20 năm vụ khủng bố 11/9: Nỗi đau khó nguôi ngoai
Đã 20 năm trôi qua, nhưng ký ức về vụ khủng bố kinh hoàng ngày 11/9/2001 tại thành phố New York và thủ đô Washington của nước Mỹ vẫn không thể phai mờ. Vụ tấn công khủng bố đã khiến gần 3 nghìn người chết, hơn 25 nghìn người bị thương và gánh hậu quả còn kéo dài sau rất nhiều năm.
Nỗi đau của người còn sống
Hai mươi năm tôi qua, Jack Grandcolas vẫn nhớ như in rằng mình thức dậy lúc 7h sáng hôm đó, ngày 11/9/2001. Ông nhìn đồng hồ, rồi nhìn ra ngoài cửa sổ, nơi một hình ảnh trên bầu trời đập vào mắt ông - một cái nhìn thoáng qua trông giống như một thiên thần đang bay lên. Và đó là khoảnh khắc thay đổi cuộc đời ông.
Đất nước bàng hoàng, lúc đó là 10h sáng và Chuyến bay 93 của United vừa lao xuống cánh đồng .
Với ý nghĩ vợ mình - chị Lauren, không có mặt trên chuyến bay đó nên khi nhìn thấy những cảnh ớn lạnh của ngày 11/9/2001 đang diễn ra trên tivi, Grandcolas không lo lắng cho cô ấy. Sau đó, ông nhìn thấy đèn nhấp nháy trên máy trả lời tự động.
Lauren đã để lại hai tin nhắn vào sáng hôm đó, trong lúc ông đang ngủ và tắt chuông điện thoại. Đầu tiên, cô ấy thông báo tin vui là đã đáp chuyến bay sớm hơn từ New Jersey về nhà ở San Francisco. Sau đó, cô ấy gọi từ máy bay. “Có một vấn đề nhỏ”, Lauren nói, nhưng cô cho biết “bây giờ mình rất thoải mái”, Grandcolas nhớ rằng, vợ ông không hứa cô ấy sẽ gọi lại. Cô chỉ nói: “Em yêu anh hơn tất cả, chỉ cần biết vậy thôi. Hãy nói với gia đình rằng em cũng yêu họ. Tạm biệt anh yêu”.
“Khoảnh khắc đó, tôi nhìn qua tivi và có một cái hố âm ỉ trên mặt đất ở Pennsylvania. Họ nói đó là Flight 93 của United”, ông Grandcolas, 58 tuổi, nói. “Đó là khi tôi rơi xuống đất”.
Tất cả 44 người trên máy bay đều thiệt mạng. Lauren, 38 tuổi, đang mang thai đứa con đầu lòng được 3 tháng cũng ở trên chuyến bay định mệnh. Cô ấy đã đi về phía Đông để dự đám tang của bà mình ở New Jersey và sau đó ở lại thêm vài ngày để thông báo về việc mang thai như là một chút “tin tốt lành để vực dậy tinh thần của cha mẹ và chị gái sau khi chôn cất bà của họ”, ông Grandcolas nói.
Flight 93 là chiếc máy bay thứ tư và cũng là chiếc máy bay cuối cùng bị tấn công vào ngày 11/9/2001 bởi 4 kẻ khủng bố Al-Qaeda trong một nhiệm vụ liều chết nhằm vào Điện Capitol ở Washington, DC. Hai cuộc tấn công đầu tiên nhằm vào Trung tâm Thương mại Thế giới ở thành phố và Lầu Năm Góc ở Washington, DC.
Nhận thấy vụ không tặc là một phần của cuộc tấn công quy mô lớn hơn, hành khách trên chuyến bay Flight 93 đã đấu tranh để chống trả và cố gắng giành quyền kiểm soát máy bay. Đó là một hành động anh hùng, cứu sống vô số người khác.
Ông Grandcolas cho biết: “Những gì họ đã làm thật đáng kinh ngạc. Đó là “một hành động quên mình, dùng tình yêu để chiến thắng thù hận”.
Để thế hệ trẻ gìn giữ và trân trọng lịch sử
Các nhà nghiên cứu cho rằng, ngay cả những người không có ký ức trực tiếp về sự kiện 11/9 cũng có thể cảm nhận được nỗi đau qua những câu chuyện được kể lại, hoặc thậm chí chỉ qua màn hình tivi. Mọi người có thể không cùng trải qua, nhưng vẫn cùng chung nỗi đau buồn.
