Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đảm bảo an dân, an ninh, an toàn xã hội
Ngày 11/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (Ban Chỉ đạo) đã chủ trì họp Ban Chỉ đạo để kiểm điểm công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong tuần qua, đồng thời đưa ra các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm phù hợp với tình hình trong thời gian tới.
Dự họp tại Trụ sở Chính phủ có các thành viên Ban Chỉ đạo; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; các Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương. Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 dự tại đầu cầu TP HCM.
Dự họp tại đầu cầu các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Kiên Giang có các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố và các ngành, đơn vị liên quan.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, trong tuần qua tỷ lệ mắc mới Covid-19 tại cộng đồng đã giảm so với tuần trước tại một số địa phương có số mắc cao: Đà Nẵng (giảm 60%), Bình Dương (giảm 27%), Long An (giảm 3%); Số ca tử vong trung bình theo ngày trên toàn quốc giảm 30%, trong đó TP HCM (giảm 30%), Đồng Nai (50%), Long An (30%), Tiền Giang (70%).
Trong số 23 tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội có 8 địa phương đang kiểm soát tốt dịch bệnh; 12 địa phương đang tiếp tục lộ trình thực hiện đạt các tiêu chí kiểm soát dịch; có 3 địa phương cần tiếp tục nỗ lực, triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch để có thể thực hiện được các tiêu chí kiểm soát dịch là TP HCM, Bình Dương, Kiên Giang.
Cũng theo Ban Chỉ đạo, mặc dù công tác phòng, chống dịch có chuyển biến đáng mừng, song vẫn còn những hạn chế như: Một số xã, phường, thị trấn chưa quán triệt quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, nhất là việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Nhận thức chưa đúng về xã, phường, thị trấn là pháo đài, người dân là chiến sĩ; nắm chưa đúng về các nội dung thực hiện tại xã, phường; còn thiếu việc kiểm tra giám sát việc thực hiện tại cơ sở. Việc thực hiện giãn cách ở một số nơi chưa nghiêm, chưa triệt để, nhất là trong thời gian gần đây.
Ngoài ra, việc triển khai thực hiện an sinh xã hội còn chậm so với yêu cầu; việc cung ứng hàng hóa vẫn còn lúng túng hay thay đổi. Một số địa phương nóng vội trong việc mở cửa trở lại, chưa có kế hoạch cụ thể đã triển khai nới lỏng giãn cách.
Phát biểu kết luận cuộc họp, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, nhất là lực lượng trên tuyến đầu chống dịch như quân đội, y tế, công an, các cơ quan truyền thông. Chính phủ biểu dương sự hưởng ứng, chia sẻ và tham gia của các tầng lớp nhân dân, sự hỗ trợ của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là sự chấp hành của người dân trong thực hiện giãn cách xã hội; đồng thời thấu hiểu, chia sẻ sự mất mát về người, về sức khỏe và của cải của nhân dân và doanh nghiệp do dịch bệnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, những chuyển biến đạt được trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tuần qua tiếp tục khẳng định việc kiện toàn tổ chức chỉ đạo, chỉ huy mang lại hiệu quả và các biện pháp phòng, chống dịch đề ra là đúng đắn, kịp thời.
Trong đó có sự chỉ đạo thống nhất của Ban Chỉ đạo, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chuyển hướng từ vừa lãnh đạo, chỉ đạo tập trung vừa phân công, phân cấp, phân quyền, lấy xã, phường, thị trấn là pháo đài, người dân là chiến sĩ, là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng, chống dịch, chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân; triển khai đồng bộ có hiệu quả các biện pháp y tế từ công tác xét nghiệm, điều trị giảm tử vong, tiêm vaccine, nhất là việc đảm bảo tiếp cận y tế của người dân từ sớm, từ xa, từ cơ sở; đảm bảo lương thực thực phẩm cho người dân, không để ai thiếu ăn thiếu mặc; đảm bảo an dân, an ninh, an toàn trật tự xã hội; quản lý, kêu gọi, tuyên truyền, vận động và huy động mọi người dân tham gia công tác phòng, chống dịch làm sao dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo và dân làm...
Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua; đồng thời đề ra mục tiêu nhanh chóng kiểm soát tình hình, khống chế dịch bệnh, tổ chức sản xuất an toàn, đặc biệt là phải giảm tối đa ca tử vong do dịch Covid-19.
Để đạt được mục tiêu đã đề ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là ở cơ sở. Nâng cao vai trò nêu gương, dám nghĩ, dám làm của người đứng đầu trong chỉ đạo tổ chức triển khai các hoạt động phòng, chống dịch. Tuy nhiên phải tránh 2 khuynh hướng: Lơ là, mất cảnh giác khi phòng, chống dịch mới đạt được kết quả ban đầu và khi đã giãn cách trong thời gian dài; chủ quan, nóng vội muốn mở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh ngay.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục quán triệt và triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch ngay tại xã, phường, thị trấn; khi thực hiện xã, phường, thị trấn phải thật sự là “pháo đài”; người dân phải thật sự là “chiến sĩ”; người dân là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong phòng, chống dịch.
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các hoạt động đảm bảo an sinh xã hội; rà soát và đánh giá việc triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP; tiếp tục vận động, huy động các nguồn lực xã hội tham gia đóng góp cho công tác chăm lo an sinh xã hội. Đồng thời, triển khai tốt nhiệm vụ năm học mới, phù hợp với tình hình dịch bệnh tại mỗi địa phương. Tăng cường hợp tác công tư trong phòng, chống dịch.
Thủ tướng Chính phủ cũng nhắc nhở các địa phương đảm bảo an dân, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, nhất là tại các địa phương thực hiện giãn cách, tăng cường giãn cách xã hội và các địa bàn khu công nghiệp, chế xuất, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Thường xuyên nắm bắt tình hình nhân dân, kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị của nhân dân.
“Phòng dịch là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; chống dịch phải quyết liệt, dứt điểm. Phòng dịch tốt thì không phải chống dịch. Một đồng phòng dịch hiệu quả, thì không mất hàng triệu đồng cho chống dịch, nhất là sự mất mát về tinh thần và tính mạng của người dân”, Thủ tướng khẳng định.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch. Chính thức công bố và triển khai các nền tảng công nghệ bắt buộc dùng chung toàn quốc trong phòng, chống dịch Covid-19; kết nối, liên thông các cơ sở dữ liệu hiện có đảm bảo một ứng dụng thuận tiện cho người dân.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học, toàn diện, dựa trên thực tiễn để có các nhiệm vụ, giải pháp thích ứng an toàn với mọi diễn biến của dịch bệnh để khôi phục và phát triển kinh tế.
Theo đó, giao Bộ Y tế sớm hoàn thiện Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch trong tình hình mới, tập trung vào vaccine, xét nghiệm và điều trị; nâng cao năng lực hệ thống đáp ứng, trở lại trạng thái bình thường mới vào năm 2022. Đồng thời, chủ trì xây dựng hướng dẫn triển khai các biện pháp nới lỏng và khôi phục các hoạt động theo nguyên tắc mở cửa có lộ trình, từng bước có kiểm soát và liên tục đánh giá để kịp thời điều chỉnh phù hợp, dựa trên nguyên tắc “sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất”.
Ban Chỉ đạo cho biết, số lượng vaccine Covid-19 đã có các thỏa thuận, hợp đồng và cam kết tài trợ với tổng số khoảng 159,97 triệu liều, dự kiến năm 2021 về khoảng 138,4 triệu liều. Số lượng vaccine đã nhận là hơn 34 triệu liều, đã tiêm được 27 triệu liều. Bộ Y tế đang đàm phán và trao đổi với đơn vị cung ứng vaccine Covid-19 cho năm 2022, đảm bảo tiêm đủ cho toàn bộ dân số từ 5 tuổi trở lên.