Loại bỏ ‘sạn’ trong sách giáo khoa
Ngày càng được nhận ra nhiều hơn, những hạt sạn trong sách giáo khoa phổ thông liên quan đến môn học Ngữ văn, Tiếng Việt.
Bằng sự tôn trọng ngành giáo dục, đơn vị xuất bản của ngành và đội ngũ những người biên soạn sách giáo khoa, sự góp ý, phản biện trên tinh thần xây dựng từ phía xã hội là cần thiết. Mong muốn chung là khắc phục, loại bỏ đi những hạn chế, bất hợp lý, vì chất lượng dạy và học, bồi đắp vốn ngôn ngữ, phát triển thẩm mĩ văn chương cho học sinh phổ thông.
1. Thời gian qua, dư luận rất quan tâm đến việc biên soạn sách giáo khoa. Báo chí, nhiều nhà văn, nhà thơ, các thầy cô giáo dạy Tiếng Việt, Ngữ văn… theo dõi, nhận xét, bàn luận sôi nổi về một số nội dung tác phẩm văn học được đưa vào sách giáo khoa dành cho học sinh phổ thông.
Mối quan tâm thường trực, không khí bàn luận sôi nổi nhân một số sự việc, hiện tượng được báo chí phản ánh, người đọc nhận ra và đưa lên mạng xã hội, đang cho thấy những hạn chế không nhỏ trong quan điểm biên soạn và việc thực hành biên soạn sách giáo khoa. Quan điểm và cách làm đó, có nguy cơ gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc dạy và học liên quan đến lĩnh vực văn học; cũng như có thể làm suy giảm tình cảm, lòng tin trong xã hội đối với hoạt động giáo dục ở lĩnh vực văn học, tiếng Việt được giảng dạy trong nhà trường. Đó là việc chỉnh sửa tác phẩm được chọn vào sách giao khoa cũng như sự đồng thuận cho việc làm này.
Mấy năm trước, trường hợp trích đoạn bài thơ “Thương ông” của nhà thơ Tú Mỡ trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 2 bị sửa nhiều chữ, bỏ bớt câu khiến cho ngôn từ, nhịp điệu, và cả giọng điệu bài thơ bị sai lệch đi rất nhiều, thực sự đáng ngạc nhiên đến sững sờ! Thật khó tưởng tượng những người biên soạn sách lại có thể tự ý can thiệp vào văn bản tác phẩm một cách tùy tiện đến vậy. Tưởng chừng đó chỉ là cá biệt, hóa ra, gần đây, dư luận phát hiện ra thêm những trường hợp khác nữa.
Qua một số nội dung trao đi đổi lại giữa nhiều ý kiến phản đối việc làm này, với ý kiến bảo vệ cách làm trên, có thể nhận ra một thực tế đáng báo động! Đó là khi những người soạn sách cho rằng đó là một việc làm bình thường, thông thường, khó tránh khỏi trong việc biên soạn. Rằng tác phẩm được chọn có khi có những nội dung không hoặc chưa phù hợp với các em học sinh nên phải chỉnh sửa, và như vậy mới phù hợp với ý đồ biên soạn.
Cách nghĩ này, chính là một đường dẫn cho hành vi vi phạm pháp luật về bản quyền, chỉnh sửa nội dung tác phẩm để sử dụng, công bố rộng rãi khi chưa được tác giả cho phép. Người soạn sách làm nhiệm vụ biên soạn, chứ không phải là tác giả, khi muốn có sự điều chỉnh gì, phải xin ý kiến. Trong trường hợp nếu những người soạn sách thấy tác phẩm không hoặc chưa thật phù hợp thì hãy đi tìm, chọn các tác phẩm khác chứ không được cố dùng và tùy tiện sửa chữa như vậy! Cố làm, với suy nghĩ rằng để cho phù hợp lứa tuổi, đúng ý đồ biên soạn, là không tôn trọng tác giả, người dạy, người học và trái quy định pháp luật.
2. Cùng với thực trạng trên, còn có hiện tượng có những tác phẩm, đoạn trích, phần nội dung viết mới được đưa vào sách giáo khoa một cách vội vã, thiếu chọn lọc. Và khả năng là thiếu cả sự tìm hiểu, bao quát rộng rãi nhằm chắt lọc ra những tác phẩm, nội dung nổi bật, phù hợp hơn cả, hoặc đã qua sự thẩm định, góp ý từ nhiều phía.