Ký ức về ngày 11/9 đã trở thành lịch sử và lịch sử sẽ được gìn giữ, trân trọng và chia sẻ. Khi Mỹ kết thúc cuộc chiến 20 năm ở Afghanistan, thì tại một viện bảo tàng ở New York, các học sinh đang được truyền đạt về sự kiện khiến nước này tham chiến từ trước khi họ ra đời, ngày 11/9/2001.
Bảo tàng Kỷ niệm 11/9 ở Lower Manhattan sử dụng các chuyến tham quan cá nhân và ký ức của những người đã sống sót sau vụ tấn công khủng bố để giáo dục thế hệ trẻ.
Joan Mainstaolo, một trong khoảng một nghìn tình nguyện viên cung cấp các chuyến tham quan có hướng dẫn viên tại bảo tàng, cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi ở đây là chia sẻ lịch sử thông qua câu chuyện của những nhân chứng sống trong vụ khủng bố ngày 11/9/2001... Tôi luôn muốn nói rằng, các hiện vật của chúng tôi thực sự là trái tim và linh hồn của người dân và những câu chuyện của họ”.
Vài tuần trước lễ kỷ niệm 20 năm ngày xảy ra vụ tấn công ngày 11/9, Mainstaolo chào đón một nhóm học sinh, sinh viên từ Salem, bang Oregon, kể cho họ nghe về khu phố sôi động xung quanh Trung tâm Thương mại Thế giới, nơi cô và chồng sinh sống.
Các học sinh chăm chú lắng nghe lời mô tả của Mainstaolo, một nhân chứng của lịch sử: “Tôi chưa bao giờ rời mắt khỏi chiếc máy bay đó. Tôi đã quan sát khi Chuyến bay 11 của American Airlines đến gần Tháp Bắc, nó không cố gắng tránh đi mà đâm thẳng vào tòa tháp”.
Em Ian Crites, 15 tuổi, tỏ ra choáng ngợp trước bài thuyết trình. “Em đã xem các video về vụ tấn công ở trường học...Nhưng nhìn thấy nó và trực tiếp ở đây, nhìn thấy hình ảnh của những người đã thiệt mạng là một điều hoàn toàn khác. Nó thực sự rất khó để xem”, Crites nói.
“Điều quan trọng là chúng ta phải truyền lại lịch sử này cho thế hệ tiếp theo”, Magsaolo nói. “Chúng tôi không thể để điều này trôi qua hay bị lãng quên. Vì vậy, đối với chúng tôi, có một niềm đam mê mãnh liệt về việc đảm bảo rằng thế hệ trẻ tiếp thu kiến thức này và mang nó tiến lên phía trước khi chúng ta tiếp tục già đi”.
Trong nhiều năm, ông Grandcolas luôn nhắc đến cụm từ “kỷ niệm 11/9” và kỷ niệm 20 năm là một ngày quan trọng, Grandcolas có kế hoạch đến Pennsylvania để thăm Đài tưởng niệm Quốc gia Chuyến bay 93 sau 18 năm kể từ năm 2003.
Trước đó, ông Grandcolas đã tham dự hai lễ tưởng niệm hàng năm đầu tiên tại khu vực xảy ra vụ tai nạn ở Pennsylvania và sau đó dừng lại vì cảm thấy quá đau đớn. Đối với Grandcolas, mỗi năm qua đi là một “cú đấm” thấu tận tâm can. “Chúng tôi sẽ sống với những vết sẹo trong suốt phần đời còn lại của mình”, ông Grandcolas nói.
Tuy nhiên, vào ngày kỷ niệm 20 năm vụ 11/9 ông Grandcolas nhìn thấy cách đất nước đoàn kết lại sau vụ tấn công. Ông nói: “Đất nước này đã được thống nhất từ Bờ Đông sang Bờ Tây và hôm nay, có lẽ là bây giờ, sẽ là thời điểm tốt nhất để giảm bớt sự chia rẽ”.
Các cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 đã khiến 2.977 người chết, hơn 25.000 người bị thương và hậu quả sức khỏe kéo dài, cùng với thiệt hại về cơ sở hạ tầng và tài sản ít nhất 10 tỷ USD. Đây vẫn là vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại.