Còn mây trắng bay...

trang thanh 11/09/2021 14:00

Độ này tiết thu đã điểm, trời xanh trong mây trắng cao ngần, nhưng trong vẻ đẹp ấy dường cũng ẩn chứa những bất thường mưa nắng của mùa ngâu tháng Bảy, nên chiều chiều thường có sấm động mưa giông.

Ảnh: Ngọc Minh.

Ấy là mỗi chiều mùa thu như độ thu nay, khi đứa cháu họ thả xong chiếc diều sáo do chính tay cha tôi làm và tiếng sáo đầu tiên rót xuống xôn xao cả một dải làng quê thanh bình yên ả, cha tôi ngồi bó gối bên hiên nhà, buồn buồn nhìn theo cánh diều chao liệng mà chậm rãi ngâm: “Giời không chớp bể chẳng mưa nguồn/ Đêm nảo đêm nao tớ cũng buồn”.

Mấy câu thơ ảo não đến nẫu cả ruột, nhưng run rủi thay, cha tôi đã ngâm lên nhiều đến mức, tôi thuộc lòng từ khi còn bé tí, và khi tôi biết chữ, nó trở thành những câu thơ dẫn dắt tôi đến cuốn sách đầu tiên trong đời mình: Cuốn “Thơ Trần Tế Xương”, do Ty Văn hóa Nam Hà xuất bản năm 1970.

Tú Xương sinh ngày 5 tháng 9 năm 1870 ở làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định (sau này đổi thành phố Hàng Nâu, mà nhà ông Tú ở là số nhà 247). Gia cảnh bần hàn, nhà 247 từng bị cháy một lần rồi bị gán nợ: “Nhà cửa giao canh nợ phải bồi”, nhà ông Tú chuyển đến số 280 cùng phố, sau này Nam Định đã xếp hạng là di tích lưu niệm Tú Xương.

Nhà tôi ở ven ngoại thành Nam Định, thuộc huyện Mỹ Lộc, chỉ cách nhà ông Tú chừng ba cây số. Hồi tôi còn nhỏ vẫn theo cha mẹ đi bộ, ra khỏi làng, đi hết đường chéo một cánh đồng, là đã đến Khu Tám, đi hơn cây số nữa là đến phố Hàng Nâu. Sau này, các phố Hàng Bát, Hàng Mâm, Hàng Song, Hàng Nâu tiếp nối nhau, được đổi tên thành phố Minh Khai, nhưng cha con tôi vẫn thích gọi cái tên thân thuộc: Hàng Nâu. Cha tôi không giải thích bao giờ, nhưng tôi luôn cảm thấy cái tên Hàng Nâu nó gợi nhớ về những điều gần gũi với đời sống thị dân ngày đó.

Ở phố Hàng Nâu ấy, gia đình bà cô ruột và người chị em họ hàng của cha tôi làm nghề thợ nhuộm. Ông nội tôi, trước khi an lão ở làng, cũng là một công nhân thợ nhuộm. Phố Hàng Nâu nhiều gia đình vốn là công nhân nhà máy Dệt từ thời Pháp còn chiếm đóng, đã đưa việc nhuộm vải về nhà để làm thêm. Ngày ngày, họ “nấu” vải trong những chiếc thùng phuy lớn trong nhiều giờ, cho vải ngấm thứ “thuốc nhuộm” mà có lẽ thành phần được làm từ củ nâu, rồi đem vải ra phơi nắng. Vải được chăng phơi ngay dọc phố, hay bất cứ chỗ khoảng đất trống nào có thể chăng được. Phố ngày đó không chật chội đông đúc như bây giờ. Sau lưng phố vốn xa xưa là con sông Vị Hoàng, theo sử sách thì được đào từ đời Trần, chảy quanh phủ Thiên Trường, đến khoảng cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 thì bị lấp dần. Nhà thơ họ Tú đã viết bài thơ “Sông Lấp” để nói về sự biến mất của con sông ấy: “Sông kia rày đã nên đồng/ Chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai”. Dấu tích của con sông Lấp cho đến ngày tôi là cô bé con thỉnh thoảng được đi bộ từ nhà quê vào phố ấy, là những khoảnh đất hoang mọc đầy cỏ và khoai dại chen giữa những ngôi nhà rải rác lúp xúp, mà nhà bác họ tôi và nhiều nhà trong phố Hàng Nâu thường mang vải ra đó căng phơi. Cả con phố Hàng Nâu nhỏ xinh ngày ấy lúc nào cũng thơm thơm nồng nồng mùi thuốc nhuộm vải. Một năm ba bốn bận được theo cha vào phố Hàng Nâu, cha sẽ cho tôi ăn một bữa bánh cuốn làng Kênh bóng ngậy mỡ hành với chả chiên ở đầu phố. Rồi dắt tôi đi qua số nhà 280, cha chỉ: “Nhà thơ Tú Xương ở đây này”. Và giọng cha lại trầm ngâm: “Người đi Tam Đảo Ngũ Hồ/ Kẻ về khóc trúc than ngô một mình/ Non non nước nước tình tình/ Vì ai ngơ ngẩn cho mình ngẩn ngơ…” (Áo bông che bạn).

