Dừng giải đấu V-League 2021: Lựa chọn bất khả kháng
Ban Chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã quyết định dừng V-League 2021, đúng như đề xuất của hầu hết các CLB trong thời gian qua.
Dừng là điều tất yếu
Ngày 21/8, VFF đã họp Ban chấp hành với sự tham dự của 15/16 uỷ viên Ban Chấp hành, Trưởng các Ban: Kiểm tra, Kỷ luật, Giải quyết khiếu nại, Chủ tịch Hội đồng HLV Quốc gia, Tổng giám đốc Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF); Tổng thư ký và các Phó Tổng thư ký VFF cũng được triệu tập để báo cáo các công tác liên quan tại Hội nghị. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời điểm này TP Hà Nội cũng như một số tỉnh, thành phố đang áp dụng Chỉ thị 16 của Chính phủ, vì vậy, lần đầu tiên Hội nghị Ban Chấp hành Liên đoàn Bóng đá Việt Nam khóa VIII (2018-2022) diễn ra theo hình thức trực tuyến.
Một trong những nội dung quan trọng của Hội nghị BCH lần 8 Liên đoàn Bóng đá Việt Nam là thống nhất chủ trương dừng V-League 2021 trước tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp. Tại cuộc họp, 100% các thành viên đều đồng ý với quyết định dừng các giải bóng đá chuyên nghiệp 2021 nói chung và V-League 2021 nói riêng. Sau khi họp bàn, trên cơ sở diễn biến mới của tình hình dịch Covid-19, Ban Chấp hành giao VPF sớm tổ chức hội nghị trực tuyến với các CLB chuyên nghiệp để xem xét việc dừng tổ chức các Giải bóng đá chuyên nghiệp 2021. Giao Ban Tổng thư ký báo cáo phương án tổng thể khi có quyết định dừng tổ chức giải, đảm bảo ổn định hệ thống các giải bóng đá chuyên nghiệp và ngoài chuyên nghiệp 2022.
Như vậy, vấn đề còn lại của VPF là làm việc với các đội bóng ở V-League và giải hạng Nhất về các vị trí các đội bóng. Bóng đá Việt Nam cần 3 suất thi đấu giải châu Á AFC Champions League và AFC Cup. Bên cạnh đó, còn 2 suất lên và xuống hạng. Vấn đề của cuộc họp giữa các bên nhiều khả năng xoay quanh việc HAGL có được trao chức vô địch không, hay số phận của SLNA - đội đứng cuối bảng V-League hiện tại.
Trước khi V-League tạm dừng, HAGL đang đứng đầu, còn SLNA xếp chót bảng sau 12 vòng đấu. Ở giải hạng Nhất, Khánh Hòa đang dẫn đầu, còn CLB An Giang đứng cuối. Quyết định về số phận của những đội bóng này như thế nào sẽ phụ thuộc vào cuộc họp của VPF với 27 đội bóng. Trong cuộc họp Thường trực, đội dẫn đầu HAGL, đội xếp thứ hai Viettel và một loạt đội bóng có đại diện trong Ban Chấp hành như Đà Nẵng, Quảng Nam hay SLNA chung quan điểm nhất trí với phương án hủy giải. Việc quyết định dừng V-League 2021 sẽ giúp các câu lạc bộ giảm được gánh nặng về mặt tài chính, có thời gian để chuẩn bị cho mùa giải mới. Tuy nhiên, về phía Ban tổ chức, đặc biệt là VPF sẽ gặp khó khăn về nhiều mặt, trong đó có cả việc kêu gọi tài trợ cho mùa giải mới. Mùa giải 2021 sẽ đi vào lịch sử, khi lần đầu tiên V-League đang diễn ra thì phải hoãn vô thời hạn (và chuẩn bị dừng luôn). Trước đây, có năm giải vắt từ năm này sang năm kia, hay có năm không tổ chức. V-League 2021 là trường hợp đầu tiên giải đang diễn ra thì dừng. Tuy nhiên, dừng giải là lựa chọn bất khả kháng.
Nhận được nhiều ủng hộ
V-League 2021 sẽ dừng hẳn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Phương án này giúp các CLB giảm bớt gánh nặng về tài chính tuy nhiên cũng mang đến thiệt hại lớn từ nhà tài trợ, giá trị cống hiến của cầu thủ. VPF và các CLB nhiều khả năng không nhận được đầy đủ tiền tài trợ, hoặc trường hợp xấu hơn, là mất trắng do không đảm bảo đá đủ số trận. Số tiền có thể lên đến 20-30 tỷ đồng mỗi đội và lớn hơn rất nhiều với VPF. Với nhiều CLB, họ sẽ “lỗ vốn” khi bỏ số tiền lớn chiêu mộ các ngoại binh nhưng không thu lại được giá trị tương ứng. Ví dụ như CLB TPHCM, họ đã bỏ số tiền rất lớn chiêu mộ 5 ngoại binh mùa này, trong đó có 1 tân binh mới thi đấu 1 trận, người còn lại chưa đá trận nào. V-League nghỉ, đồng nghĩa CLB phải đàm phán lại hợp đồng, ký chuyển sang năm 2022. Cầu thủ có quyền không đồng ý ký hợp đồng mới, CLB sẽ lỗ nặng. Dù trả lương đầy đủ trong năm đầu nhưng đội bóng lại không thu lại được giá trị cống hiến tương ứng. Các CLB và ngay cả đơn vị tổ chức chắc chắn chịu thua thiệt về tài chính nhưng quyết định dừng V-League lúc này cũng chính là bài toán giúp họ giảm bớt được chi phí nếu cứ tiếp tục đợi chờ giải đấu tiếp tục. Nhiều nhà quả lý đã đánh giá đây là phương án tối ưu cho tất cả các CLB cũng như phù hợp với tình hình hiện tại của dịch Covid-19 đang hoành hành. Việc dừng giải đấu cũng là phương án tốt giúp nhiều CLB giảm bớt chi phí duy trì đội bóng, không phải “gánh” quỹ lương cho đến tháng 2-3/2022.
