Nới lỏng cẩn trọng
Sau 2 tháng tạm ngừng, tối 7/9 chợ đầu mối Bình Điền (TP Hồ Chí Minh) mở cửa hoạt động trở lại làm nơi tập kết, trung chuyển hàng hóa từ các tỉnh về TP Hồ Chí Minh.
Để đảm bảo an toàn phòng dịch, Ban Quản lý chợ chỉ cho phép 10 thương lái tham gia giao dịch mua bán, nhưng khi xét nghiệm nhanh đã có 1 người trong số đó dương tính với Covid-19.
Vậy là sau một thời gian dài giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, sau đó là gần một tháng siết chặt giãn cách ở mức độ cao hơn, tới ngày 8/9, TP Hồ Chí Minh đã quyết định nới lỏng các biện pháp phòng dịch. Theo đó, các quán hàng ăn được mở bán cho người mang đi, chợ đầu mối Bình Điền được phép hoạt động trở lại...
Có thể nói, đây là nỗ lực rất lớn của TP Hồ Chí Minh trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19. Để đưa ra được quyết định nới lỏng trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến khá phức tạp, TP Hồ Chí Minh phải cân nhắc mọi lẽ, để làm sao phòng dịch hiệu quả, nhưng cũng không kìm hãm phát triển kinh tế, khiến người dân gặp nhiều khó khăn hơn.
Cũng có một số ý kiến lo ngại việc chưa hoàn toàn khống chế, kiểm soát được đại dịch trên toàn thành phố đã thực hiện các biện pháp nới lỏng sẽ khiến nguy cơ bùng phát dịch trở lại. Song, dẫu có nguy cơ tiềm ẩn thì thành phố được coi là “đầu tàu kinh tế” của cả nước cũng không thể “đóng cửa” mãi, mà phải có sự thích nghi để sống chung với nó.
Nếu không thích nghi với cuộc sống bình thường mới có sự tồn tại của Covid-19, không chỉ riêng TP Hồ Chí Minh mà nhiều địa phương khác cũng không thể phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Khi đó nền kinh tế sẽ kiệt quệ vì chỉ có tiêu mà không có tích lũy, nhiều doanh nghiệp giải thể, phá sản, cuộc sống người dân sẽ khó khăn chồng chất.
Trong nhiều cuộc họp chỉ đạo các địa phương chống dịch, Thủ tướng Phạm Minh Chính từng nhiều lần nhấn mạnh: Vừa phải đảm bảo phát triển kinh tế, nhưng vẫn phải chống dịch hiệu quả. Thủ tướng Chính phủ cũng cho phép các địa phương được lựa chọn cân bằng hai mục tiêu hoặc ưu tiên cái nào trước, nhưng không được “triệt tiêu” một vế.
Trong những tháng qua, do tình hình đại dịch Covid-19 trên địa bàn diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, mỗi ngày có tới hàng nghìn ca bệnh mới, vì thế chính quyền TP Hồ Chí Minh đã quyết định hy sinh lợi ích kinh tế để ưu tiên dập dịch trước. Nay, dù chưa hoàn toàn khống chế, kiểm soát, nhưng cục diện đã thay đổi, số ca mắc mới mỗi ngày giảm hẳn, TP Hồ Chí Minh buộc phải nới lỏng để phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.
Dư luận xã hội, nhất là người dân TP Hồ Chí Minh ủng hộ biện pháp nới lỏng phòng dịch để phát triển kinh tế - xã hội của chính quyền thành phố. Tất nhiên vẫn còn một vài ý kiến e ngại sự nới lỏng có thể sẽ là cơ hội cho dịch bệnh “tái chiếm” địa bàn. Song, cũng đừng vì quá lo sợ bùng phát dịch trở lại mà làm thiệt hại nền kinh tế.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo rằng, việc TP Hồ Chí Minh “mở hé cửa” cho nền kinh tế phát triển là việc làm cần thiết trong lúc này, nhưng cũng cần hết sức cẩn trọng đề phòng, bởi “giặc dịch” có thể quay trở lại bất cứ lúc nào.
Vậy nên, song song việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch để tạo điều kiện phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, TP Hồ Chí Minh cần tăng cường tuyên truyền cho người dân nâng cao về ý thức phòng dịch, đảm bảo biện pháp 5K an toàn trong sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, việc nới lỏng phòng dịch cũng cần có sự thận trọng dần dần để “nghe ngóng”, không nên “tháo khoán” sẽ khó bề kiểm soát dịch. Hãy nới lỏng cẩn trọng!