Tìm chỗ đứng chuyên nghiệp cho múa minh hoạ
Trong những năm gần đây, múa minh họa xuất hiện ở nhiều sân khấu, loại hình nghệ thuật khác nhau. Tuy nhiên, việc sử dụng quá tràn lan đang khiến múa minh hoạ mất đi tính chuyên nghiệp và các giá trị nghệ thuật đặc thù.
Vang thau lẫn lộn
Với sự phát triển của nghệ thuật biểu diễn, múa minh họa xuất hiện ở mọi sự kiện, loại hình nghệ thuật khác nhau từ ca nhạc, xiếc, sân khấu cho đến văn, thơ, mỹ thuật… Không thể phủ nhận, thông qua múa minh họa, phụ họa đã tôn vinh, làm sáng tỏ ý đồ nghệ thuật cho các tác phẩm ca, nhạc… khiến khán giả được thưởng thức nghệ thuật không chỉ bằng thính giác mà cả bằng thị giác…
Tuy nhiên, cũng bởi nội hàm của hai từ minh họa, phụ họa nên nhiều người có quan điểm loại hình khá dễ dãi, qua loa, ít chú tâm đến vấn đề chất lượng nghệ thuật. Thậm chí nhiều tiết mục múa minh hoạ hiện nay không quan tâm đầu tư dẫn tới tình trạng các tiết mục được biểu diễn vô tổ chức, khó kiểm soát.
Giờ đây, hiện tượng một tiết mục múa minh họa, phụ họa có thể lắp ghép với bất kỳ ca khúc, bản nhạc nào. Hay việc ca nhạc một đằng, múa một nẻo theo kiểu “mạnh ai nấy làm” ngày càng trở nên phổ cập. Hệ lụy là xuất hiện thứ “hàng hóa” theo kiểu “sản xuất” hàng loạt, theo dây truyền, đơn đặt hàng.
Nhìn nhận về thực trạng này, nhà Lý luận phê bình múa Thái Phiên cho rằng, tình trạng nhảy múa trên sân khấu ca nhạc trẻ xuất hiện tràn lan, tình trạng lạm dụng múa minh họa không chỉ riêng sân khấu quần chúng, mà ngay cả trên sân khấu chuyên nghiệp, múa không ăn nhập gì với ca khúc, bản nhạc dường như đang trở thành “mốt” không thể thiếu.
Thậm chí ngay cả các chương trình hòa nhạc, tấu nhạc hiện nay cũng đưa múa vào một cách vô lối, tràn lan dẫn đến sự lấn át các “nhân vật chính” như dàn nhạc, nghệ sĩ biểu diễn gây phản cảm, khó chịu cho công chúng thưởng thức.
Có thể thấy, dường như tác phẩm ca nhạc nào không có nhảy múa minh họa, phụ họa là người ta cảm thấy không yên tâm. Đến cả trên sân khấu ca múa nhạc chuyên nghiệp trong những kỳ liên hoan, hội diễn toàn quốc khán giả cũng khó có thể tìm ra được ca khúc hoặc bản nhạc nào trong chương trình nghệ thuật của các đơn vị tham dự mà không có múa góp phần. Từ đó, làm cho người xem cũng trở nên hoang mang tự hỏi không biết mình đang được thưởng thức loại hình nghệ thuật nào, nhạc hay múa?
Rõ ràng, múa minh họa, phụ họa không phải là một loại hình nghệ thuật chuyên nghiệp độc lập nhưng có lẽ do đòi hỏi thực tế, do xu thế thị trường nên từ nhiều năm nay múa minh họa, phụ họa đã trở thành thứ “gia vị” không thể thiếu trong các chương trình ca nhạc.
Đi tìm giá trị thực
Nhìn chung lại, việc sử dụng múa minh hoạ một cách đại trà đang là tác nhân đưa tới nghịch lý là một bộ phận lớn công chúng trẻ tuổi không mấy mặn mà với nghệ thuật múa độc lập, múa chuyên nghiệp nhưng dường như lại cảm thấy trống vắng, thiếu thốn khi một tác phẩm ca hoặc nhạc nào không có nhảy múa.
Ở đó, PGS.TS.NSND Ứng Duy Thịnh, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam nhìn nhận, hiện tượng múa minh họa đang trở thành “công cụ”, trở thành một hình thức nghệ thuật trá hình, lấp liếm đi sự chuyên nghiệp của loại hình nghệ thuật khác và vô hình trung chính múa cũng tự đánh mất đi vị thế và sự chuyên nghiệp của mình đang là vấn đề rất đáng báo động. Chính điều này khiến những nghệ sĩ múa chuyên nghiệp cảm thấy tổn thương, cảm thấy mình bỗng nhiên trở thành “đứa con” bị bỏ rơi, bị hắt hủi. Và tiếc thay, đó lại là niềm vui, là cơ hội cho những nghệ sĩ năng lực ở mức tầm trung có chút tư duy thị trường giành “đất” để mặc sức tung hoành, chạy show...
“Đó cũng là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng trong khi nghệ thuật múa chuyên nghiệp vẫn đang loay hoay, xoay sở trong cái gọi là độc lập, là “hàng thật”, “hàng xịn” thì thưa vắng khán giả quan tâm, hưởng ứng, thậm chí là quay lưng lại một cách phũ phàng. Trong khi đó thì các vũ đoàn thì cứ đua nhau “mọc lên như nấm” lại giành được đất sống và chiếm lĩnh thị phần” - ông Thịnh bày tỏ.
Nhiều người nói rằng, những sáng tác của các nhạc sĩ (các bản nhạc, bài ca) không đủ sức hấp dẫn, không khiến người nghe rung động nên người ta phải nhờ đến múa phụ trợ. Hoặc có thể ca sĩ hát chưa thật hay, chưa đủ sức cuốn hút nên phải “mượn” màu mè của múa để làm vui mắt khán giả. Rồi hiện tượng người người làm ca sĩ đã khiến sân khấu ca nhạc trở nên nhốn nháo, khó phân biệt “chính - tà” nên nhiều ca sĩ trẻ thay vì phấn đấu bằng quá trình lao động nghệ thuật nghiêm túc thì họ lại tìm cách gây sự chú ý bằng nhảy múa... Đây cũng là vấn đề gây nảy sinh nhiều cực đoan trong giới nghệ sĩ múa chuyên nghiệp.
Nói vậy không có nghĩa múa minh họa, phụ họa là “xấu xí”, “phản cảm”, là không chuyên nghiệp. Bởi không ít các nghệ sĩ - biên đạo múa minh họa, phụ họa vẫn khẳng định được vị thế và “cốt cách” riêng cho múa mà không khiến mình bị lu mờ, bỏ quên. Dẫu biết rằng múa minh họa, phụ họa có những tác dụng tích cực của riêng nó nhưng nếu chỉ vì “mốt” mà bất cứ bản nhạc, bài ca nào cũng đưa múa vào sẽ gây phản tác dụng. Người xem, người nghe sẽ không còn phân biệt nổi múa minh họa cho ca nhạc hay ca nhạc phụ họa cho múa. Tất cả đều trở thành một sự nhạt nhòa, không biết đâu là chính, đâu là phụ…
Bởi vậy, theo các chuyên gia nghiên cứu về văn hóa - nghệ thuật, cần có sự định hình lại để múa minh họa, phụ họa phát huy đúng vai trò của mình, sát cánh cùng các loại hình nghệ thuật bạn, tôn vinh được những cái hay, cái đẹp của nhau lên vẫn đang là vấn đề thời sự khiến nhiều nhà sáng tác, sáng tạo nghệ thuật múa quan tâm tìm một hướng đi…
Đã đến lúc các nghệ sĩ múa tham gia dàn dựng múa minh họa, phụ họa cần quan tâm thỏa đáng đến bản chất của nghệ thuật múa là cái đẹp, là tính thẩm mỹ. Bất luận trong hoàn cảnh nào trong loại hình nào thì thẩm mỹ phải là cái gốc, là bản chất. Ðể từ đó nghiên cứu kỹ hình tượng, tạo hình múa cho phù hợp bản chất hình tượng của bài hát. Múa góp phần làm tôn thêm giá trị bài hát và giá trị đích thực của ca sĩ.