Phải ‘hàn chặt’ chuỗi cung ứng

Minh Phương 10/09/2021 11:20

Dịch bệnh Covid-19 kéo dài gần 2 năm qua khiến cộng đồng doanh nghiệp “ngấm đòn” bởi tình trạng đứt đoạn các mắt xích trong chuỗi cung ứng hàng hóa. Theo các chuyên gia kinh tế, mắt xích quan trọng nhất cần phải củng cố, gắn lại cho chặt chính là khâu vận chuyển…

Những hệ lụy khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy

Vận chuyển gặp nhiều trắc trở khi các địa phương thực hiện giãn cách xã hội đang khiến cho tình trạng hàng hóa tiêu thụ bị tắc nghẽn. Hàng từ địa phương này không thể lưu thông để sang địa phương khác. Chuỗi cung ứng đứt gãy, gián đoạn khiến cho luồng hàng hóa ứ đọng, tắc nghẽn, nơi cần thì không có, nơi có thì lại quá nhiều, dẫn đến giá giảm sâu, người sản xuất lao đao.

Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Giải pháp đảm bảo chuỗi cung ứng thời Covid-19” diễn ra mới đây, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nêu lên thực trạng, chuỗi cung ứng đứt gãy, hệ lụy đến nền kinh tế và xã hội còn tiếp diễn.

“Sẽ có nhiều doanh nghiệp (DN) phải đóng cửa do không có nguyên vật liệu đầu vào để sản xuất. Chi phí để duy trì sản xuất và kho vận bị đội lên quá cao. DN không đáp ứng được đơn hàng đúng thời gian dẫn đến mất đơn hàng, mất đối tác. Một khi các DN không thể trụ nổi, an sinh xã hội và mục tiêu phát triển kinh tế của Chính phủ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Việc gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trên bảng xếp hạng thế giới...” - ông Hải nói.

Nói về những thách thức mà các DN hàng hải và logistics đang phải đối mặt, ông Lê Quang Trung - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) cho hay, khó khăn lớn nhất là phải đối phó với sự gián đoạn trong chuỗi cung cấp dịch vụ để duy trì hoạt động liên tục

Ngoài ra, cước vận tải biển tăng phi mã và sự thiếu hụt, mất cân bằng container trên toàn thế giới cũng khiến DN khốn đốn. Đơn cử: Giá cước đi tuyến Mỹ đã tiếp tục tăng giá khủng thêm 2000-3000USD từ ngày 15/6. So với cùng kỳ năm 2020, giá cước đã tăng tới 5 lần...

Tìm cách gắn chặt

Giảm thiểu những nguy cơ về gián đoạn chuỗi cung ứng cách nào? Làm sao để đảm bảo hàng hóa được lưu thông trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay? Đó là câu hỏi được dư luận đặc biệt quan tâm thời điểm này. Ông Đặng Vũ Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) nêu lên đề xuất, nhà quản lý cần tạo thuận lợi, hỗ trợ trong việc miễn, giảm thủ tục cấp QR code, giấy phép đi đường.

“Cùng với đó, VLA đề nghị không áp dụng các chính sách làm tăng chi phí logistics nói chung, như thu phí hạ tầng cảng biển ở TP HCM từ 1/10.2021. Và giảm mức thu phí hạ tầng cảng biển của TP Hải Phòng” –đại diện VLA đề xuất.

“Chúng ta có cơ sở để tin rằng Việt Nam sẽ kiểm soát được dịch bệnh, nhanh chóng phục hồi kinh tế và tiếp tục là điểm sáng thu hút đầu tư nước ngoài. Logistics tại Việt Nam sẽ tiếp tục là ngành nghề kinh doanh trọng điểm, với mức tăng trưởng hàng năm đạt hai con số” – ông Thành nhận định.

Trong khi đó, theo ông Lê Quang Trung, các địa phương cần thống nhất về quy định tạo thuận lợi trong vận chuyển hàng hóa đối với xe vận tải (đặc biệt áp dụng với các xe chạy liên tỉnh – chạy trên trục quốc lộ quốc gia). Bộ Y tế cũng cần xem xét miễn giảm xét nghiệm Covid-19 cho lái xe, thay vào đó là áp dụng nguyên tắc vận tải an toàn phòng dịch lái xe ngồi yên trong cabin - không tiếp xúc khi giao nhận hàng hoá hai đầu, khi ra vào cảng. Đại diện Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cũng kiến nghị xóa bỏ yêu cầu xe vận tải phải có giấy đi đường trong khi đã có QR code.

Về vấn đề giảm chi phí logistics, các DN đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chủ trì giải quyết khó khăn trong việc các hãng tàu nước ngoài tăng giá cước vận chuyển cao liên tục làm ảnh hưởng đến sản xuất, xuất nhập khẩu.

Ví dụ yêu cầu khai báo cước phí vận chuyển đường biển của các hãng tàu container nước ngoài, hạn chế việc tăng cước vận chuyển phi mã và thiếu kiểm soát như hiện nay. Đồng thời, không được tăng và có biện pháp giảm hoặc loại bỏ một số phụ phí trong 12 loại phụ phí đường biển cao.

“Đây là vấn đề cấp bách mà các DN sản xuất, xuất nhập khẩu của nước ta đang yêu cầu được giải quyết”, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam Lê Quang Trung nhấn mạnh.

Về lâu dài, Chính phủ cần có quyết sách phát triển vận chuyển vận tải biển mang thương hiệu Việt Nam. Cụ thể là phát triển đội tàu container cỡ lớn kinh doanh tuyến xa như châu Mỹ, châu Âu, đáp ứng phần nào yêu cầu chuyên chở hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Minh Phương