Tìm lối vào nhạc Trịnh
Âm nhạc luôn có những cánh cửa mở ra đón người đi sau. Ca khúc của Trịnh Công Sơn cũng vậy. Chỉ có điều, thế hệ đi sau có biết cách “gõ”, để cánh cửa đó bật mở ra không mà thôi.
Âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã tạo nên tên tuổi của nhiều ca sĩ. Những giọng ca như Lệ Thu, Khánh Ly, Tuấn Ngọc, rồi sau này có thêm Hồng Nhung, tưởng như đã “đóng đinh” nhạc Trịnh, và khó ai có thể chen chân tạo dấu ấn. Thế nhưng, âm nhạc luôn có những cánh cửa mở ra đón người đi sau. Ca khúc của Trịnh Công Sơn cũng vậy. Chỉ có điều, thế hệ đi sau có biết cách “gõ”, để cánh cửa đó bật mở ra không mà thôi. Và rất mừng, trong số những ca sĩ trẻ đến với nhạc Trịnh, Hà Lê là một cái tên được nhiều người nhắc đến, gần đây.
1. Hà Lê (tên thật Lê Vĩnh Hà) sinh năm 1984, trong một gia đình không có truyền thống nghệ thuật. Hồi nhỏ, khi xem những điệu nhảy của Michael Jackson, Hà mê mẩn. Nhưng ở nhà bà và mẹ lại thích nghe nhạc Trịnh Công Sơn. Dần dần, Hà nghe theo và nhạc Trịnh cứ từ từ ngấm vào. Tuy nhiên, mọi thứ lúc ấy còn mơ hồ. Khi đi học ở Anh, Hà Lê bắt đầu học nhảy hip hop. Hà Lê đã hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc tại Anh 6 năm trước khi trở về nước vào tháng 2/2008. Anh là giám khảo một số cuộc thi tìm kiếm tài năng như: So you think you can dance (Thử thách cùng bước nhảy), RingMasterz... Từ đó, một số người bắt đầu để ý đến anh. Nhưng những điệu nhảy hip hop vẫn chưa khiến Hà Lê thỏa mãn. Chính anh cũng thấy khó lý giải. Và anh tiếp tục “tìm mình”.
Hà Lê quyết định lấn sân làm ca sĩ. Anh tự nhận, đó là một quyết định có chút “điên rồ”. Nhưng nghệ sĩ trẻ mà. Cứ thử thôi, vì “nếu không nhanh thì sẽ già mất và sẽ không bao giờ được hát nữa”. Vậy là sau một quãng thời gian tìm tòi, sau khi đã thử qua một số tác phẩm của nhạc sĩ Lam Phương và Trương Quý Hải không thành, anh bỗng “thấy mình” trong cõi nhạc Trịnh.
“Khi bước chân vào nghệ thuật, tôi nhận ra âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dù được viết đã rất lâu, và nhiều ca sĩ đã hát, đã để lại dấu ấn nhưng vẫn còn có những khoảng trống để thế hệ sau khai thác, sáng tạo. Vì vậy, tôi đã tìm hiểu và hát nhạc Trịnh theo cách của riêng mình”, Hà Lê nói.
2. “Hát nhạc Trịnh theo cách của riêng mình”. Đó là một câu nói cửa miệng, dễ phát ngôn. Vì ai khi hát nhạc Trịnh Công Sơn cũng muốn hát theo cách riêng. Ít ai thừa nhận mình bị ảnh hưởng, hay hát mà “làm hỏng” nhạc Trịnh. Nói cách khác, nhiều ca sĩ đã hát những bài hát quen thuộc của Trịnh Công Sơn bằng một lối mới, trong khi người ta quá quen với những giọng ca đã thành danh. Quen đến mức giờ thấy ai hát khác đi là “chối”, là cảm thấy như làm hỏng những nhạc phẩm mà người nhạc sĩ tài hoa đã để lại.
