Nước mắt trong tâm dịch
Để chữa trị cho bệnh nhân mắc Covid-19, nhiều y bác sĩ đã gác lại chuyện gia đình để lên đường vào tâm dịch. Thậm chí, có những người không thể về chịu tang người thân vì nhiệm vụ.
Hoãn đám cưới để lên đường chống dịch
Chia sẻ sau khi vừa thực hiện ca trực kéo dài hơn 10 tiếng đồng hồ tại Trung tâm Hồi sức Covid-19 tại Long An, bác sĩ Lâm Văn Tài, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết: “Hôm nay là một ngày rất vui của tất cả anh em trong kíp trực, chúng tôi vừa thực hiện thành công kỹ thuật ECMO - kỹ thuật cao nhất của chuyên ngành hồi sức tích cực cho một sản phụ nguy kịch vì Covid-19. Suốt cả ca trực cũng không có bệnh nhân tử vong, mà lại có người bệnh đủ điều kiện được xuất viện”.
Không giấu được niềm vui, nhưng bác sĩ Tài cũng chia sẻ: “Áp lực lên đội ngũ y bác sỹ tại Trung tâm đang là rất lớn bởi số bệnh nhân gia tăng, bệnh tình của nhiều bệnh nhân có diễn biến rất nhanh. Trong suốt ca trực, chúng tôi phải làm việc với sức tập trung cao độ để theo dõi bệnh nhân một cách sát sao nhất, chúng tôi không ăn, không uống, không đi vệ sinh để đảm bảo phòng, chống dịch. Mệt, nhưng rất hạnh phúc khi có thể cứu sống và điều trị cho bệnh nhân khỏi bệnh”.
Kể về chuyện gia đình, bác sĩ Tài nói, bạn gái của anh cũng là điều dưỡng của Trung tâm hồi sức Covid-19 tại Long An, bởi dịch bệnh bùng phát nên họ quyết định tạm hoãn tổ chức đám cưới và lên đường đi chống dịch.
“Sau khi Bộ Y tế quyết định thành lập Trung tâm Hồi sức Covid-19 của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tại Long An, chúng tôi cùng nhau xung phong lên đường làm nhiệm vụ. Tôi nghĩ đây là hành động rất đúng đắn của cả hai, bởi không chỉ được góp phần nhỏ bé của mình vào cuộc chiến này, mà trong thời gian hơn một tháng làm việc tại đây, chúng tôi được cùng nhau vượt qua khó khăn, gian khổ, càng hiểu và trân quý nhau hơn” – bác sĩ Tài nói.
PGS.TS Nguyễn Công Hoàng - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đang kiêm nhiệm Giám đốc Trung tâm Hồi sức Covid-19 tại Long An cho hay: “Tại Trung tâm Hồi sức Covid-19 Long An còn một cặp vợ chồng điều dưỡng xung phong làm công tác chăm sóc bệnh nhân Covid-19, và còn rất nhiều những cặp đôi khác đang tham gia chống dịch Covid-19 trên khắp mọi miền Tổ quốc. Họ đã tạm gác lại việc riêng để hoàn thành sứ mệnh của người “chiến sỹ áo trắng” trên tuyến đầu chống dịch”.
Mồ hôi và nước mắt
Là một trong số hàng nghìn cán bộ, nhân viên y tế tình nguyện xung phong vào TP HCM tham gia lực lượng Tổ quân y cơ động trạm y tế xã phường, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch, ngày Đại úy, Bác sĩ Nguyễn Đức Hải - Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Quân y 105 lên đường cũng là lúc bệnh tình của cha anh trở nặng.
Đại úy Vũ Thị Hậu - đồng nghiệp của anh kể lại: “Khi cha của đồng chí anh Hải mất, anh đang cùng các đồng đội tham gia điều trị cho bệnh nhân Covid-19 ngay tại gia đình người bệnh. Vì đang trong ca làm việc, để đảm bảo phòng hộ nghiêm ngặt nên người thân không thể liên hệ được. Mãi đến đêm hôm đó, sau khi hoàn thành nhiệm vụ anh Hải mới hay tin dữ. Do tình hình dịch bệnh phức tạp, anh Hải đã không thể về chịu tang cha”.
Để góp phần an ủi, động viên bác sĩ Hải trước mất mát, đau thương quá lớn, lãnh đạo Bệnh viện Quân y 105 đã chỉ đạo cán bộ, nhân viên trong Tổ quân y hỗ trợ lập bàn thờ vọng ngay trong trụ sở của Tổ công tác để bác sĩ Hải có thể bái vọng, chịu tang cha mình từ nơi xa; đồng thời để các lãnh đạo, đồng nghiệp được chia buồn với bác sĩ Hải và gia đình.
Bác sĩ Hải bày tỏ: “Mặc dù không thể về chịu tang cha, nhưng tôi sẽ quyết tâm biến đau thương thành hành động, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Có lẽ ở nơi chín suối, cha cũng thấu hiểu lòng tôi và ủng hộ cho công việc tôi đang làm. Trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay, những người dân TP HCM đang rất cần sự trợ giúp của các y bác sĩ để đẩy lùi dịch bệnh”.
Nói về các y bác sĩ tại tuyến đầu, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế xúc động chia sẻ: Trong gần 3 tháng qua, hàng chục vạn cán bộ, y bác sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên y tế từ mọi miền Tổ quốc đã và đang quyết tâm dồn sức trong cuộc chiến với dịch Covid-19. Cuộc chiến này đã cướp đi tính mạng của nhiều người dân, trong đó có cả những cán bộ y tế và lực lượng tuyến đầu. Đội ngũ thầy thuốc đã bỏ nhiều công sức, mồ hôi, nước mắt trong điều kiện làm việc căng thẳng đồng thời cũng gác lại tình cảm riêng tư và chịu những mất mát, hy sinh.
Mặc dù vậy, nhân viên y tế không thể lùi bước vì phía sau là hàng triệu người dân, đó là động lực, là sự quyết tâm để các thầy thuốc vững tin chiến đấu cùng dịch bệnh. Chưa bao giờ như lúc này, nhân dân cả nước cùng các lực lượng tuyến đầu đang dồn tâm, sức, lực để kiểm soát dịch bệnh tại các tỉnh, thành phố phía Nam với mục tiêu đưa cuộc sống của người dân trở lại trạng thái bình thường mới. Với sự đồng lòng của cả nước, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng dịch bệnh.