Nhiều dự án chậm tiến độ do vướng mắc về mặt bằng

Tâm Lê 11/09/2021 07:04

Vướng mắc về đơn giá bồi thường giải phóng mặt bằng khiến hàng loạt dự án ở tỉnh Hải Dương bị chậm tiến độ, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các doanh nghiệp.

Chủ đầu tư gặp khó vì giá đền bù

Tháng 10/2015, UBND tỉnh Hải Dương có Quyết định chấp thuận đầu tư dự án xây dựng khu dân cư phía Nam đường Tôn Đức Thắng, phường Lê Thanh Nghị, TP Hải Dương do Công ty CP đầu tư Newland làm chủ đầu tư với diện tích hơn 10.000 m2, tổng mức đầu tư dự án hơn 191 tỷ đồng.

Mục tiêu của dự án là nhằm kết nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật với các khu dân cư xung quanh, khai thác triệt để quỹ đất xen kẹt trong đô thị, tạo quỹ đất ở, góp phần đáp ứng nhu cầu về nhà ở phát triển đô thị trong giai đoạn năm 2011-2020 của TP Hải Dương. Tuy nhiên, sau hơn 6 năm, dự án trên vẫn chỉ là bãi đất hoang do còn nhiều vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng.

Theo phương án triển khai dự án, chủ đầu tư sẽ lấy đất có sổ đỏ của 53 hộ dân sinh sống ven hồ Thanh Lại với diện tích 4.759 m2, bằng 45,45% tổng diện tích dự án. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều hộ dân chưa đồng ý với phương án đền bù và giải phóng mặt bằng mà chủ đầu tư đưa ra.

Đại diện một số hộ dân ở đây cho biết, tại thời điểm năm 2015, theo quyết định của UBND tỉnh Hải Dương, mỗi diện tích thu hồi, giải phóng mặt bằng phục vụ dự án Khu dân cư phía Nam được đền bù theo khung giá từ 7 - 10 triệu đồng/ m2 (bao gồm cả tài sản trên đất). Nhưng theo quan điểm của các hộ dân thì giá đền bù như vậy là quá thấp so với giá đất trên thị trường. Do vậy họ không chấp nhận bàn giao đất để thực hiện dự án.

Theo tìm hiểu của PV, trên địa bàn tỉnh Hải Dương còn có nhiều dự án đô thị khác cũng lâm vào cảnh tương tự. Qua chia sẻ của một số đại diện chủ đầu tư dự án ở tỉnh Hải Dương thì có nhiều nguyên nhân khiến việc giải phóng mặt bằng gặp khó khăn. Trong đó có nguyên nhân đa phần các dự án đều nằm tại vị trí thuận lợi, sát cạnh đường giao thông, giá giao dịch trên thị trường bất động sản có xu hướng ngày càng tăng khiến doanh nghiệp rất khó thoả thuận với người dân.

Tỉnh đồng hành với doanh nghiệp

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương, năm 2021, toàn tỉnh có 1.913 công trình, dự án được phê duyệt với tổng diện tích là 7.801 ha. Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh Hải Dương đã thực hiện được 695 công trình, dự án với diện tích đất trên 3.483 ha (đạt 44,6% kế hoạch). Công tác thu hồi đất, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất đã thực hiện theo đúng chỉ tiêu được phân bổ, đảm bảo quỹ đất trồng lúa theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Tuy nhiên, kết quả triển khai đạt thấp cả về số lượng dự án và diện tích đất.

Theo đó, một số huyện kết quả đạt rất thấp như: Bình Giang (18,6%), Thanh Miện (16,9%), Ninh Giang (20,8%)… Việc thực hiện các trình tự, thủ tục thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng ở một số địa phương còn vướng mắc, thời gian kéo dài. Nhiều dự án sản xuất kinh doanh, dự án khu đô thị, nông thôn, tiến độ triển khai còn chậm. Một số công trình hạ tầng xây dựng nông thôn mới do thiếu vốn nên giải phóng mặt bằng còn chậm, kéo dài.

Để giải quyết vấn đề trên, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương đã kiến nghị lãnh đạo tỉnh Hải Dương chỉ đạo các địa phương khẩn trương thực hiện các dự án, công trình đang dở dang; tập trung nguồn vốn thực hiện việc thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng và chuyển mục đích sử dụng đất để đảm bảo tiến độ.

Riêng đối với các dự án không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất, yêu cầu các chủ đầu tư tập trung kinh phí đẩy nhanh việc thực hiện thỏa thuận với người sử dụng đất, hoàn thành việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất (hoặc nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất) theo quy định của Luật Đất đai.

Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương sẽ tăng cường phối hợp với sở, ngành liên quan đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện các dự án, công trình đã được phê duyệt đảm bảo theo kế hoạch, phấn đấu hoàn thành các thủ tục đất đai trong năm 2021.

Tâm Lê