Phim tài liệu ‘Ranh giới’: Cuộc chiến chống Covid-19 chân thực, đầy ám ảnh
Bộ phim VTV Đặc biệt mang tên “Ranh giới” của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư phát vừa phát sóng đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Những thước phim cận cảnh, chân thực về hình ảnh đội ngũ y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch giành giật sự sống cho những phụ nữ mang thai nhiễm Covid-19.
Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn Tạ Quỳnh Tư - tác giả kịch bản của phim tài liệu này.
PV:Thưa ông, ngay sau khi phim tài liệu “Ranh giới” phát trên VTV1 tối 8/9 đã tạo hiệu ứng dư luận, thu hút được nhiều người quan tâm, cảm xúc của ông như thế nào?
Đạo diễn Tạ Quỳnh Tư: Khi chúng tôi nhận được nhiệm vụ của nhà đài giao tham gia công tác tuyên truyền chống dịch ở TP HCM thì tự phải lựa chọn và ý thức được mức độ tuyên truyền. Đặc biệt là trong thời điểm đỉnh cao của dịch Covid. Chính vì thế tôi muốn lựa chọn đề tài sao cho bộ phim truyền tải được đến người xem tốt nhất.
Qua đấy, người xem có thể nhìn nhận được sự khốc liệt, sự tàn phá ghê gớm của dịch bệnh Covid-19 như thế nào, hiểu biết sâu hơn về dịch bệnh để từ đấy bảo vệ bản thân mình, bảo vệ cho người thân của mình. Từ đó xã hội, cộng đồng, đất nước sẽ giảm tải được số ca bệnh lây lan.
Mặt khác sẽ nhìn thấy sự khắc nghiệt của cuộc chiến chống Covid này. Nhưng điều đó không làm nhụt chí tinh thần chống dịch của người dân Việt, đặc biệt là đội ngũ y tế bác sĩ của Bệnh viện Hùng Vương nói riêng và đội ngũ y tế, bác sĩ tất cả mọi nơi hướng về vùng có dịch. Những yếu tố đấy tôi nghĩ là người xem cảm nhận được, từ đấy có sự lan tỏa bởi ở đó có sự thật, những giây phút đắng lòng, phũ phàng khi nói về sự khắc nghiệt của Covid-19.
Ông có thể cho biết ý nghĩa của tiêu đề bộ phim “Ranh giới”?
Cái tên “Ranh giới” có rất nhiều lớp nghĩa. Lớp nghĩa của nghĩa bóng và nghĩa đen. Chúng ta có thể nhìn thấy ranh giới giữa khu K1 với bên ngoài, ranh giới giữa người thân đang nằm trong khu K1 với người thân ở nhà qua những cuộc điện thoại gấp gáp, vội vàng.
Rồi cả những cuộc điện thoại xin người, xin vật tư y tế hỗ trợ cho K1 mỗi lần có ca cấp cứu. Rồi cả ranh giới giữa bác sĩ và bệnh nhân, là bác sĩ mặc những bộ đồ bảo hộ với bệnh nhân không có đồ bảo hộ có thể nhìn thấy rất rõ.
Nhưng đằng sau cái ranh giới ấy có ngăn cách không? Thì câu chuyện bắt đầu từ những sự gần gũi động viên của bác sĩ với bệnh nhân, từ những giây phút căng thẳng bác sĩ nhấn tim cứu bệnh nhân. Chúng ta có thể thấy ranh giới không có sự ngăn cách.
Ở đó các bác sĩ đã quên đi sự lây nhiễm rất hiểm nguy như thế, quyết tâm trong những giây phút, lằn ranh sinh tử, giành giật lại sự sống cho bệnh nhân. Và cao hơn cả, sau mỗi lần thất vọng, đối mặt nhìn ranh giới sống chết mong manh thì người ta nhìn lại, nghĩ lại rằng cần phải sống tử tế và mạnh mẽ hơn để bước tiếp, để tiếp tục hành trình cứu chữa bệnh nhân mắc Covid-19.
Để hoàn thành được bộ phim này, chắc hẳn phải rất vất vả, thưa ông?
