Đào tạo văn hóa trong trường nghề: Rộng cơ chế liên thông
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đã và đang lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo thông tư quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong các cơ sở GDNN (do Bộ GDĐT ban hành mới đây). Thông tư này là cơ sở quan trọng cho việc dạy văn hóa trong trường nghề, vốn là câu chuyện thu hút sự quan tâm của người học bấy lâu nay.
Quy định làm khó người học
Ghi nhận từ thực tế cho thấy, ngay trong mùa tuyển sinh 2021 đã có những phụ huynh định cho con theo học nghề, nhưng rồi lại đổi ý cho con tiếp tục học lên bậc THPT. Chị Hoàng Kim Phượng ở Khu đô thị Kim Văn, Kim Lũ (Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay sau khi con học xong lớp 9, gia đình đưa con đến trường Cao đẳng Nghề kỹ thuật Công nghệ tìm hiểu. Sau khi được biết trường không được dạy văn hóa, con phải tự học ở Trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX), nên chị quyết định cho con vào học ở một trường THPT dân lập gần nhà. “Học nghề một nơi, học văn hóa một chỗ khác thì quá bất tiện”- chị Phượng nói.
TS Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục GDNN) chia sẻ, liên quan đến việc dạy văn hóa trong trường nghề, dự thảo này chỉ ghi chung chung, đúng theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019 là: “Giúp cho học sinh có bằng tốt nghiệp THCS theo học trình độ trung cấp có nguyện vọng học lên trình độ cao đẳng trong cơ sở GDNN được học kiến thức văn hóa THPT để học lên trình độ cao hơn của GDNN và sử dụng trong các trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật”.
Theo ông Hùng, các môn học văn hóa THPT trong dự thảo Thông tư quy định về dạy văn hóa phổ thông ở trình độ trung cấp của Bộ GDĐT không chỉ cần đảm bảo tính liên thông dọc (để có thể học tiếp lên cao đẳng), mà cần cả tính liên thông ngang. Muốn vậy, nội dung quy định của Bộ GDĐT cần được thiết kế thống nhất với các môn học của chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT hoặc chương trình giáo dục THPT về cả cấu trúc, nội dung, thời lượng học tập (số tiết các môn học). Như vậy, theo dự thảo quy định mới nhất của Bộ GDĐT có thể hiểu, các trường nghề không được dạy văn hóa bậc THPT; người học muốn có tấm bằng tốt nghiệp THPT phải đi học ở các Trung tâm GDTX.
Bà Nguyễn Thị Thu Dung, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y Thái Bình cho rằng, nếu không được học văn hóa song hành cùng học nghề, sau khi các em tốt nghiệp trình độ trung cấp lên trình độ cao đẳng mà muốn thi tuyển vào các vị trí viên chức, công chức thì sẽ rất khó khăn. Thực tế, ở hầu hết các nơi, hồ sơ dự tuyển đều yêu cầu có bằng tốt nghiệp THPT. Như vậy nếu chỉ có bằng tốt nghiệp cao đẳng là không đủ.
Trường nghề kiến nghị được dạy 7 môn văn hóa
Ông Phạm Hữu Lộc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng TP HCM phân tích, dự thảo thông tư đang xây dựng theo hướng chỉ cho học sinh sau khi học văn hóa liên thông lên trình độ cao đẳng trong hệ thống GDNN. Tuy nhiên, chúng ta đang hội nhập và phát triển nên không thể nào giới hạn việc học liên thông chỉ trong phạm vi GDNN, điều này sẽ là một bất cập, phi lý trong nền giáo dục theo tinh thần mở hiện nay. Do đó, đề nghị cho phép các cơ sở GDNN có đủ điều kiện được giảng dạy bổ sung các môn văn hóa để các học viên có thể dự thi tốt nghiệp THPT.
Ông Võ Khắc Hoan, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Luật miền Trung chia sẻ, không thể phủ nhận hiện nay nhu cầu của học sinh tìm đến chương trình hệ 9+ là muốn vừa học nghề, vừa có thể học văn hóa để được dự thi tốt nghiệp THPT. Theo dự thảo thông tư của Bộ GDĐT, các em phải học chương trình GDTX cấp THPT gồm 7 môn học: Toán, Văn, Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa. Mấu chốt nằm ở chỗ việc dạy chương trình 7 môn không được trường nghề đảm nhiệm mà bắt buộc phải kết hợp với một trung tâm GDTX trên địa bàn. Chính điều này tạo ra rất nhiều vướng mắc khi phải lệ thuộc vào các cơ sở GDTX, khiến trường nghề khó linh hoạt chương trình đào tạo.
Trong khi trên thực tế hiện nay, hầu hết các trường nghề đều có đủ nguồn lực về đội ngũ và cơ sở vật chất để giảng dạy chương trình giáo dục cấp THPT. Chưa kể phần lớn các trường đã và đang tự dạy khối lượng kiến thức THPT cho hệ trung cấp, gồm 4 môn Toán, Văn, Lý, Hóa, ngay tại cơ sở thì việc đảm đương thêm 3 môn còn lại là không quá khó. Do đó, hầu hết các trường nghề đều mong muốn được dạy văn hóa song hành cùng dạy nghề, giúp người học sau ra trường vừa có bằng nghề, vừa có bằng tốt nghiệp THPT để cơ hội liên thông sau này rộng mở hơn.