Bên cạnh đó, các đội tiết kiệm được chi phí ăn uống, chi phí phát sinh trong quá trình tập luyện. Ngay sau khi có thông tin VFF cho dừng V-League, ông Đoàn Nguyên Đức đã lên tiếng ủng hộ quyết định huỷ V-League 2021, dù sau gần 20 năm HAGL mới lại đứng trước cơ hội vô địch. “Chúng ta phải thấy rằng dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp. Việc Ban chấp hành VFF đưa ra quyết định huỷ V-League, mình là người trong cuộc chơi phải nghe theo số đông. V-League là của 14 CLB chứ không phải của HAGL”, ông Đức cho biết. Trước quyết định dừng V-League, đã có những ý kiến ủng hộ VPF trao cúp vô địch cho HAGL - đội bóng đang dẫn đầu V-League sau 12 vòng đấu (29 điểm), hơn Viettel 3 điểm đứng ở vị trí thứ 2.
Về vấn đề này, ông Đức cho biết mình không quan tâm, bởi HAGL không muốn vô địch bằng mọi giá, hơn nữa đã vô địch trong lòng người hâm mộ bởi lối chơi đẹp mắt, cống hiến.
Trong khi đó, ông Bùi Xuân Hòa- Chủ tịch CLB Đà Nẵng cũng cho biết: “Các giải chuyên nghiệp Việt Nam mùa 2021 nên dừng để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các CLB. Không chỉ tôi mà ở cuộc họp BCH, có đại diện của 4 CLB khác gồm HAGL, Viettel, Hà Nội FC, SLNA cũng nêu quan điểm rất rõ ràng rằng nếu V-League hoãn đến tháng 2 năm sau sẽ đưa các đội vào tình cảnh hết sức khó khăn, đặc biệt về tài chính. Nhưng dịch bệnh phức tạp, tương lai của V-League chưa được đảm bảo nếu còn bị tác động bởi tình hình khách quan. Dừng giải là hành động sáng suốt và tôi mong VPF thực thi đúng những chỉ đạo từ BCH VFF. Sau đó, tất cả lại cùng bàn với nhau cách giải quyết sao cho phù hợp nhất. Nên sắp xếp thứ tự của 14 đội như thế nào, có đội vô địch không, có đội lên xuống hạng không, đó là những bài toán cần phải giải. Nhưng rõ ràng, nếu giải 2021 dừng, chúng tôi sẽ có tâm trí để chuẩn bị cho mùa giải sang năm”.
Quyết định dừng V-League 2021 được nhiều sự ủng hộ bởi sẽ giúp các đội bóng tiết kiệm được khoản chi phí duy trì trong 7 tháng (nếu tổ chức trở lại vào tháng 2/2022). Các đội bóng sẽ không phải lo lắng khoản tiền khoảng từ 15-20 tỷ đồng sẽ phải bỏ ra để chi trả các khoản như lương cầu thủ, nhân viên, bảo trì sân. Hơn nữa, chưa có gì đảm bảo V-League 2021 sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch, trở lại vào tháng 2 và đến lúc đó mới dừng hẳn sẽ khiến thiệt hài về tài chính với họ càng lớn hơn nữa. Việc V-League 2021 dừng ở thời điểm này cũng sẽ giúp các đội dễ dàng hơn trong việc đàm phán, ký mới hoặc thanh lý hợp đồng với cầu thủ. Năm 2022 là của V-League 2022, không liên quan gì đến mùa giải 2021, nên hợp đồng vẫn được vận hành theo quy luật cũ. Các cầu thủ có thể tìm bến đỗ mới cho mùa giải mới ngay từ bây giờ.
Cùng với đó, việc các giải quốc nội dừng sẽ giúp VFF và VPF chủ động hơn trong công tác chuẩn bị cho mùa giải mới, thay vì dồn toa trong năm 2022. Nếu thực hiện theo kế hoạch cũ, mỗi đội bóng sẽ phải thi đấu tới 7 trận/ tháng, dễ gây chấn thương cho các cầu thủ. V-League 2021 dừng cũng sẽ giúp các tuyển thủ góp mặt nơi đội tuyển quốc gia sẽ có đôi chút hưởng lợi. Các cầu thủ sẽ tập trung tối đa cho các giải đấu trước mắt như vòng loại World Cup 2022 hay AFF Cup diễn ra vào cuối năm nay. HLV Park Hang Seo cũng có thể tập trung đội tuyển bất cứ lúc nào mà không phải quan tâm đến lịch thi đấu ở V-League. Tuy nhiên, ông Park khó lòng tìm được những gương mặt mới, khả năng thực chiến của các cầu thủ cũng giảm đi đáng kể. Việc các tuyển thủ phải nghỉ thi đấu trong thời gian dài cũng ảnh hưởng rất nhiều tới phong độ, thể lực và cảm giác bóng.
Cũng như các lãnh đạo CLB, nhiều cầu thủ tại LS V-League 2021 và giải hạng Nhất - LS 2021 đồng ý với phương án dừng giải do VFF đưa ra cho dù đây cũng là thời gian khó khăn đối với bản thân họ nhưng tất cả buộc phải thích nghi.