Đừng để mất cơ hội tiêm vaccine
Lộ trình tiêm vaccine phòng Covid-19 đang được Chính phủ đẩy mạnh với mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng trong năm nay hoặc đầu năm 2022.
Tuy nhiên, trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến ngày càng nghiêm trọng tại một số địa phương, vaccine khan hiếm, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khuyến cáo, người dân đừng kén chọn mà để lỡ mất cơ hội phòng bệnh, vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất.
Lưu ý việc kết hợp vaccine
Bộ Y tế vừa có hướng dẫn việc kết hợp vaccine AstraZeneca, Pfizer và Moderna. Theo đó Bộ Y tế cho biết, để thực hiện “Chiến lược vaccine phòng Covid-19”, đến nay Việt Nam đã tiếp nhận nhiều loại vaccine được sản xuất theo các công nghệ khác nhau như công nghệ vector (do Astra Zeneca sản xuất, hoặc Sputnik V), công nghệ mRNA (do Pfizer, Moderna sản xuất), công nghệ bất hoạt (vaccine do Sinopharm sản xuất). Đồng thời hiện nay các nhà sản xuất cũng đang nghiên cứu phát triển một số loại vaccine bằng những công nghệ khác nhau.
Thời gian vừa qua, do tình hình khan hiếm vaccine nói chung nên nhiều quốc gia đã nghiên cứu và sử dụng các liệu trình tiêm kết hợp 2 loại vaccine cùng công nghệ hoặc khác công nghệ sản xuất, căn cứ theo loại vaccine sẵn có tại từng thời điểm, như tiêm vaccine véc tơ virus với vaccine mRNA, hoặc tiêm 2 loại vaccine mRNA của các nhà sản xuất khác nhau...
Xuất phát từ tình hình thực tế, nhu cầu sử dụng vaccine nhằm mục đích tăng độ bao phủ, tiêm sớm và đúng lịch để phòng chống dịch, ngày 8/9/2021 Hội đồng tư vấn chuyên môn vể sử dụng vaccine của Bộ Y tế đã họp và đưa ra khuyến cáo: trong trường hợp bất khả kháng khi nguồn cung vaccine Covid-19 mũi 1 đã tiêm không đủ để tiêm mũi 2 thì có thể sử dụng vaccine khác để tiêm mũi 2 như sau:
Nếu tiêm mũi 1 vaccine do AstraZeneca sản xuất thì có thể tiêm mũi 2 bằng vaccine do Pfizer hoặc Moderna sản xuất. Nếu tiêm mũi 1 vaccine do Moderna sản xuất thì có thể tiêm mũi 2 bằng vaccine do Pfizer sản xuất và ngược lại. Theo các chuyên gia khuyến cáo, dù đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, người dân vẫn có nguy cơ mắc bệnh, vì vậy, người dân cần tuân thủ thực hiện nghiêm hướng dẫn 5K ngay cả khi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine.
Lợi ích khi tiêm vaccine cho thai phụ
Theo TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho các thai phụ là rất cần thiết. Thai phụ có nhu cầu oxy nhiều hơn bình thường. Khi mắc Covid-19, phổi bị tổn thương dễ gây khó thở và suy hô hấp nhanh, nếu không can thiệp kịp thời sẽ nguy hiểm tính mạng cho mẹ và thai nhi.
Tiêm vaccine Covid-19 giúp thai phụ giảm nguy cơ bị nhiễm bệnh; nguy cơ lây nhiễm cho người khác (do virus khi vào cơ thể sẽ được dung hòa và giảm bớt nồng độ lây nhiễm); nguy cơ chuyển từ mức độ nhẹ, trung bình sang mức độ nặng, nguy kịch. Đồng thời, khi phụ nữ mang thai được tiêm ngừa, cơ thể sẽ tạo ra kháng thể chống lại virus, kháng thể đó sẽ đi qua máu cuống rốn và đi tới em bé. Khi em bé được sinh ra cũng sẽ được hưởng kháng thể đó từ mẹ. Nếu mẹ cho con bú, bé sẽ tiếp tục được hưởng thêm kháng thể thông qua sữa mẹ.
