá tôm tiếp tục lao dốc. Loại 40 con/kg tại nhà máy chỉ còn 76 ngàn đồng/kg, loại 30 con/kg xuống còn 101 ngàn đồng/kg. Trong khi đó giá thương lái thu mua tại ao là 69 ngàn đồng/kg với loại 40 con/kg và khoảng 85 ngàn đồng/kg loại 35 con/kg.

Theo ông Ngọc, nếu tính từ tháng 6 đến nay, giá tôm cỡ nhỏ đã sụt giảm khoảng 35 - 45 ngàn đồng/kg. Tôm loại to người nuôi cũng chỉ lãi khoảng 5 - 10 ngàn đồng/kg. Còn loại 40 con/kg là coi như hòa vốn. “Tôm cỡ càng nhỏ giá giảm càng mạnh khiến người nuôi tôm thua lỗ nặng nề. Nhiều người nuôi có ý định ngừng hoặc chậm thả nuôi mới” - ông Ngọc nói.

Tại Bến Tre, tình hình cũng tương tự. Gia đình ông Lưu Văn Tín (xã Thới Thuận, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) vừa thu hoạch xong mấy ao tôm.

Theo chia sẻ của ông Tín, năm nay tôm được mùa nhưng giá giảm sâu khiến thu không đủ bù chi. Nếu như tôm thẻ chân trắng loại 35 con trước đây bán được 145.000 - 175.000 đồng/kg thì nay chỉ còn 115.000 đồng/kg, còn loại 150 con/kg giá chỉ có 45.000 đồng/kg. Trong khi các chi phí nuôi tôm ngày càng tăng. Thực tế này khiến người nuôi tôm thua lỗ.

“Nuôi không có lợi nhuận, lại rủi ro… Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, tôi dự định sẽ không thả giống vụ tới nữa”- ông Tín tâm sự.

Người nuôi khó, các doanh nghiệp (DN) chế biến cũng không khá hơn. Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, cho hay, trong tháng 8/2021 vừa qua sản lượng tôm chế biến của công ty đã sụt giảm 30,8% và giá trị xuất khẩu giảm 17,74% so với cùng kỳ năm trước. DN này đang gặp khó ở khâu chế biến vì thiếu công nhân, chi phí sản xuất tăng cao, hàng hóa lại vận chuyển khó khăn.

Khi thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ” trong đợt dịch Covid-19 lần 4, số lượng công nhân tại các nhà máy chế biến chỉ đạt 25%. Tại tỉnh Cà Mau, Hậu Giang, nhiều nhà máy chỉ còn hoạt động với số lượng công nhân giảm đến 70%.

Người nuôi tôm đối diện nhiều khó khăn trước tác động của dịch Covid-19.

Thiếu nguyên liệu trầm trọng

Tuy tín hiệu thị trường xuất khẩu tôm từ nay đến cuối năm vẫn khá khả quan, song vấn đề mà các DN chế biến và xuất khẩu tôm đang lo lắng chính là nguồn tôm nguyên liệu. Bởi, nếu người nuôi chậm thả tôm giống thì sẽ thiếu nguồn để chế biến đáp ứng đơn hàng. Dự báo quý 4 năm nay, nguyên liệu tôm sẽ bị thiếu trầm trọng. Do vậy, việc đảm bảo ổn định hoạt động nuôi tôm là rất cần thiết.

Giới chuyên gia nhận định, thời gian tới, nhu cầu tiêu thụ tôm tăng nên DN và hộ nuôi tôm cần có sự tính toán phương án sản xuất, kinh doanh phù hợp để cung ứng nguồn tôm nguyên liệu cho các nhà máy chế biến. Các hộ nuôi tôm nên nắm bắt thông tin thị trường tiêu thụ nhằm triển khai việc thả nuôi tôm hợp lý, đảm bảo lợi nhuận tốt sau thu hoạch.

Đặc biệt, người nuôi cần tham gia chuỗi liên kết để khắc phục khó khăn. Về phía cơ quan quản lý cần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc vận chuyển, thu mua tôm, cung ứng vật tư đầu vào… để tiếp tục tái sản xuất.

Theo ông Võ Quang Huy, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng), trong lúc này, ngành tôm cần xác định rõ khó khăn lớn nằm ở khâu nào và cần sớm tháo gỡ cho đúng chỗ. Chẳng hạn như với mảng chế biến tôm xuất khẩu, theo ông Huy, điều mà DN lo lắng nhất chính là tâm lý bất an của người nuôi khiến họ hạn chế thả tôm giống. Điều này dẫn đến việc thiếu nguyên liệu phục vụ chế biến.

“Người làm giống tôm và người nuôi tôm đang bất ổn, cần nhận định rõ tình hình này để có giải pháp tháo gỡ” - ông Huy nói.

Trao đổi về vấn đề này, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Nguyễn Văn Buội cho rằng, bà con nông dân nếu có điều kiện nên kéo dài thời gian nuôi và nâng kích cỡ tôm lớn sẽ có giá bán tốt hơn.

Ông Buội cũng khuyến cáo, người dân không nên quá lo lắng khi dự định thả vụ mới, bởi tôm luôn là mặt hàng được người tiêu dùng sử dụng nhiều và tình hình dịch trong nước cũng như trên thế giới đang có xu hướng kiểm soát tốt.

QUỐC ĐỊNH