Nhà tôi hồi đó, ngoài cuốn “Thơ Trần Tế Xương” thì có “Thơ Nôm Nguyễn Trãi”, “Thơ chữ Hán Nguyễn Du”, “Truyện Kiều”, “Thơ Nguyễn Khuyến”, mấy bộ “Tam quốc”, “Đông Chu liệt quốc”, “Thuỷ hử”, “Kim Bình Mai”, tức là toàn sách của ông nội và bố tôi đọc, không có sách gì cho trẻ con. Hàng ngày, mỗi lần ngồi đan lát mây tre hay gọt sáo, làm diều, cha đều đọc hoặc ngâm thơ cho tôi nghe, rồi lại đố tôi học thuộc, nói trúng câu nào của bài nào thì cha cho đi chơi phố, thưởng kẹo lạc Sìu Châu ngon nhất thành Nam. Cho nên đến khi đi học, biết chữ, tự đọc được, tôi đã thuộc khá nhiều thơ Tú Xương do được cha tôi truyền miệng, và hóa ra, cuốn sách đầu tiên tôi đọc trong đời, chính là cuốn “Thơ Trần Tế Xương”…

Độ này tiết thu đã điểm, trời xanh trong mây trắng cao ngần, nhưng trong vẻ đẹp ấy dường cũng ẩn chứa những bất thường mưa nắng của mùa ngâu tháng Bảy, nên chiều chiều thường có sấm động mưa giông. Nơi ban công tầng cao chót vót của tòa cao ốc nhà tôi, có thể ngửi thấy cả mùi mây mỗi khi gió giông ầm ào kéo đến. Tháng Bảy xá tội vong nhân, mùa báo hiếu nghĩa là mùa thương nhớ, mùa của ký ức vọng về đánh thức trong mỗi người những yêu thương, gốc gác cội nguồn. Những ngày giãn cách còn kéo dài, đợt một lại đợt hai rồi chưa biết khi nào thì cuộc sống sẽ được trở lại với nhịp điệu xôn xao tươi mới của “ngày bình thường mới”!?

Lạ thay, vào một đêm mưa tháng Bảy, tôi lại có thể nghe được cả tiếng ếch vẳng lên từ nơi con suối nhân tạo chảy quanh khu đô thị mà chúng tôi quen gọi là “làng Times”. Có những nỗi nhớ thường khi âm ỉ ngậm ngùi, chợt bùng lên bỏng cháy bởi một duyên cớ nhỏ nhoi hay thậm chí là vu vơ nào đó. Nhưng những duyên cớ của tháng Bảy, của “chớp bể mưa nguồn”, hẳn sẽ không nhỏ nhoi và cũng chẳng phải vu vơ…

Tôi nhớ về cha, nhớ những câu thơ Tú Xương buồn não nuột, nhớ cuốn sách đầu tiên cha dẫn dắt tôi vào đọc trong đời, lại ghi chính những dòng thơ buồn da diết ấy…

Tại sao cha tôi lại buồn nhiều đến thế?! Mà cha ngâm thơ nhiều nhất chính là trong những khi gọt sáo làm diều cho lũ trẻ chúng tôi, cha buồn nhiều nhất những ngày tháng Bảy khi cha chuẩn bị giấy màu để cắt may “quần áo” làm lễ dâng ông bà tổ tiên ngày Rằm báo hiếu.