Về vấn đề này, TS.BS Lê Quang Thanh, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ chia sẻ, nhiều nghiên cứu cho thấy những thai phụ mắc Covid-19 có nguy cơ nhiễm trùng cao gấp 5 lần, nguy cơ suy hô hấp rất cao, nguy cơ phải vào hồi sức tích cực cao gấp 4 lần, tỷ lệ tử vong cao gấp 22 lần những thai phụ không mắc Covid -19. Thai kỳ được xem là yếu tố nguy cơ độc lập, thậm chí được xem là một dạng bệnh lý nền khi mắc Covid -19, vì thế rất nguy hiểm.
Vì thế, BS Lê Quang Thanh nhấn mạnh, tiêm vaccine phòng Covid -19 còn có lợi ích rất lớn trong trường hợp: nếu thai phụ bị nhiễm virus, khả năng bị biến chứng nghiêm trọng nặng hoặc tử vong hầu như không có. Các nghiên cứu hiện nay cho thấy nếu hoàn tất các liệu trình tiêm 2 mũi và có đủ thời gian để phát huy hiệu quả bảo vệ cơ thể của vaccine thì 100% không có tử vong và 90% không có biến chứng nặng. Hầu hết, những người được tiêm chủng đầy đủ không có biến chứng, nếu có thì rất nhẹ.
Bổ sung thuốc Remdesivir vào phác đồ điều trị
Với khả năng rút ngắn thời gian hồi phục và giảm tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân diễn tiến nặng, Remdesivir đã được 50 quốc gia như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Australia, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ... đưa vào phác đồ điều trị từ tháng 5/2020. Tuy nhiên, Remdesivir là một trong những loại thuốc điều trị khó tiếp cận hàng đầu thế giới.
Thuốc Remdesivir có hai dạng là nước và đông khô. Dưới dạng nước, Remdesivir đòi hỏi bảo quản trong kho lạnh 2-8 độ C với điều kiện kỹ thuật khắt khe, hệ thống trang thiết bị cầu kì, tốn kém. Remdesivir ở dạng khô dễ dàng bảo quản trong nhiệt độ khoảng 25 độ C giúp vận chuyển dễ dàng hơn giữa các khu vực, quốc gia, châu lục…
Thuốc này đã được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt khẩn cấp để điều trị cho bệnh nhân Covid-19 từ tháng 10/2020. Thuốc được phê duyệt cho người lớn và trẻ em trên 12 tuổi nặng trên 40 kg mắc Covid-19 cần nhập viện điều trị, bất kể mức độ bệnh như thế nào.
Tại Việt Nam, ngày 5/8, những lô thuốc Remdesivir điều trị Covid-19 đầu tiên đã về Việt Nam. Hội đồng Chuyên môn của Bộ Y tế đã thống nhất quyết định bổ sung Remdesivir vào phác đồ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam và sử dụng Remdesivir để điều trị tại một số cơ sở y tế. Kết quả bước đầu cho thấy, thuốc Redemsivir giúp bệnh nhân giảm lượng virus nhanh.
Theo BS Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, việc Bộ Y tế quyết định đưa thuốc Remdesivir vào điều trị bệnh nhân Covid-19 sẽ giúp các bác sĩ có sự lựa chọn liệu pháp điều trị thuốc kháng virus hiệu quả cho những bệnh nhân nặng. Bác sĩ Phúc lưu ý, đây là thuốc kháng virus dạng tiêm truyền, cần chỉ định của bác sĩ dựa trên tình trạng từng bệnh nhân.
Nguy cơ lây lan mầm bệnh sẽ giảm nếu tỷ lệ tiêm chủng cộng đồng đạt 70-85%
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, vaccine là vũ khí tối ưu để chấm dứt đại dịch. Nguy cơ lây lan mầm bệnh sẽ giảm nếu tỷ lệ tiêm chủng cộng đồng đạt 70-85%. Việt Nam đang thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 có quy mô lớn nhất trong lịch sử với mục tiêu tiêm nhanh nhất, nhiều nhất, rộng nhất, an toàn, hiệu quả và công bằng. Trì hoãn tiêm hay kén chọn vaccine vào lúc này chính là rào cản lớn, làm chậm tiến độ thực hiện mục tiêu sớm tạo miễn dịch cộng đồng nhằm kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.