Dạy thể dục trực tuyến: Liệu có hiệu quả?

Nguyễn Hoài 10/09/2021 13:30

Cùng với các môn học khác, Giáo dục thể chất đang được các nhà trường triển khai dạy học trực tuyến ngay từ tuần đầu tiên của năm học mới.

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh tỏ ra hoài nghi về tính hiệu quả của môn học khi chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến, bởi đặc thù của môn học cần sự vận động nhiều.

Có nên dạy thể dục trực tuyến?

Năm học mới bắt đầu trong điều kiện dịch bệnh nên học sinh tại nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội đang học theo hình trức trực tuyến. Theo thời khóa biểu của các nhà trường, ngoài các môn Toán, Ngữ văn, tiếng Anh…, môn Giáo dục thể chất cũng được các thầy cô triển khai dạy học trực tuyến ngay từ tuần học đầu tiên.

Tuy nhiên, môn học này đang nhận được sự quan tâm của nhiều phụ huynh. Năm nay là năm đầu tiên con gái chị Lưu Thảo Trang (quận Đống Đa, Hà Nội) học Giáo dục thể chất online nên cả hai mẹ con đều tò mò không biết thầy cô sẽ dạy môn học này như thế nào khi con đứng trước màn hình máy tính.

Tiết học Giáo dục thể chất đầu tiên của con chị Trang diễn ra khá vui vẻ. Thầy giáo làm quen với học sinh trong lớp, giảng cho các con về ý nghĩa, vai trò và một số lý thuyết cơ bản của môn học. Kết thúc buổi học, thầy gửi cho học sinh một đoạn video quay các động tác vận động nhẹ nhàng của thầy để các con tự tập luyện theo tại nhà.

Chị Trang cho biết: “Dù quen với việc học trực tuyến nhưng với môn học vận động thì hình thức học tập này khá mới mẻ. Tôi băn khoăn không hiểu tính hiệu quả của môn học tới đâu?”.

Học sinh làm quen với giáo viên bộ môn qua phòng học trực tuyến.

Nhìn nhận việc dạy học môn Giáo dục thể chất bằng hình thức online không hiệu quả bằng dạy học trực tiếp nhưng cô Hoàng Thị Vân Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội) khẳng định, việc dạy trực tuyến môn học này là rất cần thiết, nhất là trong điều kiện dịch bệnh như hiện nay.

Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, Giáo dục thể chất là môn học bắt buộc, được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12. Nội dung chủ yếu của môn học này là rèn luyện kỹ năng vận động và phát triển tố chất thể lực cho học sinh bằng những bài tập thể chất.

Cô Vân Anh cho biết, từ năm học trước, khi dịch Covid-19 bùng phát, các thầy cô của tổ bộ môn đã xây dựng những bài giảng online theo chủ đề, các bài tập dưới dạng video, sưu tầm các clip hay trên mạng để gửi cho học sinh tập luyện ở nhà.

Hạn chế lớn nhất của việc dạy thể dục online là học sinh không có không gian để vận động.

“Ban đầu khi triển khai dạy thể dục online có những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, không vì khó khăn mà nhà trường bỏ dạy môn học này. Trong bối cảnh dịch bệnh, tập luyện thể dục, thể thao sẽ giúp học sinh tăng cường sức khoẻ, phòng chống dịch Covid-19; đồng thời giảm căng thẳng sau mỗi giờ học online”, cô Vân Anh phân tích.

Thầy cô là người “truyền lửa”

Để tạo hứng thú cho học trò với môn học, giờ học đầu tiên, cô Nguyễn Thị Khuyên, giáo viên dạy môn Giáo dục thể chất cho học sinh khối 6, 7, Trường THCS Nhật Tân dành nhiều thời gian để động viên học sinh tăng cường tập luyện thể dục thể thao trong điều kiện dịch bệnh.

Cô Khuyên cũng tự dựng một video với các động tác vận động phù hợp khi học sinh tập luyện ở trong không gian hẹp như trong phòng ngủ hay sân thượng. Thông qua video, học sinh có thể tập luyện cùng giáo viên bất cứ thời gian nào trong ngày chứ không bó hẹp trong phạm vị một tiết học online.

“Kinh nghiệm dạy môn học này bằng hình thức trực tuyến từ năm học trước, chúng tôi tạo một sân chơi có thưởng cho học sinh với thử thách là bài tập plank- động tác nằm sấp, chống hai khuỷu tay vuông góc ngay dưới vai. Các con rất hào hứng luyện tập để chinh phục thử thách khi dịch bệnh thuyên giảm, học sinh được đến trường trở lại”, cô Khuyên chia sẻ.

Hơn 30 năm dạy gắn bó với môn học, thầy Nguyễn Mạnh Hà, Tổ trưởng Tổ bộ môn Giáo dục thể chất, Trường THCS Thành Công (quận Ba Đình, Hà Nội) nhìn nhận, với môn học đặc thù, muốn tạo sức hút cho học sinh thì thầy cô phải là người “truyền lửa”.

Năm học 2021-2022 là năm học đầu tiên học sinh lớp 2, lớp 6 học theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Đây cũng là năm đầu tiên, học sinh có sách giáo khoa thể dục cho bộ môn này. Thầy Hà cho rằng, việc có sách giáo khoa thể dục là rất cần thiết khi đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, lấy học sinh làm trung tâm.

Học sinh vận động những động tác nhẹ nhàng khi học thể dục online.

Thay vì dạy thể dục ở sân trường theo cách dạy truyền thống thì năm nay, các thầy cô phải xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học bằng hình thức trực tuyến. Để tăng tính hiệu quả của môn học, thầy Hà cùng các thầy cô tổ bộ môn xây dựng kế hoạch dạy học theo nhóm.

Với mỗi giờ học, thầy cô hướng dẫn học sinh tham khảo trước nội dung trong sách giáo khoa. Thầy cô cũng thiết kế, sưu tầm những bài vận động hay, phù hợp với không gian tại nhà gửi lên phòng học trực tuyến theo nhóm lớp để học sinh tự tập luyện. Sau đó, thầy và trò cũng nhau chỉnh sửa động tác vào các giờ học tiếp theo.

Đối với những bài học cần vận động nặng trong không gian rộng như chạy, nhảy, học sinh sẽ được học khi được trở lại trường học trực tiếp.

Thầy Hà chia sẻ: “Hạn chế lớn nhất của việc dạy thể dục online là học sinh không có không gian để vận động. Dù kết quả không được như mong đợi nhưng tôi hi vọng thầy và trò cũng nhau cố gắng vượt qua trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay”.

Nguyễn Hoài