Tôi nhớ về hình ảnh lúc nào cũng gầy gò ốm yếu của cha. Là một người nông dân nhưng chưa bao giờ tôi thấy cha đi làm đồng. Cha chỉ chăm vườn, đan lát mây tre, may áo cánh cho những người mẹ làng tôi. Cha cắt và khâu tay mỗi chiếc áo cánh ngắn tứ thân, xẻ eo cao, người phụ nữ mặc vào thắt đáy lưng ong rất đẹp. Chiếc áo cha khâu sẽ là trang phục để những người mẹ làng tôi nâng niu mặc vào lễ tết, tức là diện đấy, chứ không phải chiếc áo xuề xòa mặc thường ngày đâu! Khéo tay như vậy, nên vào tháng xá tội vong nhân, cha sẽ tự tay dùng giấy màu may quần áo tượng trưng để cúng dâng tổ tiên và tôi sẽ giúp cha phết hồ, dán giấy, cũng như khi cha phất diều cho lũ trẻ chúng tôi, thì tôi sẽ giúp cha từ lúc đi lấy nhựa sung về phơi trong nắng cho se lại…

Khi tôi đọc cuốn “Đội gạo lên chùa” của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, không hiểu sao tôi cứ mường tượng ngôi chùa Sọ trong tác phẩm ấy chính là ngôi chùa Đệ Nhị ở quê tôi. Có lẽ đấy cũng lại bởi vì nỗi nhớ. Con đường khấp khểnh ven sông khi tôi theo mẹ đi bộ mỗi lần lên chùa, mang theo khi thì chiếc ấm giỏ, khi lại vài chiếc quạt nan cha làm rất đẹp, dâng biếu cụ chùa có cái tên mà tôi nghe thấy hay, thấy lạ lắm, Thích Đàn Cầu!

Bây giờ, là những ngày mà đáng như xưa là cha ngồi cắt dán những giấy màu thành trang phục cúng dâng ông bà tiên tổ, và mẹ thì cũng sửa lễ lên chùa cúng Phật. Rằm tháng Bảy, chùa nào cũng cúng chúng sinh, một nghi lễ cuối cùng mà trẻ con chờ mỏi mắt trong suốt cả một khóa lễ xá tội vong nhân, để được ào vào mâm lấy lộc. Tôi lại nhớ thêm về một ngày Tết nọ, mưa phùn rét buốt, tôi đi bộ hơn ba cây số theo cha vào phố Hàng Nâu đã rã rời và giá cóng hết chân tay, nghe cha ngâm thơ Tú Xương, thấy thê thảm lắm. Bác tôi bảo: “Tại bố cháu không có con giai nên hay buồn đấy…”. Tôi lúc ấy lại chỉ thích cái bài “Thương vợ”, ông Tú ca ngợi bà vợ tảo tần của ông mà tôi thấy mẹ của tôi có nhiều điều khá giống với bà, dẫu mẹ tôi không “quanh năm buôn bán” mà chỉ một đời đồng ruộng. Phải rồi, bây giờ thì tôi hiểu, tôi chính là đứa con gái thêm thắt út ít trong nỗ lực cuối cùng mong có lấy một mụn con giai của cha mẹ tôi. Người xưa coi việc không có con giai nối dõi tông đường cũng là đắc với tổ tiên cái tội bất hiếu! Tôi của ngày ấy làm sao có thể hiểu được cái nỗi niềm sâu xa thăm thẳm tận đáy tâm can đã khiến cha tôi luôn nặng trĩu “chớp bể mưa nguồn” đến thế! Hay cha còn ấp ủ khát vọng gì lớn lắm gửi theo tiếng sáo vi vút mỗi chiều thu vàng óng trên kia, mà cuộc đời nghiệt thay cứ bắt cha quẩn quanh nơi mảnh vườn bé nhỏ với thể tạng yếu đuối của một người phải mang trong mình nhiều bệnh trọng.

Còn tôi, đứa con gái út ít yêu dấu của cha, những ngày dịch dã bất yên này, như con chim sẻ nhỏ nhoi bị cầm chân trong chiếc lồng rào chung cư chật hẹp, chỉ có một ước muốn được tung cánh dưới bầu thu không yên ả, như những cánh diều, như mây trắng dịu êm vòng tay cha mẹ. Như thành nguyện một khao khát an lành: “Còn tiếng thở sâu trên đất này/ Còn mây trắng bay”...

trang thanh