Thực tế, văn bản những ca khúc của Trịnh Công Sơn vẫn còn nguyên đấy. Những Khánh Ly, Lê Thu, hay Tuấn Ngọc, Hồng Nhung cũng đã hát theo cách mà mỗi ca sĩ cảm nhận. Và họ đã chọn cho mình được những bài hát “tủ”, để ghim cắm vào người nghe nhạc nhiều thế hệ.
Bây giờ, ca sĩ trẻ vẫn khai thác văn bản ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như thế, nhưng để hát khác đi, tìm cho mình một lớp công chúng mới, đó rõ ràng là điều không dễ. Thậm chí, đó còn là thách thức. Nhưng nếu không thử, thì không bao giờ tìm cho mình được lối đi riêng.
Hà Lê đã mạnh dạn bước qua “vùng an toàn”, để hát nhạc Trịnh. Nghe Hà Lê hát trong các MV như “Diễm xưa”, “Biển nhớ” với bản phối của nhạc sĩ Tùng Acoustic bắt đầu thấy có sự mới mẻ, phá cách. Đặc biệt tới MV “Mưa hồng” cùng sự xuất hiện của ca sĩ Bùi Lan Hương thì nhiều người thấy thuyết phục.
“Mưa hồng”, cũng như nhiều ca khúc khác do Trịnh Công Sơn sáng tác, là một nhạc phẩm đầy chất thơ. Hiểu được tinh thần đó, Hà Lê cùng người phối khí đã mang những thanh âm của nhạc điện tử đậm chất trẻ trung vào bài hát, pha vào trong đó một chút tiếng đàn bầu để điểm xuyết yếu tố truyền thống, giúp bài hát không bị trượt khỏi khuôn khổ của sự giao thoa truyền thống - đương đại. Đây chính là mục đích thôi thúc Hà Lê tiếp tục với dự án “Trịnh Contemporary” (tạm dịch: Đương đại hóa nhạc Trịnh): “Mang những âm thanh xưa cũ về với không gian đương đại để duy trì tình yêu nhạc Trịnh trong người trẻ hiện nay, giúp họ đi tìm lại những giá trị âm nhạc đích thực của thời kỳ trước”.
3. Tất nhiên, bất cứ sự làm mới nào cũng dễ vấp phải những ý kiến trái chiều. Hà Lê khi thực hiện đương đại hóa nhạc Trịnh cũng vậy. Trên nhiều diễn đàn, không thiếu những ý kiến gay gắt để phản đối cách hát của anh với một số tác phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Hà Lê bình tĩnh đọc hết những ý kiến chê, để nhặt ra những lời phản biện có tính xây dựng. Anh chia sẻ: “Khi bắt tay với dự án “Trịnh Contemporary” và xác định con đường làm mới nhạc Trịnh, tôi biết sẽ vấp phải những ý kiến trái chiều. Sự thực, khi tôi tung ra “Hạ trắng”, “Diễm xưa” thì có nhiều bình luận sỗ sàng trên mạng cho rằng tôi đang phá nhạc Trịnh. Tôi phải “phá” chứ. Nếu không “phá” thì sẽ không thể làm mới được những gì Trịnh Công Sơn đã để lại”.
Và anh đã lựa chọn cho mình những cộng sự có cùng chí hướng. Chọn những bài hát phù hợp với mình, để mở ra những ô cửa nhỏ. Tôi thích cách Hà Lê quan niệm khi dấn bước vào con đường làm mới nhạc Trịnh: “Tôi muốn thêm một sự lựa chọn mới cho những người yêu nhạc Trịnh Công Sơn”.
Vì tiêu chí ấy, nên dù có lúc có sự đắn đo, anh vẫn phải tiếp tục làm mới theo cách của mình để mong mở ra một con đường khác hơn, cho nhạc Trịnh. “Không có nghĩa là phá bung bét mà phải tôn trọng cái gốc, giữ được tinh thần, cái hồn của bài hát. Qua dự án “Trịnh Contemporary”, tôi muốn đem lại một âm hưởng mới mẻ, nhưng vẫn trong lành từ những lời nhạc, giai điệu mà bậc tiền bối để lại”, Hà Lê tâm niệm.
