Quyết tâm chống tiêu cực
Tại phiên họp thứ 20 mới đây, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban chỉ đạo), đã cho ý kiến về Đề án Sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo, trong đó bổ sung nhiệm vụ phòng, chống tiêu cực.
Những năm qua, cuộc chiến chống tham nhũng được Đảng ta, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động đã loại bỏ nhiều đối tượng tham nhũng được coi là một thứ “giặc nội xâm” ra khỏi đội ngũ; tạo dựng niềm tin trong toàn thể cán bộ, đảng viên, nhân dân.
Từ Hội nghị giữa nhiệm kỳ của Đại hội lần thứ VII (tháng 1 năm 1994), Đảng ta đã cảnh báo, tham nhũng là một trong bốn nguy cơ đối với đất nước. Thực hiện chủ trương của Hội nghị Trung ương 5, khóa XI (tháng 2/2013), Bộ Chính trị quyết định thành lập Ban Chỉ đạo do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban. Đó chính là dấu mốc quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng với những chỉ đạo quyết liệt, cách làm bài bản đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Hơn 7 năm, kể từ khi thành lập Ban Chỉ đạo cho đến cuối năm 2020, các cơ quan tố tụng đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử 1.900 vụ án tham nhũng, với hơn 4.400 bị can. Riêng Ban Chỉ đạo đã đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo hơn 800 vụ án, vụ việc.
Trong những tháng ngày cả nước tập trung chống “giặc” Covid, thì cuộc chiến chống tham nhũng, chống các biểu hiện thoái hóa, biến chất vẫn tiếp tục được đẩy lên. Sự quyết liệt của cuộc chiến đấu ấy cho thấy cuộc chiến không chùng xuống, không ngừng nghỉ. Cuộc chiến chống tham nhũng thời gian qua đã thu được nhiều kết quả, tuy nhiên đó là cuộc chiến cam go, lâu dài, không thể một sớm một chiều đã toàn thắng. Tham nhũng cùng các hành vi tiêu cực vẫn khiến xã hội nhức nhối.
Trở lại với phiên họp thứ 20 của Ban Chỉ đạo, thêm 5 vụ án lớn, phức tạp đã được chỉ rõ, xác định sẽ sớm đưa ra xét xử. Trong đó có vụ đưa hối lộ, môi giới hối lộ, nhận hối lộ liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (đang thụ án); vụ buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh tại Cục Quản lý dược - Bộ Y tế, Công ty VN Pharma và các cơ quan, đơn vị liên quan...
Thực tế cho thấy, bên cạnh cuộc chiến chống tham nhũng thì việc phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; không tuân thủ nguyên tắc của Đảng; cơ hội, thực dụng, bè phái, gây mất đoàn kết nội bộ cũng cần được đẩy mạnh. Tham nhũng và suy thoái, tiêu cực luôn đi với nhau như những kẻ địch ẩn mình trong bóng tối. Chính vì suy thoái mà đánh mất phẩm chất, đạo đức của người cán bộ, chỉ lo vơ vét cá nhân mà dẫn đến tham nhũng. Từ tham nhũng lại tiếp tục đẻ ra suy thoái, tiêu cực, làm băng hoại đạo đức, lối sống, làm hư hỏng những cán bộ không chịu tu dưỡng.
Phát biểu tại phiên họp thứ 20 của Ban Chỉ đạo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bày tỏ rất lo ngại về tình trạng này. Vì suy thoái mà dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thậm chí chống lại Đảng. Vì thế, việc bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thành Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là rất cần thiết.
Mặt khác, thực tiễn cũng chỉ ra rằng cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng cần được gắn kết chặt chẽ với đấu tranh phòng, chống tiêu cực. Trọng tâm của phòng, chống tiêu cực là chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với các hành vi có tính chất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín, thanh danh của Đảng; chống lại Đảng, Nhà nước và chế độ; làm giảm sút niềm tin của nhân dân.
Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ khó khăn. Tham nhũng có thể đong đếm thành tiền bạc, nhưng tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là không dễ định lượng. Vì thế, cuộc đấu tranh này càng cần đến sự tham gia của toàn dân, của từng tổ chức cơ sở đảng, từng cơ quan, đơn vị.
Bổ sung nhiệm vụ, chức năng phòng, chống tiêu cực cho Ban Chỉ đạo là việc rất cần thiết, để cuộc chiến chống tham nhũng, thoái hóa, biến chất toàn diện hơn, cũng là để ngăn chặn từ gốc những sai phạm trầm trọng. Từ đó làm trong sạch đội ngũ, xây dựng đội ngũ cán bộ thực sự là “công bộc” của dân như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn.