20 năm sau vụ khủng bố 11/9
Tròn 20 năm xảy ra vụ khủng bố ngày 11/9/2001 do al-Qaeda gây ra, nước Mỹ một lần nữa nghiêng mình trước đau thương tưởng nhớ các nạn nhân thiệt mạng trong ngày đen tối nhất.
Từ tối ngày 11/9/2021 kéo dài cho tới sáng hôm sau, buổi chiếu đèn đặc biệt Tower of Light thắp sáng khu vực Lầu Năm Góc ở thủ đô Washington. Còn lễ Tribute in Light thường niên tại khu vực Đài tưởng niệm 11/9 chiếu 2 cột ánh sáng màu xanh lên trời, tượng trưng cho tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại thế giới (WTC) đã bị máy bay do không tặc đâm trúng. Hai cột sáng cũng hắt lên bầu trời từ lúc hoàng hôn ngày 11/9 đến sáng hôm sau.
Một số tổ chức và các nhóm tình nguyện đã cắm 2.977 lá quốc kì Mỹ, tượng trưng cho ngần ấy con người thiệt mạng 20 năm trước. Các nhóm họa sĩ cũng đã vẽ những bức tranh trên tường khắc họa khuôn mặt các nạn nhân. Tập hợp các bức vẽ bằng phấn này được trưng bày tại địa điểm chuyến bay số 93 rơi xuống. Đây là chuyến bay bị những kẻ khủng bố khống chế nhằm tấn công một địa điểm ở thủ đô Washington DC, nhưng cuối cùng đã bị các hành khách và phi hành đoàn ngăn lại, sau cùng rơi xuống vùng Stoystown, Pennsylvania.
Buổi lễ có 6 khoảnh khắc mặc niệm, tượng trưng cho các thời điểm từng tòa tháp WTC bị đâm trúng và đổ sụp cũng như thời điểm xảy ra vụ tấn công Lầu Năm Góc và thời điểm chuyến bay 93 rơi xuống đất. Thời khắc im lặng tưởng niệm đầu tiên sẽ diễn ra vào lúc 8h46 sáng ngày 11/9/2021.
20 năm đã trôi qua nhưng người Mỹ vẫn không thể nguôi ngoai. Họ vẫn như chết lặng khi nhìn lại trên màn hình tivi hình ảnh toà tháp đôi WTC sụp đổ, nuốt chửng lập tức gần 3.000 sinh mạng và vĩnh viễn thay đổi nước Mỹ, thay đổi thế giới.
Hôm nay cũng là tròn 20 năm Patricia Smith lặng lẽ tìm hiểu về người mẹ của mình - người phụ nữ mạnh mẽ từng chạy đua với những chú bò tót ở Pamplona hay bơi qua hồ Placid ở New York. Chiếc huy hiệu Cảnh sát thành phố New York (NYPD) mà bà Moira Smith đeo vào buổi sáng cuối hè chói chang đó ở Manhattan, nay được trưng bày tại Bảo tàng - Đài tưởng niệm Quốc gia Ngày 11 tháng 9, cũng là để nói với con gái bà và mọi người rằng bà là một sĩ quan cảnh sát đã thiệt mạng trong cuộc tấn công khủng bố nhằm vào tòa tháp WTC. 22 tuổi, Patricia 20 năm mất mẹ. Mẹ cô, Moira Smith, là cảnh sát đầu tiên thông báo bằng điện đàm về vụ việc thảm khốc, buổi sáng ngày 11/9/2001.
Cũng trong buổi sáng định mệnh ấy, Andy Card - Chánh văn phòng của Tổng thống George W. Bush đã thầm thì vào tai ông: “Nước Mỹ bị tấn công”, khi Tổng thống đang đi thăm trường tiểu học Emma E. Booker ở Sarasota, Florida. Vội vã trở về Washington, Tổng thống Bush đã kinh hoàng xem trên truyền hình khoảnh khắc toà Tháp Nam của Trung tâm Thương mại Thế giới sụp đổ lúc 9h59 sáng, sau đó 29 phút là toà Tháp Bắc.
Gần 3.000 người chết chỉ bởi 19 kẻ khủng bố liều chết khi nhóm không tặc này chiếm 4 chiếc máy bay thương mại và biến chúng thành những quả tên lửa gieo rắc tử thần cho thành phố New York, Lầu Năm Góc và một cánh đồng ở vùng quê Shanksville, bang Pennsylvania.
Một nước Mỹ hiện đại, trang bị các loại vũ khí tối tân, đã bị đánh lén một đòn khủng khiếp đúng vào biểu tượng kinh tế và quốc phòng.
Và rồi nước Mỹ đã phát động một cuộc chiến chống khủng bố kéo dài 20 năm khi đưa quân vào Afghnistan. Trùm khủng bố Osama bin Laden và nhiều thủ lĩnh hàng đầu của al-Qaeda bị tiêu diệt. Nhưng nước Mỹ vẫn không nguôi ngoai vì nạn khủng bố vẫn còn đó và hơn nữa trái tim bị tổn thương vẫn không ngừng rỉ máu.
Sau hai thập niên tiến hành cuộc chiến chống khủng bố, thế giới vẫn không trở nên an toàn hơn. Gần 15.000 quân nhân và nhà thầu Mỹ đã thiệt mạng trong các cuộc chiến sau vụ 11/9/2001, và chi phí kinh tế vượt quá 6 nghìn tỷ USD. Thêm vào đó là số lượng thường dân nước ngoài thiệt mạng và làn sóng khổng lồ người tị nạn, chi phí còn tăng lên gấp bội.
Một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy, có đến 97% vẫn nhớ như in họ đã ở đâu khi vụ tấn công 11/9 xảy ra. Ký ức đó ăn sâu hơn cả vụ ám sát Tổng thống John F.Kennedy năm 1963 (với 95%), sau đó là vụ tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden năm 2011 và cuộc đổ bộ đầu tiên của nhân loại lên Mặt trăng năm 1969.
Không cho quá khứ đau thương lặp lại, chỉ 6 tuần sau vụ tấn công khủng bố, nước Mỹ đã có những thay đổi sâu rộng đối với Luật Giám sát trong nước, bao gồm việc ra đời Đạo luật Yêu nước trao cho các cơ quan tình báo quyền hạn lớn hơn rất nhiều trong việc phát hiện những kẻ khủng bố.
Dịp tưởng niệm 20 năm vụ 11/9 năm nay sẽ thêm một lần nữa nhắc nhở người Mỹ về điều gì gắn kết họ, thay vì chia rẽ và cũng là lời cảnh báo với toàn thế giới phải cảnh giác trước mọi âm mưu khủng bố.