Khó khăn chính là lần đầu tiên chúng tôi trải nghiệm trong một môi trường rất là khắc nghiệt, khi vào một khu đòi hỏi phải mặc bảo hộ và dễ bị lây nhiễm. Chúng tôi vừa phải làm sao giữ được an toàn, vừa phải hoàn thành công việc của mình để đáp ứng được công tác tuyên truyền mà đài truyền hình quốc gia đang phải thực hiện. Đó là sứ mệnh tuyên truyền chung cho cuộc chiến chống Covid-19.
Khó khăn hơn cả là phải đối mặt chứng kiến hàng ngày những người phụ nữ mang thai thèm thở, muốn thở mà không thở được, người ta ho những tiếng ho mà trong bụng người ta đang mang một sinh linh bé nhỏ.
Bên cạnh đó là việc liên tục phải đối mặt giữa cảm xúc và lý trí vào nhiều thời điểm khi mình cũng không thể quay tiếp. Những giọt nước mắt mình cũng chảy. Mình sợ hãi không phải bởi vì sợ lây nhiễm mà nhìn những bệnh nhân khó thở mình thương và gai người lên vì thấy sao dịch Covid nó kinh khủng khiếp thế.
Phim không sử dụng lời bình mà là trực tiếp những lời thoại của các bác sĩ, các nhân viên và bệnh nhân bên trong bệnh viện. Ông có thể cho biết về giá trị khi lựa chọn cách thức truyền tải này?
Từ trước đến nay tôi đều làm phim theo phương pháp hiện thực, theo hơi thở cuộc sống nó đang diễn ra nên không dùng lời bình bao giờ. Tôi muốn bộ phim có một sức mạnh mà không có sự can thiệp hoặc mang tính chủ quan của đạo diễn vào. Chính vì thế tôi cố gắng chắt lọc những gì đắt nhất tinh túy nhất đang diễn ra, sắp diễn ra để đón định đưa vào trong phim.
Và tôi nghĩ sức mạnh của dòng phim hiện thực này sẽ gửi tới người xem sự chân thực. Chính những sự chân thực đấy, những âm thanh hiện trường đấy, và những hình ảnh sẽ đưa đến cho người xem những cảm xúc, những sự nhìn nhận khác nhau. Từ đây người ta có cảm nhận chung về tổng thể của bộ phim.
Trong quá trình thực hiện bộ phim, có khoảnh khắc nào khiến ông không thể quên?
Trong quá trình tác nghiệp thì những nhân vật chúng tôi ghi hình, những y bác sĩ chúng tôi quay để lại rất nhiều kỷ niệm. Chúng tôi cuốn theo chân của nhân viên y bác sĩ. Sự ám ảnh trong phim cũng khá là nhiều. Ám ảnh từ hơi thở, sự thèm được thở của bệnh nhân thai phụ, ám ảnh từ những tiếng tiếng ho...
Những cuộc điện thoại gấp gáp mà mình không biết là có những cuộc điện thoại tiếp theo không? Rồi lời nói muốn gặp con lần cuối nhưng không thể thực hiện được, nó dai dẳng đeo bám mình trong quá trình làm phim từ tiền kỳ cho đến quá trình hậu kỳ sau này.
Được biết bên cạnh bộ phim “Ranh Giới” thì bộ phim “Sau ngày con chào đời” cũng được ê kíp thực hiện, ông có thể chia sẻ thêm về bộ phim này?
Phim “Sau ngày con chào đời” là một bộ phim tươi sáng hơn bộ phim “Ranh giới”, phim cũng được quay ở trong khu K1 nhưng 50% quay ở bên ngoài, cuộc sống bên ngoài K1. Nếu như “Ranh giới” là sự gấp gáp, sự ngột ngạt, sự khó thở dẫn dắt người xem như trực tiếp chứng kiến hoàn cảnh đấy thì sang phim thứ hai nó có một sức sống mới, niềm tin hơn, vui hơn. Mọi sự có lúc chậm rãi hơn, ở đó là tiếng khóc của các em bé - là niềm vui khi đón các con chào đời sau các sự chia ly và đoàn tụ. Cuối cùng nó thể hiện tình yêu và hạnh phúc gia đình.
Trân trọng cảm ơn ông!