Thẻ thông hành ‘xanh’
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh vừa có tờ trình gửi lãnh đạo địa phương này đề nghị ban hành kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 sau 15/9. Trong đó có nội dung đưa phương án giãn cách xã hội gắn liền với “thẻ xanh Covid-19”. Nói một cách dễ hiểu, người dân có thể sử dụng “thẻ xanh” để tham gia lao động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt xã hội.
Việc Sở Y tế tham mưu cho UBND TP Hồ Chí Minh thực hiện “thẻ xanh Covid-19” là một bước trong lộ trình nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, để phục hồi sản xuất, cung ứng dịch vụ thiết yếu, lưu thông hàng hóa. Cơ sở khoa học để Sở Y tế đưa ra tham mưu trên là người đã tiêm đủ hai mũi vaccine phòng Covid-19 và đủ thời gian tạo kháng thể (trên 15 ngày) sẽ tương đối an toàn, khó nhiễm bệnh, nguy cơ lây lan trong cộng đồng không cao.
Cùng chung ý tưởng, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 trong giai đoạn bình thường mới, để phục hồi sản xuất, kinh doanh, vực dậy nền kinh tế. Nội dung chủ đạo của kế hoạch phòng, chống Covid-19 là ban hành giấy thông hành vaccine điện tử.
Để hiện thực hóa ý tưởng trên, UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu Sở Thông tin - Truyền thông cập nhật thông tin tiêm chủng quốc gia, theo dõi người đã có chứng nhận tiêm phòng Covid-19 trong tỉnh và cả địa phương khác. Đồng thời, phối hợp với các ban, ngành liên quan chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để ban hành giấy thông hành vaccine điện tử cho những người đủ tiêu chuẩn (tiêm hai mũi) thay cho giấy đi dường, giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính...
Liên quan đến “thẻ thông hành xanh”, hơi khác với TP Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành quyết định táo bạo hơn. Cụ thể, lãnh đạo tỉnh đã có văn bản gửi tới sở, ngành, huyện, thị... về việc khôi phục các hoạt động kinh tế, xã hội ở trạng thái bình thường mới, đảm bảo không đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa.
Điều khác biệt trong chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Dương so với TP Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai chính là người tiêm một mũi vaccine phòng Covid-19 qua 14 ngày cũng có thể ra ngoài để làm việc. Tất nhiên, quyết định của UBND tỉnh Bình Dương sẽ có nguy cơ rủi ro cao hơn rất nhiều so với TP Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai, bởi người mới tiêm một mũi vaccine, dù qua thời gian tạo miễn dịch 14 ngày vẫn có khả năng nhiễm bệnh rất cao.
Song, dù còn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 đối với những đối tượng mới chỉ tiêm một mũi vaccine, thì quyết định của UBND tỉnh Bình Dương cũng nhận được sự ủng hộ của đại bộ phận người dân nơi đây. Để phục hồi nền kinh tế, không có cách nào khác hơn là phải chấp nhận một phần rủi ro. Ngay cả những người đã được tiêm đủ hai mũi vaccine cũng không phải đã đạt miễn dịch 100%, mà vẫn có thể bị lây nhiễm Covid-19.
Vì thế, để nối lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung ứng hàng hóa, giảm bớt gánh nặng khó khăn cho người dân, dù cách làm khác nhau, nhưng các tỉnh đều đang phải chấp nhận một phần rủi ro, nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, trong đó có giải pháp thực hiện “thẻ thông hành xanh” cho những người đã đủ điều kiện tương đối về miễn dịch.
Không chỉ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các chuyên gia y tế trong nước và quốc tế, mà tất cả chúng ta đều hiểu rằng, sẽ không thể một sớm một chiều mà triệt tiêu, xóa hẳn đại dịch Covid-19 ra khỏi đời sống xã hội. Chúng ta phải biết chấp nhận và sống chung với nó trong điều kiện bình thường mới, với những biện pháp phòng ngừa tối đa để giảm lây nhiễm.
Khi đã chấp nhận “sống chung với lũ”, buộc các địa phương phải có các giải pháp cần thiết để phòng, chống đại dịch Covid-19 một cách hiệu quả, vừa tránh để bùng phát trên diện rộng mà vẫn đảm bảo các hoạt động sản xuất, kinh doanh để phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Một trong những giải pháp thiết thực chính là “thẻ thông hành xanh”!