Có nên mở cửa trường học ở những 'vùng xanh'?
Một số địa phương như TP Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh, Bắc Giang… đang lên phương án mở cửa lại trường học cho học sinh ở vùng an toàn được đến trường.
Việc quay trở lại trường học là một động thái quan trọng, được nhiều học sinh, phụ huynh và đội ngũ giáo viên mong chờ. Song, mở cửa lại trường học sẽ được thực hiện như thế nào, có an toàn cho học sinh hay không trong khi dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp là câu hỏi được đặt ra.
Mở cửa trường học theo tiêu chí nào?
Để mở cửa trở lại các ngành hoạt động, phục hồi kinh tế, Sở GDĐT TP Hồ Chí Minh nhận định cần tính toán cho học sinh quay lại trường.
Vì vậy, Sở đã có tờ trình gửi Thường trực UBND thành phố về phương án mở cửa trường học trở lại tại các địa phương xác định an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
Theo đề xuất của Sở, các yếu tố để xác định việc mở cửa trường học, trong đó địa phương (bao gồm TP Thủ Đức và các quận, huyện) phải được xác định là an toàn theo bộ tiêu chí an toàn phòng chống dịch Covid-19 trong trường học.
Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên phải được tiêm đủ 2 mũi vaccine trước ngày đến trường ít nhất 2 tuần. Các trường chỉ tổ chức dạy và học cho những học sinh trong địa phương và trên tinh thần tự nguyện.
Cùng với đó, vẫn tiếp tục tổ chức tốt dạy và học trên môi trường internet, qua truyền hình… để đáp ứng yêu cầu của những học sinh không thể học trực tiếp cũng như bổ trợ, song hành cùng học trực tiếp trên lớp.
Đề xuất nêu rõ các phương án tổ chức cho học sinh trở lại trường học đối cụ thể theo từng cấp học, từ mầm non, phổ thông đến khối ngoài công lập.
Không riêng TP Hồ Chí Minh, một số địa phương “vùng xanh” cũng đang tính toán phương án cho học sinh trở lại trường để các địa phương sớm ổn định.
Sở GDĐT Hà Tĩnh vừa có văn bản gửi UBND tỉnh tham mưu phương án tổ chức dạy học trong tình hình mới.
Theo phương án của Sở, đối với cấp tiểu học, học trực tiếp tại trường 3 buổi/tuần. Mỗi lớp học trực tiếp không quá 20 học sinh. Ngoài ra, tự học tại nhà theo hướng dẫn của giáo viên 2 buổi/tuần.
Đối với cấp THCS và THPT, học trực tiếp tại trường 3 buổi/tuần. Mỗi lớp cũng không quá 20 học sinh. Với hai cấp học này sẽ học trực tuyến hoặc các hình thức khác tại nhà mỗi tuần 3 buổi. Thời gian thực hiện từ ngày 13/9 cho đến khi có thông báo mới.
UBND TP Bắc Giang (tinh Bắc Giang) cũng vừa có văn bản hỏa tốc về việc điều chỉnh phương án dạy và học từ 13/9.
Theo đó, các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Bắc Giang trở lại hoạt động dạy và học bình thường trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19 từ 13/9.
Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trở lại cơ sở giáo dục dạy học phải có kết quả xét nghiệm RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 và phải được thực hiện trong vòng 3 ngày trước ngày đi dạy học đầu tiên.
Ngoài ra, phải thực hiện quét mã QR - Bluezone mỗi ngày 2 lần tại cơ sở giáo dục.
UBND TP Bắc Giang giao Phòng GD&ĐT thành phố chỉ đạo các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn triển khai các hoạt động dạy và học bình thường. Đồng thời, thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch Covid-19.
Không rập khuôn, bắt chước
Việc quay trở lại trường học được nhiều học sinh, phụ huynh và đội ngũ giáo viên mong chờ. Song, mở cửa lại trường học có an toàn cho học sinh hay không trong khi dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp là câu hỏi được đặt ra.
Ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Quảng Nam cho rằng, khi mở cửa lại trường học phải tính toán kỹ lưỡng các phương án để làm sao bảo đảm an toàn tuyệt đối cho giáo viên và học sinh.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, hơn 90% học sinh được đến trường học trực tiếp sau lễ khai giảng năm học mới. Riêng một vài xã “vùng đỏ” của huyện Đại Lộc, học sinh học theo hình thức trực tuyến. Theo kế hoạch của UBND huyện Đại Lộc, việc tổ chức dạy học trực tuyến kéo dài đến 14/9.
Chia sẻ kinh nghiệm tổ chức dạy học của tỉnh Quảng Nam, ông Quốc cho biết, tỉnh đã ban hành phương án vừa phòng, chống dịch vừa tổ chức dạy học rất chi tiết, cụ thể đối với các địa phương không thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Nhiều kịch bản được tính toán, đặt ra. Trong đó, địa phương giao trách nhiệm cho hiệu trưởng các cơ sở giáo dục tổ chức dạy học bảo đảm phòng, chống dịch, lớp học này cách ly với lớp học khác, điều chỉnh giờ tan học đến trường tránh tình trạng tập trung đông người.
Ông Quốc nhận định: “Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, địa phương phải song hành nhiệm vụ kép: quyết liệt, nghiêm túc trong công tác phòng, chống dịch, đồng thời xây dựng các phương án tổ chức dạy và học trong trạng thái bình thường mới”.
Phấn đấu đưa về trạng thái bình thường mới, theo TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội) trước mắt phải hiểu rõ khái niệm bình thường mới.
Bình thường mới đòi hỏi cộng đồng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị, các cơ quan đoàn thể phải rất năng động, linh hoạt, quen dần và có khả năng chống chịu và thích ứng, trong đó có trường học.
Vì vậy, TS Nguyễn Viết Chức cho rằng, việc mở cửa lại trường học trong trạng thái bình thường mới phải căn cứ vào tình hình thực tế của từng địa phương.
Những địa phương “vùng xanh”, vùng an toàn có thể tựu trường nhưng không thể tựu trường như khi không có dịch mà phải có phương án, kịch bản cụ thể, ứng phó linh hoạt với diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Mục tiêu cao nhất là vừa không để dịch bệnh bùng phát, vừa bảo đảm chất lượng dạy và học
TS Nguyễn Viết Chức nhìn nhận, đây là bài toán khó đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao của mỗi địa phương, mỗi trường học. Người đứng đầu phải đi sâu, đi sát tình hình thực tế, linh hoạt chủ động, sáng tạo trong cách làm chứ không chung chung, không rập khuôn, bắt chước với các địa phương, trường học khác.
Trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, để việc học không bị đình trệ, đội ngũ giáo viên phải làm việc gấp 2, gấp 3 lần so với bình thường. TS Nguyễn Viết Chức cho rằng, các cấp, các ngành nên quan tâm, dành sự ưu tiên cho đội ngũ nhà giáo cả về vật chất lẫn tinh thần.
Ngược lại, đội ngũ giáo viên nên nâng cao tinh thần trách nhiệm, phẩm chất của người giáo viên để bảo đảm sự nghiệp giáo dục.
Xây dựng phương án cụ thể tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho học sinh
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về việc đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch Covid-19.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế hướng dẫn biện pháp phòng, chống dịch cho học sinh, sinh viên và bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh trong nhà trường; xây dựng phương án cụ thể về việc tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho học sinh tiểu học, THCS, THPT, giáo dục nghề nghiệp (đối tượng dưới 18 tuổi).
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ GDĐT nghiên cứu chính sách hỗ trợ giáo viên và học sinh một cách phù hợp trong một số trường hợp đặc thù; có chính sách hỗ trợ các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông bổ sung dinh dưỡng bữa ăn bán trú để phát triển thể chất tốt hơn cho trẻ em, học sinh.