Cần chính sách hỗ trợ toàn diện cho trẻ bị ảnh hưởng bởi dịch
Để hỗ trợ trẻ em mồ côi cha mẹ; trẻ em có hoàn cảnh khó khăn mồ côi cha hoặc mẹ do đại dịch Covid-19, đã có nhiều chính sách hỗ trợ về vật chất được ban hành. Tuy nhiên về lâu dài cần có những chính sách hỗ trợ toàn diện bảo vệ trẻ, tránh những nguy cơ, rủi ro.
Đánh giá về những hệ lụy của dịch Covid-19 ảnh hưởng đến trẻ em, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTBXH cho biết, đợt bùng phát dịch lần thứ 4 đã cướp đi sinh mạng nhiều người, khiến hàng trăm trẻ em rơi vào cảnh mồ côi. Riêng tại TP HCM, trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 đã có gần 250 trẻ em mồ côi cha mẹ.
Theo thống kê chưa đầy đủ của các địa phương, tới hết tháng 8 vừa qua, đã có hơn 11.822 trẻ em mắc Covid-19, và hơn 27.334 trẻ em là các trường hợp tiếp xúc gần (F1). Trong đó, TP HCM có số trẻ em mắc Covid-19 nhiều nhất cả nước với 2.463 em (trong tổng số hơn 40.500 người mắc bệnh).
Dịch bệnh cũng lây lan vào 7/39 cơ sở nuôi dưỡng trẻ em trên địa bàn TP HCM, tại các cơ sở này tập trung nhiều trẻ em có sức khỏe yếu, khuyết tật, mắc bệnh nền, nên đe doạ đến tính mạng của trẻ. Nguy cơ lây lan và biến các cơ sở này thành các điểm nóng dịch bệnh rất cao.
Cũng theo ông Nam, dịch bệnh không chỉ đe doạ tới sức khoẻ, tính mạng của trẻ em, nhiều trẻ em trong các khu cách ly, phong tỏa bị tách khỏi bố mẹ, người thân… đã ảnh hưởng cả tới tâm lý, tâm thần của trẻ em.
“Cũng vì dịch bệnh, các em phải học trực tuyến, trong khi điều kiện tiếp cận của các em chưa đồng đều, nhiều trẻ em khó khăn không đủ điều kiện để sắm trang thiết bị công nghệ học tập trực tuyến, dẫn tới bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục. Bên cạnh đó, trẻ em ở nhà, trong các khu cách ly tập trung cũng đối mặt nhiều nguy cơ gia tăng xâm hại, bạo lực, tai nạn thương tích” - ông Nam cho biết.
Hiện nay để hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đã có nhiều chính sách được ban hành như: Hỗ trợ tiền ăn, hỗ trợ về vật chất trước mắt… Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy, hệ lụy mà trẻ phải gánh do ảnh hưởng bởi dịch rất lớn vì vậy ngoài giải pháp trước mắt cần có những chính sách lâu dài để hỗ trợ và bảo vệ tốt hơn cho trẻ em. Nhất là những trẻ mồ côi, những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn do dịch Covid-19.
Về chính sách hỗ trợ cho trẻ trẻ mồ côi cha mẹ, Bộ LĐTBXH cho biết, sẽ cùng cơ quan chức năng tìm người thân thích, nếu không có thì sẽ tìm các cá nhân, gia đình tự nguyện nhận chăm sóc. Trường hợp cuối cùng sẽ đưa các cháu vào trung tâm bảo trợ xã hội ở địa phương. Với những trẻ thuộc diện hộ nghèo hay cận nghèo thì sẽ có thêm các chính sách hỗ trợ thêm.
“Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó khăn, mối nguy hiểm với trẻ em kể trên sẽ còn tiếp diễn, cần thêm các giải pháp để bảo vệ, chăm sóc trẻ em tốt hơn. Trong đó các chính sách không chỉ dừng lại hỗ trợ trước mắt mà cần chính sách bảo vệ trẻ em toàn diện. Theo đó, cần sớm có giải pháp để mở cửa trở lại trường học, đặc biệt cấp tiểu học và trung học cơ sở. Bên cạnh việc dạy học cần kết hợp tư vấn, hỗ trợ về tâm lý cho trẻ, để giảm tác động tiêu cực” - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà cho biết.