Trẻ học online tại nhà: Cẩn thận không bao giờ thừa
Thay vì đến trường, học sinh tại các địa phương thực hiện giãn các xã hội chuyển sang hình thức học trực tuyến tại nhà để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Thế nhưng, ở nơi tưởng chừng như an toàn nhất lại đang tiềm ẩn nhiều rủi ro gây thương tích cho trẻ nếu người lớn lơ là, bất cẩn.
Sự việc bé trai 10 tuổi (học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội) tử vong vì điện giật tại nhà khi học online đặt ra bài học cấp bách về vấn đề phòng, chống tai nạn thương tích và trang bị kỹ năng sống cho học sinh.
Trường học ra thông báo khẩn
Ngay khi sự việc thương tâm trên xảy ra, nhiều trường học trên địa bàn Hà Nội đã ra thông báo khẩn tới giáo viên, phụ huynh để cảnh báo loại bỏ các nguy cơ mất an toàn cho học sinh khi học online tại nhà.
Chị Nguyễn Thị Dung, phụ huynh có con học Trường Tiểu học Thủ Lệ (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Nhà trường đã có thông báo nhắc nhở học sinh và phụ huynh thường xuyên quan tâm, kiểm tra các thiết bị học tập, bảo đảm an toàn cho con trong quá trình học trực tuyến. Tuy nhiên, gia đình tôi rất lo lắng bởi thời gian học online kéo dài trong khi pin máy tính lại không bền, con thường xuyên phải vừa sạc vừa dùng. Nguy cơ cháy, nổ rất dễ xảy ra”.
Trước lo lắng của phụ huynh, Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình) ra thông báo hướng dẫn học sách cách tự phòng tránh tai nạn thương tích khi ở nhà mùa dịch. Theo nhà trường, không gian của mỗi ngôi nhà có thể ẩn chứa nhiều nguy cơ, nếu thiếu sự giám sát của cha mẹ hoặc người chăm sóc, tai nạn thương tích có thể xảy ra cho trẻ khi học tập, vui chơi. Vì vậy, cha mẹ hoặc người chăm sóc cần quan tâm và tạo ra môi trường vui chơi đảm bảo an toàn cho trẻ tại nhà, đồng thời hướng dẫn trẻ chủ động phòng chống tai nạn thương tích.
Một phụ huynh của khối lớp 3, Trường Tiểu học Thành Công A (quận Ba Đình) đã tập hợp lại những điều cần lưu ý khi các con sử dụng máy tính, lap top hoặc các thiết bị điện tử trong quá trình học trực tuyến để gửi tặng các phụ huynh trong lớp.
Phụ huynh này tâm sự, những thông tin này rất đơn giản, nhưng chính bản thân chị cũng chưa để ý và nhắc nhở con đầy đủ. Đây cũng chính là sự chung tay của phụ huynh và nhà trường trong quá trình giáo dục học sinh trong quá trình học tập trực tuyến.
Cảnh báo tai nạn nhất định với bất kỳ vận dụng trong nhà
Nhắc tới một số tai nạn thường gặp tại nhà của trẻ, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai bày tỏ lo ngại khi các chương trình về phòng, tránh tai nạn thương tích cho trẻ ở nhà vẫn chưa đến được với người dân, trong khi các nước phát triển, các chương trình này khá phổ biến.
PGS, TS Nguyễn Tiến Dũng minh chứng thực tế bằng số tai nạn ở nhà của trẻ như: Bỏng, giật điện, nuốt dị vật, ngã cầu thang, uống nhầm thuốc... vẫn gia tăng hằng năm.
Theo thống kê của Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), mỗi năm trung bình có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích; trong đó, nhóm tuổi từ 15 đến 19 chiếm tỷ lệ cao nhất (chiếm 43%). Số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích là 6.600 trường hợp/năm chiếm tỷ lệ 35,5% trong tổng số trẻ tử vong trên toàn quốc do tất cả các nguyên nhân.
Để học sinh an toàn trong kỳ nghỉ hè sắp tới, PGS, TS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo: “Phụ huynh nên chú ý quản lý con khi ở nhà. Đối với trẻ từ 3 đến 5 tuổi-độ tuổi trẻ thường rất hiếu động, tò mò, muốn tìm hiểu thế giới xung quanh, nếu trẻ ở nhà, phụ huynh nên quan sát, cẩn thận các vật sắt nhọn, phích nước, thuốc men, ban công... để tránh những rủi ro không đáng có.
Còn đối với trẻ độ tuổi lớn hơn, phụ huynh nên chủ động giáo dục trẻ các kỹ năng phòng, tránh các tai nạn thương tích có nguy cơ xảy ra khi ở nhà mà không có sự giám sát, quản lý của người lớn”.
Trao đổi với phóng viên, TS Tâm lý giáo dục Trần Thị Thìn, nguyên giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An cho rằng, vụ việc học sinh bị điện giật tử vong khi học trực tuyến ở nhà là trường hợp hy hữu nhưng nếu không sớm có những cảnh báo thì sẽ trở nên phổ biến hơn.
Theo TS Trần Thị Thìn, để bảo đảm an toàn cho học sinh khi học ở nhà, thay vì lo lắng, cha mẹ hãy trang bị cho con những kiến thức sử dụng điện an toàn, hợp lý, không dùng kim loại đưa vào ổ điện, lau tay khô khi cắm điện kể cả với học sinh lớn. Học sinh lứa tuổi mẫu giáo, lớp 1 phải có người lớn kèm cặp, để mắt trong quá trình ở nhà.
Cha mẹ cũng cần truyền đạt để con nhận thức được việc học trực tuyến trong thời điểm này hết sức quan trọng nhưng phải tuần tự theo hướng dẫn của cô, tránh tâm lý nóng vội, sốt ruột khi mạng bị nghẽn, rời khỏi phòng học online.
Với sự nguy hiểm cùng những hậu quả nặng nề, TS Trần Thị Thìn khuyến cáo, với những đứa trẻ hiếu động thì cẩn thận không bao giờ thừa. Vì vậy, trong cuộc sống hằng ngày, các bậc phụ huynh nên dạy trẻ những kỹ năng sinh tồn, cảnh báo những tai nạn nhất định với bất kỳ với những vật dụng trong nhà như dụng cụ học tập, dao, kéo, vật sắc nhọn…
Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Trẻ em (Bộ Lao động-Thương bình và Xã hội), hiện nay, học sinh nhiều nơi đang phải học trực tuyến nên nhu cầu sử dụng các thiết bị đầu cuối như laptop, ipad, điện thoại càng cao. Thời gian học kéo dài khiến các em vừa học vừa phải sạc. Vì vậy, trách nhiệm trước hết thuộc về các bậc cha mẹ. Các bậc phụ huynh nên tìm hiểu để có kiến thức về thiết bị điện và các giải pháp để phòng tránh.
Thông tin từ phía Bộ GDĐT, các đơn vị chức năng hiện đang khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn học tập trực tuyến an toàn tại nhà.