Tự thân Hà Lê, khi tìm hiểu về nhạc Trịnh, cũng nhận thấy còn nhiều khoảng trống cho thế hệ sau có thể tiếp tục sáng tạo. Thế thì, không lẽ gì lại cứ phải “đóng đinh” nhạc Trịnh, dù nhạc Trịnh đã có đời sống riêng, được định hình trong văn hóa thường thức như một chỉ dấu đặc trưng của âm nhạc Việt Nam.
Hà Lê mong muốn lan tỏa cảm hứng đương đại trong sáng tạo âm nhạc Trịnh Công Sơn ở vai trò là người kết nối nhiều nghệ sĩ khác, nhiều hình thức nghệ thuật trên cơ sở đồng cảm về tư duy, để tìm tòi thử nghiệm nhạc Trịnh Công Sơn qua những cách biểu đạt khác nhau. “Đó có thể là điện ảnh, nhạc kịch, vũ đạo, nhiếp ảnh, thời trang... Bởi tôi nhận thấy, ngay từ khi ra đời, nhạc Trịnh đã có tính đương đại. Chỉ có điều, ở thời đó, điều kiện chưa cho phép sự kết hợp giữa các loại hình để âm nhạc của Trịnh được thăng hoa theo những cách khác nhau”, Hà Lê chia sẻ.
4. Khi đi sâu tìm hiểu cuộc đời âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Hà Lê đặc biệt quan tâm tới những câu chuyện xung quanh các ca khúc của ông. Theo Hà Lê, Trịnh Công Sơn viết ca khúc từ những câu chuyện của chính ông, với những người phụ nữ quanh ông. “Với tôi, Trịnh Công Sơn không “sáng tác”, những ca khúc của Trịnh là những trang đời của ông, những trang nhật ký tâm hồn ông”, Hà Lê tâm sự.
Bởi thế, sau chừng 2 năm theo đuổi dự án “Trịnh Contemporary”, Hà Lê đã kể lại những câu chuyện của Trịnh, bằng cách riêng của anh, không chỉ qua những MV như đã kể, mà hẳn hoi trong một album đầy đặn. Album có tựa đề “Ở trọ”, gồm 7 bài hát: “Diễm xưa”, “Mưa hồng”, “Biển nhớ”, “Tuổi đá buồn”, “Nhớ mùa thu Hà Nội”, “Ở trọ” và “Huế, Sài Gòn, Hà Nội”.
Điều vui nhất với Hà Lê, đó là lời khen của những người thân trong gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh - em gái cố nhạc sĩ chia sẻ: “Hà Lê đã tới nhà chúng tôi để nói về việc làm mới nhạc Trịnh Công Sơn. Chúng tôi đã rất ngạc nhiên khi Hà Lê hát lên những ca khúc quen thuộc của anh tôi. Tôi thấy rất lạ nhưng sang trọng và vẫn giữ được tinh thần Trịnh Công Sơn. Tôi là người của thế hệ trước nhưng thực sự âm nhạc của bạn ấy đã làm tôi thích thú và gia đình tôi hoàn toàn ủng hộ việc này”. Em gái nhạc sĩ còn nói thêm: “Để tìm ra được một đường đi mới nhưng vẫn giữ được tinh thần của người nhạc sĩ, điều đó rất khó. Tôi tin anh Sơn cũng sẽ rất thích âm nhạc của Hà Lê”.
Tôi nghĩ, đó là một lời khen tặng, một sự khích lệ quan trọng cho những nỗ lực không mệt mỏi của Hà Lê cùng ê kíp của mình, trên con đường mở lối mới vào nhạc Trịnh.