Liên quan đến trường hợp bài thơ “Bắt nạt” của nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn lớp 6, gần đây đã có nhiều ý kiến tranh luận sôi nổi, có cả gay gắt. Không tính đến những lời qua tiếng lại nặng nề trong một bộ phận những người quan tâm, giữa một bộ phận người tranh luận với tác giả và thái độ đánh giá thấp, coi thường của tác giả đối với những người góp ý, phê phán mình, có thể thấy nhiều ý kiến người sáng tác, nghiên cứu, nhà giáo dạy văn, trong đó có không ít người cũng trực tiếp cầm bút sáng tác, không đánh giá cao bài thơ này, không đồng tình với việc chọn đưa nó vào sách giáo khoa.
Không phủ nhận cũng đã có một số ý kiến, bài phân tích đánh giá tốt về bài thơ, và hiện nay, việc bàn luận qua lại về nó vẫn đang tiếp tục. Tuy nhiên, dễ dàng nhận thấy đông đảo các ý kiến không đồng ý. Trường hợp này, rất cần có quan điểm từ phía lãnh đạo ngành giáo dục.
Ngoài ra, còn có những đoạn thơ khác được đưa vào sách cho trẻ học mà nội dung không hay. Có cả đoạn văn trích trong phần truyện đọc bổ trợ phân môn kể chuyện dành cho học sinh lớp 3, kể về một em bé định đánh nhau với bạn, về nhà tìm dao, rồi tìm kéo. Cuối đoạn trích, nguy cơ đánh lộn được giải tỏa, nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là, với học sinh lớp 3, việc đưa vào những nội dung ban đầu hung hăng, có ý định tìm hung khí như vậy, liệu đã phù hợp chưa?
3.Tránh, và nhận ra biểu hiện thiếu thẩm mĩ, thiếu đạo đức, thiếu chọn lọc như trên trong việc biên soạn sách, mong rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo có sự kiểm tra, rà soát tổng thể các nội dung liên quan đến các môn học Tiếng Việt, Ngữ văn trong sách giáo khoa hiện hành, tài liệu đã được thông qua, phê duyệt cho sử dụng. Từ đó phát hiện ra những nội dung tác phẩm đã bị cắt sửa trước khi đưa vào sách. Sau đó, hoặc phục hồi chuẩn xác các nội dung tác phẩm hoặc trích đoạn tác phẩm này, hoặc có tài liệu cập nhật, thay thế để kịp thời phục vụ việc học tập trong năm học mới 2021 - 2022 đã bắt đầu.
Ngành giáo dục cần rà soát, đánh giá lại năng lực biên soạn, phê duyệt của các nhóm biên soạn, các hội đồng thẩm định để có sự tìm kiếm, chọn lựa những thành phần phù hợp hơn, có năng lực hơn trong việc biên soạn, thẩm định sách giáo khoa.
Cần điều chỉnh về phương thức tổ chức, thực hiện công việc này theo hướng yêu cầu các nhóm biên soạn tìm kiếm, mở rộng đối tượng tác giả, tác phẩm chọn lựa; lao động kỹ lưỡng, cẩn trọng hơn trong việc chọn lọc, trích dẫn tác phẩm. Tinh thần chung là tránh để lọt những nội dung chưa hay, tầm tầm, nhàng nhàng; tránh việc tập trung phục vụ những ý đồ biên soạn mà bỏ qua hoặc làm suy giảm các giá trị thẩm mĩ, nghệ thuật của tác phẩm.
Công cuộc biên soạn sách giáo khoa cần có sự mời gọi, đón nhận sự tham gia đóng góp, xây dựng, góp ý từ những người cầm bút là các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu uy tín, các thầy cô giáo dạy Tiếng Việt, Ngữ văn ở cấp phổ thông và khoa Văn học ở bậc đại học. Đặc biệt là rất nên có các chuyên gia về tâm lý, giáo dục trẻ em để có những tư vấn cần thiết liên quan đến đối tượng, lứa tuổi tiếp nhận đối với các nội dung được đưa vào sách giáo khoa.
Các dự thảo, bản thảo sách giáo khoa cần được công bố rộng rãi để tranh thủ ý kiến góp ý, phản biện từ xã hội. Đặc biệt, cần tuân thủ quy định pháp luật về bản quyền trong việc xin phép, xin ý kiến đối với các tác giả, những người có quyền sở hữu đối với tác phẩm được chọn.